Thị trường sách Việt: tăng thương hiệu, tăng chất lượng!

Thứ tư, 27/06/2018, 07:15 AM

Với tính đặc thù, thị trường sách Việt Nam được đánh giá là một thị trường giàu tiềm năng nhưng khó bứt phá. Trong bối cảnh các phương tiện công nghệ bao trùm, những nhận định ấy càng có cơ sở.

3126981015bb11e7ae28b9f83783eb34

Nhìn lại một năm 2017 và nửa đầu năm 2018, dễ dàng nhận ra những chuyển biến tích cực. Sự ra đời của đường sách thứ 2 tại TP.HCM và đường sách đầu tiên ở Hà Nội đã cho thấy những tín hiệu đáng mừng. Xét trên chiều sâu văn hóa, đó là chỉ dấu của quá trình nâng cao văn hóa đọc, kiến thức và duy trì thói quen lành mạnh của người Việt. Xét trên bình diện kinh tế, đó là sự chuyển dịch đáng mừng của một thị trường đặc trưng như thị trường sách, nó là sự phát triển của loại hình dịch vụ tinh thần, thúc đẩy sự phát triển của nhiều loại hình kinh tế, dịch vụ khác như: du lịch, tiêu dùng…

Để hiểu thêm sự phát triển của thị trường sách thời gian vừa qua, phóng viên vietpress đã có buổi trò chuyện với ông Trần Hoàng Minh – Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần sách Sài Gòn (Saigon Books) và ông Huỳnh Trọng Khang, nhà văn, nhân viên khai thác bản thảo Công ty Cổ phần Văn hóa Phương Nam (Phương Nam Book).

Phóng viên: Chào hai anh. Được biết, trong năm vừa qua, Saigon Books và Phương Nam Book đều có sự phát triển tích cực. Đặt trong tương quan chung của thị trường, trong năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018, ông thấy thị trường sách Việt Nam đã có những chuyển biến như thế nào?

Ông Trần Hoàng Minh - Giám đốc kinh doanh Saigon Book. Ảnh: Facebook NV.

Ông Trần Hoàng Minh - Giám đốc kinh doanh Saigon Book. Ảnh: Facebook NV.

Ông Trần Hoàng Minh: “Theo thống kê gần đây của Hiệp hội xuất bản Việt Nam thì lượng sách bình quân đầu người mỗi năm người Việt đọc chưa đến 1 cuốn sách, không kể đến sách giáo khoa, chỉ là sách bình thường thôi. Nhưng gần đây văn hóa đọc cũng bị ảnh hưởng khá nhiều do các thiết bị điện tử di động. Đa phần, mọi người có thói quen đọc sách trực tuyến nên thị trường sách có giảm, nhưng song song đó thì các sách, nhà xuất bản cũng có nhiều hoạt động để thu hút người đọc, ví dụ xuất bản nhiều cuốn sách hay, các loại sách best seller của Thế giới và đẩy mạnh việc quảng cáo cho thị trường sách. Bên cạnh đó, các nhà xuất bản Việt Nam cũng đẩy mạnh thương hiệu cho các tác giả trẻ trong nước, tạo những trào lưu mới. Theo quan sát cá nhân của tôi, gần đây thị trường sách Việt Nam xuất hiện thêm nhiều tác giả trẻ mới, đó cũng là một tín hiệu khá vui, góp phần nâng cao văn hóa đọc của người Việt. Lượng sách ra đầu năm 2018 khá nhiều so với 2017, đặc biệt là trong hội sách tháng 3 ở công viên Lê Văn Tám do đợt đó sách ra rất nhiều.”

Ông Huỳnh Trọng Khang - nhà văn, nhân viên khai thác bản thảo Công ty Cổ phần Văn hóa Phương Nam (Phương Nam Book). Ảnh: Phunu online.

Ông Huỳnh Trọng Khang - nhà văn, nhân viên khai thác bản thảo Công ty Cổ phần Văn hóa Phương Nam (Phương Nam Book). Ảnh: Phunu online.

