Thu hồi đất bằng... xã hội đen

Thứ ba, 09/01/2018, 14:42 PM

Thu hồi đất của dân trái luật, hàng loạt tổ chức và cá nhân ở Lạng Sơn đã bị xử lý, kỷ luật. Tuy nhiên, sau khi bị kỷ luật, các sai phạm vẫn tiếp diễn nên dân khiếu nại quyết liệt...

Biến dự án cây xanh thành dự án nhà ở

Phản ánh tới Báo Người Tiêu Dùng, 32 công dân ở khối 2, phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn khẳng định đã bị chính quyền địa phương xâm phạm một cách thô bạo đến các quyền và lợi ích hợp pháp. Kèm theo đó là hàng trăm trang tài liệu chứng minh sai phạm của cán bộ cùng nhiều sở, ngành liên quan.

Dự án có 17 năm nay và vẫn đang bị người dân khiếu nại (Ảnh: AL)

Dự án có 17 năm nay và vẫn đang bị người dân khiếu nại (Ảnh: AL)

Theo hồ sơ, năm 2001, UBND tỉnh Lạng Sơn phê duyệt quy hoạch chung xây dựng đô thị. Trong đó, diện tích đất tại khối 2, phường Vĩnh Trại được quy hoạch là trung tâm công cộng và đất cây xanh. Tại thời điểm đó, khu vực này là đất ở ổn định và đất trồng rau của nhiều hộ dân, không phát sinh tranh chấp, đều đặn nộp thuế đất hằng năm. Năm 2004, UBND tỉnh Lạng Sơn ban hành Quyết định số 1924/QĐ-UB-XD phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án Chỉnh trang, phát triển đô thị và quy hoạch khu dân cư tại khối 2, phường Vĩnh Trại và năm 2005 thì ban hành Quyết định số 1080/QĐ-UBND-XD về việc thu hồi đất, giao UBND TP.Lạng Sơn làm chủ đầu tư để thực hiện dự án. Thế nhưng, một việc trái pháp luật đã xảy ra là tại thời điểm này, quy hoạch chi tiết phường Vĩnh Trại chưa được phê duyệt.

Đến giai đoạn 2007-2008, khi công tác kiểm đếm để đền bù được tiến hành cũng là lúc gần 100 hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dự án phát hiện ra hàng loạt sai phạm. Cụ thể, trong hầu hết các khâu từ kiểm đếm, đo đạc, đền bù đến công tác bố trí tái định cư… đều có sự nhập nhèm theo hướng bất lợi cho người dân. Cứ mỗi lần dân khiếu nại, thì chính quyền địa phương lại họp bàn giải quyết. Và theo đó, quyền lợi của dân được ban phát kiểu “nhỏ giọt” sau mỗi lần giải quyết khiếu nại.

Một tòa nhà kiên cố đang mọc lên trên đất tranh chấp (Ảnh: AL)

Một tòa nhà kiên cố đang mọc lên trên đất tranh chấp (Ảnh: AL)

Chúng tôi không biết họ căn cứ vào đâu để đền bù nhưng hầu hết mọi bất lợi đều bị đẩy về phía những người dân. Đầu năm 2008, tổng tiền đền bù của các hộ là khoảng hơn 21 tỉ đồng. Sau khi chúng tôi không chịu, thì họ lại tăng thêm một chút lên hơn 22 tỉ đồng. Chúng tôi tiếp tục khiếu nại, đến năm 2009 thì thêm cho hơn 1 tỉ đồng nữa. Năm 2012 thì thêm 5,6 tỉ đồng, rồi lại 1 tỉ đồng nữa. Và cứ thế cho đến tận bây giờ. Tuy nhiên, con số đền bù này vẫn rất vô lý nên chúng tôi khiếu nại kéo dài” - bà Vũ Bích Vân nói.

Sau kỷ luật vẫn làm sai

Năm 2010, những người dân mất đất đã gửi đơn kêu cứu trực tiếp đến ông Vy Văn Thành - Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn. Đến ngày 30.12.2010, ông Thành đã ra quyết định thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra, xem xét nội dung đơn thư khiếu nại liên quan đến việc thực hiện dự án này. Thế nhưng, trong khi đoàn kiểm tra chưa ra được kết luận cuối cùng thì bất ngờ, ngày 29.3.2011, Sở Tài chính Lạng Sơn bỗng mang 30 lô đất nằm tại vị trí đắc địa của dự án đem đấu giá với mức khởi điểm gần 12 tỉ đồng (sau đó bán được gần 20 tỉ đồng) bất chấp những phản đối quyết liệt từ những hộ dân liên quan.

