Thị trường thịt heo lao đao vì tin đồn

Thứ ba, 26/03/2019, 15:53 PM

Người tiêu dùng ở phía Nam đề phòng và chuyển sang sử dụng các loại thực phẩm khác sau hàng loạt tin đồn về dịch tả heo và sán heo, dù dịch bệnh không hề xuất hiện tại miền Nam. Giá heo hơi giảm gần 50% trong thời gian qua.

Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban ATTP TP.HCM.

Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban ATTP TP.HCM.

Người tiêu dùng lo lắng, giá thịt heo giảm

Chị Nguyễn Tuyết Anh (Củ Chi, TP.HCM) đang khá lo lắng với những thông tin về dịch tả heo châu Phi và sán heo những ngày gần đây. Dù dịch bệnh chưa xuất hiện ở phía Nam, nhưng để an toàn chị vẫn cho gia đình dùng các loại thực phẩm khác thay thế thịt heo.

Khảo sát vài khu chợ tại TP.HCM cho thấy, giá thịt heo đã giảm từ khi thông tin dịch bệnh lan rộng. Bà Thu (tiểu thương chợ Linh Trung, Thủ Đức) cho biết, từ ngày rộ thông tin thịt heo nhiễm dịch tả châu Phi, sán dải, khiến người tiêu dùng lo lắng, lượng hàng bán giảm 20-30% mỗi ngày. Giá thịt các loại cũng giảm từ 7.000-10.000 đồng/kg.

Nhiều tiểu thương khác cho biết, hiện người tiêu dùng đã đề phòng và chuyển sang dùng nhiều thịt bò, gà, vịt hoặc cá để thay thế thịt heo.

Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết, do dịch bệnh xảy ra ở các tỉnh phía Bắc khiến giá heo hơi giảm mạnh hai tuần nay. “Từ 52.000 đồng/kg, nay chỉ còn lại 42.000 đồng. Thậm chí, nhiều nơi thương lái ép giá chỉ còn 36.000 đồng/kg”.

“Người dân e dè trước thông tin dịch bệnh làm cho giá giảm mạnh. Ngoài ra, việc người chăn nuôi bán tháo để chạy giá cũng khiến lượng cung vượt cầu” - đại diện Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai nhận định và cho biết giá có thể tiếp tục giảm trong những ngày tới.

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM chưa ghi nhận trường hợp nhiễm sán dải heo trong mười năm qua.

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM chưa ghi nhận trường hợp nhiễm sán dải heo trong mười năm qua.

Không nên tẩy chay thịt heo

Đó là khẳng định của các chuyên gia y tế. Bác sĩ Đinh Nguyễn Huy Mẫn, Trưởng khoa Xét nghiệm, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM cho rằng, người dân vì chưa có kiến thức cụ thể, không được cập nhật thông tin chính xác dẫn đến việc hoang mang vì những tin đồn thất thiệt. Thậm chí, kêu gọi tẩy chay thịt heo.

Dịch bệnh heo châu Phi không lây cho người, còn sán dải heo hay còn gọi là sán gạo, sán xơ mít là bệnh ký sinh trên cơ thể người và heo. Bệnh ký sinh trên cơ thể người chia làm hai dạng: Ấu trùng sán và sán trưởng thành. Không có biểu hiện cụ thể của loại bệnh này. Người mắc bệnh thường hay đau bụng, rối loạn tiêu hóa, trong phân thường xuất hiện trứng sán...

Về nguyên nhân mắc bệnh, bác sĩ Mẫn cho rằng do thói quen sinh hoạt, ăn uống của người Việt. Nhất là ở vùng nông thôn, thường hay nuôi heo thả rông, cộng với việc không nấu chín thức ăn dẫn đến dễ bị nhiễm sán.

“Phải nấu chín thức ăn, thịt heo được nấu chín rồi thì không sợ sán gạo nữa. Cùng với đó, người chăn nuôi phải làm chuồng, kiểm soát nguồn thức ăn cho heo. Chỉ cần giữ vệ sinh đúng cách cho cả người và động vật thì không sợ” - bác sĩ Mẫn khẳng định.

Đồng tình với ý kiến của vị Trưởng khoa Xét nghiệm Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM (Ban ATTP TP.HCM) chia sẻ thêm: “Trên thực tế, TP.HCM hiện tại chưa phát hiện trường hợp nhiễm bệnh nào. Nguồn bệnh chủ yếu từ việc nuôi heo thả rông và các cơ sở giết mổ heo không rõ nguồn gốc. Trong phạm vi quyền hạn của mình, chúng tôi kiểm soát chặt chẽ các nguồn thịt ra thị trường. Tuy nhiên, chúng tôi cũng khuyến cáo người dân nên lựa chọn thịt rõ ràng nguồn gốc xuất xứ, không có biểu hiện lạ. Và quan trọng nhất, phải tuân thủ triệt để nguyên tắc ăn chín, uống sôi”.

Trước những tin đồn thất thiệt và dồn dập về bệnh liên quan đến heo, bà Lan cho rằng không nên tẩy chay thịt heo vì điều này có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng lên thị trường.

TP.HCM cam kết bảo đảm nguồn cung an toàn

Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP.HCM cho biết, thành phố là thị trường tiêu thụ thịt heo lớn nhất cả nước, nhưng các lò giết mổ heo trên địa bàn chỉ đáp ứng được khoảng 20% thị trường.

Hiện, lực lượng thú y phối hợp cùng các cơ quan liên quan đã chốt chặn ở các cửa ngõ, kiểm tra nguồn heo nhập về. Ban ATTP TP.HCM cũng đang siết chặt kiểm tra thịt heo tại các chợ đầu mối về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng thịt.

TP.HCM có 11 cơ sở giết mổ heo với số lượng giết mổ bình quân là 6.500-7.000 con heo/ngày. Từ ngày 25/2/2019 đến nay, thực hiện vận động của thành phố, các cơ sở giết mổ không tiếp nhận nguồn heo từ các tỉnh phía Bắc và nếu có đều được Chi cục Chăn nuôi Thú y lấy mẫu giám sát dịch bệnh. Nguồn heo nhập vào thành phố chủ yếu từ Đồng Nai (46,41%), Bình Dương (19,03%), Bình Thuận (10,88%), Bà Rịa - Vũng Tàu (8,01%)...

Dịch bệnh tả heo châu Phi lây lan mạnh

Từ tháng 8/2018 đến nay đã có 20 quốc gia công bố có bệnh dịch tả heo châu Phi. Trong đó tại Trung Quốc đã có 110 ổ dịch, xảy ra tại 25 tỉnh với trên 950 ngàn con heo phải tiêu hủy.

Tại Việt Nam từ ngày 1/2/2019 ghi nhận có 136 xã, 37 huyện của 13 tỉnh gồm Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hải Dương, Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định, Điện Biên, Hòa Bình, Thái Nguyên và Quảng Ninh với số lượng heo bệnh phải tiêu hủy là 14.368 con. Dịch đang có chiều hướng lây lan mạnh tại Hải Phòng, Hưng Yên, Thái Bình và chưa được khống chế.

Kim Ngọc - Đăng Kiệt

Theo NTD

largeer