Ông Huỳnh Trọng Khang: “Nhìn vào tình hình chung, từ năm trước đến năm nay đã có rất nhiều công ty sách mới ra đời, số lượng sách xuất bản đã tăng lên đáng kể. Thị trường sách đã có những chuyển biến tích cực và ngày càng có nhiều công ty sách cạnh tranh với nhau. Do cạnh tranh nên đã ra rất nhiều sách mới hay hơn và thú vị hơn, phục vụ cho bạn đọc nhiều hơn.”

P.V: Theo ông thì hiện nay các loại sách Việt do người Việt viết và các loại sách ngoại được dịch ra thì loại sách nào chiếm được thị phần cao hơn?

Ông Minh: Nó còn tùy vào mảng, ví dụ như về mảng sách văn học và các mảng quản trị kinh doanh hoặc là những cuốn sách thuộc dòng kinh điển, thì các dòng sách dịch chiếm ưu thế nhiều hơn. Còn đối với các tác giả Việt chủ yếu là viết thơ, một số lại viết theo dạng về du kí của các tác giả trẻ thường chia sẻ kinh nghiệm của mình khi đi đó đi đây và được viết lại. Dạng phổ biến hơn là dạng kĩ năng và dạng truyền cảm hứng, hai dạng này vừa chia sẻ kinh nghiệm vừa truyền cảm hứng, bên Sài Gòn Book đang khai thác rất mạnh 2 mảng này. Một số cuốn sách nổi bật trong 2 mảng này như: “An nhiên như nắng”, “Thả trôi thuyền muộn”…

Ông Khang: “Thực tế, là nhà xuất bản trong nước nên lúc nào cũng phải quan tâm đến sách Việt nhiều hơn. Nhưng nhìn chung, bấy lâu nay thì các loại sách nước ngoài được dịch ra nhận được sự quan tâm, chú ý hơn từ độc giả so với sách Việt. Vì các loại sách nước ngoài khi vào thị trường thì đã mang một giải thưởng nhất định, các tác giả cũng rất danh tiếng nên khi vào Việt Nam sẽ dễ gây chú ý hơn là các tác phẩm mới, các tác phẩm đầu tay của các tác giả trẻ.”

P.V: Từ giờ đến cuối năm, ông dự đoán thị trường sách Việt Nam sẽ có sự chuyển biến như thế nào?

Ông Minh: “Thường thì sau một đợt hội chợ lớn thì việc ra sách của các đợt ra sách của các nhà xuất bản lại bị chựng lại và thời điểm hè này vào khoảng tháng 6, tháng 7 thì sẽ tung ra các đầu sách phục vụ cho hè. Và sau đó sẽ dịu dần sau tháng 10,11,12. Các dịp noel, lễ tết thì việc xuất bản lại diễn ra khá mạnh và theo đánh giá của tôi thì trong năm nay các đầu sách sẽ tràn về thị trường rất mạnh hơn các năm trước. Tại vì gần đây các ngày hội sách thường xuyên được diễn ra song song đó các tỉnh cũng tổ chức nhiều các đường sách như Vũng Tàu vừa mới khai trương đường sách Vũng Tàu, sắp tới sẽ có thêm đường sách ở Cần Thơ và Đà Nẵng, những đường sách đó sẽ tạo nên điểm nhấn để cho độc giả biết vừa đến để tham quan du lịch vừa có cơ hội tiếp cận những cuốn sách hay.”

Ông Khang: “Do có nhiều công ty sách cạnh tranh hơn nên thị trường sách trở nên sôi động hơn trong cuộc đua cạnh tranh về mua tác quyền sách, đặc biệt là sách nước ngoài chẳng hạn. Đến bây giờ thì sách mới ra là chúng tôi đã cố gắng mua được bản quyền, dịch và phát hành rất nhanh nên nó làm cho nhịp xuất bản ở Việt Nam nhìn chung trở nên nhanh hơn, gấp rút và sôi động hơn.”

P.V: Cảm ơn ông đã tham gia cuộc trò chuyện ngày hôm nay.

Thực hiện: Hoàng Uyên – Liên Nguyễn

Theo NTD

largeer