Thị trường Việt trong tay “đại gia” nước ngoài

Thứ ba, 22/05/2018, 18:44 PM

Những biến động trong thời gian ngắn gần đây của lĩnh vực bán lẻ và hàng tiêu dùng Việt Nam cho thấy một thực trạng đáng buồn: Thị trường tiêu dùng Việt Nam đang là “sân chơi” riêng của các nhà đầu tư nước ngoài.

Nước chấm, gia vị Thái... tràn ngập trong các siêu thị Big C, Metro. (Ảnh: Hiếu CT).

Nước chấm, gia vị Thái... tràn ngập trong các siêu thị Big C, Metro. (Ảnh: Hiếu CT).

Hàng Việt “nhập tịch” Thái Lan trên sân nhà

Cuối tháng 4 vừa rồi, trong báo cáo kết quả kinh doanh quý 1/2018 của Siam Cement Group (SCG) Thái Lan cho thấy, Công ty Nawaplastic Industries (Nawaplastic), công ty con của SGC đã hoàn tất việc mua lại 50,9% cổ phần của Công ty Cổ phần Nhựa Bình Minh (BMP), qua đó, chính thức trở thành ông chủ của tập đoàn nhựa lớn nhất Việt Nam.

Như vậy, Nhựa Bình Minh trở thành “nạn nhân” tiếp theo trong cuộc đổ bộ rầm rộ của người Thái. Việc BMP thuộc sở hữu của SCG khiến cho danh sách các thương hiệu Việt “nhập tịch” Thái Lan ngay trên sân nhà thêm nối dài, khi trước đó, danh sách này đã có sự hiện diện của những Big C, Metro, Nguyễn Kim ở lĩnh vực gia dụng, hàng hóa, Sabeco ở ngành nhu yếu phẩm…

Đến một doanh nghiệp có vốn cổ phần hóa thuộc hàng cao nhất thị trường Việt, đã từ lâu là niềm tự hào của các thương hiệu Việt là Vinamilk cũng đang dần rơi vào tay người Thái, khi doanh nghiệp của nước bạn đã sở hữu khoảng 19,6% cổ phần của công ty sữa này. Với việc đang ngày càng nâng cao vốn cổ phần tại Vinamilk, người Thái dường như không giấu giếm tham vọng thâu tóm và chiếm lĩnh thị trường tiêu dùng Việt Nam.

Hàng loạt doanh nghiệp lớn, chiếm thị phần cao trên hầu hết các lĩnh vực của thị trường Việt rơi vào tay người Thái trong vòng xoáy khủng hoảng của kinh tế quốc gia quả thực là một câu chuyện buồn. Đã rất lâu rồi, doanh nghiệp Việt với những sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam không còn đủ sức cạnh trạnh trên “sân nhà” nữa.

Cụ thể, các hệ thống siêu thị lớn như Big C, Metro đang tràn ngập những mặt hàng mang thương hiệu Thái Lan. Hàng Việt khó có cửa “chen chân” vào những kệ hàng ở đây. Thậm chí, theo rất nhiều đại diện của các thương hiệu bán lẻ tiêu dùng Việt, để hàng hóa mang thương hiệu nội địa có mặt trên các kệ hàng Big C hay Metro là rất nhiêu khê. Một mặt hàng “cõng” khoảng 15 loại phí, chiết khấu “trên trời” như phí dùng thử sản phẩm, phí khai trương chi nhánh siêu thị…

Ở góc độ người tiêu dùng, chị Nguyễn Thiên Khánh (ngụ Tân Bình, TP.HCM) chia sẻ: “Quả thực bước vào Big C hay Metro kiếm ra một sản phẩm mang thương hiệu Việt rất khó, kể cả các mặt hàng thuộc về nhu yếu phẩm quen thuộc. Từ bánh kẹo, nước giải khát đến các mặt hàng lớn hơn, đều tràn ngập hàng Thái. Kể cả gạo cũng là gạo Thái, dù Việt Nam cũng là một trong những nước xuất khẩu gạo lớn nhất nhì thế giới”.