Lúc này, những nông dân mới phát hiện ra rằng, trung tâm công cộng và đất cây xanh chỉ là cái cớ để thu hồi đất, vì không có một dự án công cộng nào được xây dựng lên trên diện tích đất họ vừa bị thu hồi, mà bản chất của dự án chính là san lấp mặt bằng, làm hệ thống điện, đường mới rồi phân lô bán với giá cao gấp cả trăm lần.

Máy móc thiết bị được huy động đến để phá nhà dân (Ảnh: AL)

Máy móc thiết bị được huy động đến để phá nhà dân (Ảnh: AL)

Mãi đến năm 2012, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Vy Văn Thành đã ký Bản kết luận số 04/KL-UBND về “Kết quả kiểm tra Dự án chỉnh trang, phát triển đô thị và quy hoạch khu dân cư tại khối 2, phường Vĩnh Trại, TP.Lạng Sơn”. Kết luận chỉ rõ những sai phạm về công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch của nhiều sở ngành và thành phố Lạng Sơn. Bên cạnh đó, ông Thành cũng yêu cầu Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư; Giám đốc Sở TNMT; UBND TP.Lạng Sơn; Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Tài chính chỉ đạo kiểm điểm đối với tập thể, cá nhân để xảy ra sai sót liên quan đến dự án trên. Riêng với Sở Xây dựng, ông Thành chỉ đạo Giám đốc Sở kiểm điểm và đề nghị hình thức kỷ luật đối với tập thể, cá nhân đã để xảy ra sai phạm trong việc lập quy hoạch chi tiết xây dựng phường Vĩnh Trại. Đặc biệt, về chính sách cho người dân nằm trong diện bị giải tỏa, ông Thành yêu cầu UBND TP.Lạng Sơn tiếp tục triển khai và đẩy nhanh tiến độ dự án, khẩn trương bố trí đất tái định cư cho các hộ phải di chuyển chỗ ở theo quy định. Trong quá trình bố trí đất tái định cư phải thực hiện nguyên tắc hộ dân bị thu hồi đất mặt đường thì phải được bố trí đất tái định cư mặt đường. Sau kết luận này, một số hộ dân đã được cấp thêm lô đất phía bên trong dự án ngoài số tiền đền bù và hỗ trợ như trên. Đơn cử như nhà bà Nguyễn Thị Mai, cứ sau mỗi lần khiếu nại lại được phân thêm 1 lô đất nữa phía bên trong (nằm trong dự án nhưng không ngoài mặt đường). Tính đến nay, sau 2 lần khiếu nại (năm 2012 và 2015) bà Mai đã được phân thêm 2 lô đất, mỗi lô rộng khoảng 70m2.

Tuy nhiên, không phải tất cả những người nằm trong diện bị giải tỏa đều được phân thêm đất. Như gia đình bà Hoàng Thị Bài, sau nhiều năm liền khiếu nại, đến tận tháng 6.2016 đây bà Bài mới được chính quyền gọi lên nói sẽ hỗ trợ cho một lô.Thậm chí có 5 hộ có nhà mặt đường nhưng sau khi triển khai dự án, chính quyền thành phố đã không bố trí đất tái định cư ngoài mặt đường cho hộ nào mà cố đẩy vào bên trong với giá trị đất thấp hơn cả chục lần.

Giải quyết bằng “xã hội đen”

Trong khi người dân gửi đơn kêu cứu khắp nơi thì những tòa nhà kiên cố vẫn mọc lên trên đất dân. Để “giải phóng mặt bằng”, những người lạ mặt không biết từ đâu kéo về, dùng xe máy xúc và dao bua, gậy gộc để phá nát nhà dân. Tất cả vụ việc đều được người dân quay phim lại để làm bằng chứng tố cáo nhưng không ai giải quyết.

ls6-1338

Ngày 25 và 26.8.2016, gia đình bà Hoàng Thị Bài và Nguyễn Thị Mai bị một nhóm người lạ xăm trổ đầy mình đến khuân hết đồ đạc trong nhà ra rồi dùng máy xúc, máy ủi đập nát ngôi nhà cấp 4 mà hai gia đình đang sử dụng. Hai căn nhà này nằm trong diện bị thu hồi để phục vụ cho dự án chỉnh trang, phát triển đô thị và quy hoạch Khu dân cư tại Khối 2, phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn nhưng bị dân khiếu nại. Trong khi vụ việc chưa được giải quyết, Thanh tra Chính phủ yêu cầu tỉnh Lạng Sơn làm rõ, giải quyết dứt điểm vụ việc thì chính quyền thành phố Lạng Sơn đã cấp sổ đỏ khu đất của bà Bài, bà Mai cho người khác. Sau khi bà Bài bà Mai bị phá nhà, ngày 13.6.2017, nhà của các ông Trình A Đô, Trình A Ve và Trình A Khê cũng bị một nhóm người tự xưng là chủ đất mới dùng hung khí chèn ép khiến bà Dương Thị Nhịt (vợ ông Đô) bị thương tích.

Theo Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, nếu việc thu hồi đất này đang còn khiếu kiện, chưa được giải quyết dứt điểm thì cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, giải quyết tranh chấp hành chính (UBND, Tòa án) có trách nhiệm giải quyết vụ án này trong thời hạn luật định. Nếu người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, khởi kiện không làm hết trách nhiệm, để xảy ra xung đột gây hậu quả nghiêm trọng thì người có thẩm quyền giải quyết khiếu kiện cũng phải chịu trách nhiệm pháp lý, ít nhất là cũng phải bị kỷ luật.

Nếu bà Bài, bà Mai đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc đủ điều kiện để được nhà nước công nhận quyền sử dụng đất thì các hộ dân này được thực hiện các quyền, nghĩa vụ của mình theo quy định của luật đất đai, trong đó có quyền được yêu cầu pháp luật bảo vệ khi có tranh chấp, khiếu kiện.

“Nếu thửa đất của hai hộ này đã bị nhà nước ra quyết định thu hồi đất theo đúng trình tự, thủ tục luật định; đã được bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy định pháp luật; các hộ này đã bàn giao mặt bằng hoặc đã bị cưỡng chế thu hồi đất sau đó thửa đất này được cấp cho chủ thể khác hoặc nhà nước quản lý thì các hộ dân này mới mất toàn bộ quyền của người sử dụng đất”, Luật sư Cường nêu rõ.

Nhiều thanh niên xăm trổ được đưa đến để hăm dọa người dân (Ảnh: AL)

Nhiều thanh niên xăm trổ được đưa đến để hăm dọa người dân (Ảnh: AL)

Tuy nhiên, theo ông Cường, nếu việc thu hồi đất chưa được giải quyết dứt điểm, các hộ dân này chưa bàn giao mặt bằng cho chính quyền địa phương, chính quyền địa phương cũng chưa tổ chức cưỡng chế thu hồi đất thì chưa có căn cứ để chính quyền địa phương giao đất cho người khác.

“Nếu UBND thành phố Lạng Sơn đã có quyết định thu hồi đất của hộ bà Bài, bà Mai nhưng hai hộ này chưa bàn giao đất, cũng chưa bị cưỡng chế thu hồi đất mà UBND thành phố Lạng Sơn đã giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người khác thì UBND thành phố Lạng Sơn phải có trách nhiệm lấy lại đất từ hai hộ dân này để giao cho những người được giao đất. Người được giao đất thì phải có biên bản bàn giao, cắm mốc trên thực địa thì mới phát sinh các quyền của người sử dụng đất”, Luật sư Cường phân tích.

Còn nếu chỉ có quyết định giao đất, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng chưa được UBND cấp có thẩm quyền bàn giao đất trên thực địa thì UBND giao đất phải có trách nhiệm thực hiện thủ tục này (thủ tục giao đất) thì việc giao đất mới hoàn tất.

Cho rằng vụ việc chưa được giải quyết dứt điểm, các hộ dân trong vùng dự án nhất quyết không giao đất. Một số hộ đã dựng lại nhà mới trên nền đất cũ để trú ngụ, chờ cơ quan chức năng trả lời.

An Long

Theo NTD

largeer