Các biểu đồ thể hiện sự thay đổi của các ngành hàng lớn thuộc thị trường tiêu dùng nhanh nội địa. (Ảnh: nielsen.com).

Các biểu đồ thể hiện sự thay đổi của các ngành hàng lớn thuộc thị trường tiêu dùng nhanh nội địa. (Ảnh: nielsen.com).

Ngành hàng tiêu dùng nhanh trong nước có nhiều biến động

Theo báo cáo Market Pulse của Nielsen - tổ chức chuyên phân tích số liệu và đo lường hiệu quả hoạt động toàn cầu, doanh số ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) của thị trường Việt Nam tính đến hết quý 1/2018 có sự biến động mạnh.

Sự sụt giảm doanh thu FMGC thể hiện trên toàn bộ thị trường, ở cả 6 ngành hành chính (bao gồm thức uống, thực phẩm, sản phẩm vệ sinh nhà cửa, sản phẩm từ sữa, sản phẩm chăm sóc cá nhân và thuốc lá). Trong đó, chỉ có thức uống và thuốc lá có chỉ số tăng trưởng dương, là 0,6%. Các ngành hàng còn lại đều cho thấy sự sụt giảm.

Đánh giá về vấn đề này, ông Nguyễn Anh Dũng (Giám đốc điều hành, Bộ phận Dịch vụ đo lường bán lẻ, Nielsen Việt Nam) cho biết: “Sự thay đổi quan niệm của người tiêu dùng về dịp lễ Tết kéo theo những thay đổi trong hành vi mua sắm của họ trong dịp này được cho là giả thuyết lớn nhất dẫn đến sự sụt giảm trong quý này. Tuy nhiên, theo dữ liệu của chúng tôi thì mức tiêu thụ của ngành hàng FMCG trong dịp Tết năm 2018, theo quan sát của Nielsen, đã đạt mức tương đương so với cùng kỳ năm 2017 - vốn được ghi nhận là đạt đỉnh tiêu thụ cao nhất trong lịch sử. Những yếu tố này đồng nghĩa với việc vẫn còn các cơ hội đang bỏ ngỏ mà các nhà sản xuất FMCG có thể tận dụng để kết nối với người tiêu dùng trong các dịp lễ Tết và các dịp lễ khác để phù hợp với những thay đổi của họ.”

Ông Dũng cũng đưa ra dự đoán về thị trường: “Năm 2018 được mong đợi sẽ là năm của những sản phẩm mang tính đổi mới /cải tiến. Theo quan sát của Nielsen, 3 tháng đầu tiên ra mắt sẽ là khoảng thời gian quyết định 70-80% thành công của sản phẩm. Và việc đưa sản phẩm ra thị trường như thế nào, ở những kênh phân phối nào sẽ quyết định thành công chứ không phải là các hoạt động quảng cáo hay những chiến dịch truyền thông.”

Đó cũng là nhận định của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực tiêu dùng bán lẻ của thị trường nội địa. Theo họ, kênh phân phối sản phẩm như các siêu thị, đại lý sẽ quyết định thành công của thương hiệu. Nghĩa là, sự đổ bộ rầm rộ của người Thái vào thị trường Việt, thể hiện qua sự thâu tóm ồ ạt các kênh phân phối bán lẻ lớn của thị trường như Big C hay Metro cho thấy tham vọng chiếm lĩnh và chi phối thị trường, tạo một sân chơi riêng của người Thái ở một thị trường mang nhiều tiềm năng như Việt Nam.

Nếu không có những biện pháp kịp thời cũng như sự chung tay từ các doanh nghiệp Việt, thì ngày thị trường Việt rơi hoàn toàn vào tay đại gia nước ngoài sẽ không còn xa. Và những hệ lụy đằng sau là rất đáng lo ngại.

Đăng Kiệt - Tín Phong

Theo NTD

largeer