Thu hút doanh nghiệp đầu tư vào đại học không thể dừng ở hảo tâm

Thứ ba, 10/09/2019, 11:17 AM

Việc thiếu cơ chế khuyến khích làm nản lòng các nhà tư muốn tham gia đầu tư vào giáo dục đại học...

Các đại biểu tham dự tọa đàm. Ảnh - N.Dương

Các đại biểu tham dự tọa đàm. Ảnh - N.Dương

Đó là quan điểm của các chuyên gia tại tọa đàm "Tự chủ đại học với chủ đề nâng cao chất lượng đào tạo" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 9/9.

Tăng học phí có lộ trình phù hợp năng lực chi trả

Bàn về tự chủ đại học, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học đã có nhiều quy định mới "cởi trói" cho các trường đại học thực hiện tự chủ, trong đó có vấn đề tài chính.

Khẳng định tài chính là vấn đề rất quan trọng đối với mỗi trường đại học, trong đó có học phí, PGS.TS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết, hiện đối với các trường tự chủ, học phí là được tự quyết. Tuy nhiên, cân nhắc học phí là yếu tố rất quan trọng, vừa đảm bảo nâng cao chất lượng vừa nâng cao khả năng tiếp cận học đại học của người học. Đại học Bách Khoa Hà Nội và một số trường đã được thí điểm tự chủ một vài năm nay, do đó đến nay chính sách học phí của nhà trường đã cơ bản ổn định.

Đương nhiên khi Nhà nước không cấp ngân sách chi thường xuyên nữa thì học phí phải bù đắp phần này. Theo ông Sơn, trước đây ngân sách cấp cho trường cũng chỉ khoảng 20%, vì vậy nâng học phí là điều không tránh khỏi. Nhưng, việc nâng học phí cần có lộ trình để phù hợp với khả năng chi trả của người học ở các vùng khác nhau.

Là một trong những trường đại học đầu tiên thực hiện tự chủ từ một phần đến toàn phần như hiện nay, PGS.TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng tăng học phí để bù đắp chi phí chi thường xuyên là xu thế tất yếu.

Tại Đại học Kinh tế quốc dân, ông Chương cho biết, học phí của nhà trường hiện được thực hiện rất công khai, minh bạch và công bố cho toàn khóa, riêng năm học này, học phí cho hệ đào tạo chính quy là từ 15 - 18,5 triệu đồng/năm.

Mức tăng được nhà trường cam kết không quá 10%/năm, nhưng trong bối cảnh hiện nay tăng khoảng 5%/năm. Như vậy, sinh viên khi vào trường đã biết phải đóng mức học phí bao nhiêu cho suốt cả quá trình đào tạo, tránh xảy ra việc bất ngờ hoặc không có sự chuẩn bị trước.

Bên cạnh đó, theo ông Chương dù học phí là yếu tố rất quan trọng nhưng để đảm bảo cho các đối tượng khó khăn có khả năng tiếp cận giáo dục thì trường phải vận dụng chính sách học bổng. Hiện quỹ học bổng của trường mỗi năm là hơn 30 tỷ đồng, trong đó đóng góp doanh nghiệp khoảng 10 tỷ đồng, từ nhà trường là 20 tỷ đồng.

Thu hút đầu tư từ doanh nghiệp không dừng lại ở "hảo tâm"

Cho rằng học phí rất quan trọng, song theo PGS.TS Phạm Hồng Chương nếu chỉ dựa vào học phí thì trong dài hạn sẽ rất khó có khả năng đột phá để tạo ra các trường đẳng cấp quốc tế. Do đó, về lâu dài cần có giải pháp căn bản đối với giáo dục đại học, nhất là vấn đề tài chính.

Như vậy, theo ông Chương, đầu tư từ ngân sách nhà nước vẫn giữ vai trò quan trọng. "Muốn có chất lượng đào tạo tốt chúng ta phải có đầu tư chiều sâu, tất nhiên khi đầu tư như vậy thì mức học phí sẽ phải tăng lên một phần để đảm bảo tính khả thi của các chương trình", ông Chương nhấn mạnh

Cũng khẳng định Đại học Bách khoa Hà Nội trước khi tự chủ đã có được sự đầu tư rất lớn của nhà nước, với khoảng 200 tỷ đồng vào cơ sở vật chất, nhưng TS. Hoàng Minh Sơn cũng cho rằng: để nâng cao chất lượng không chỉ dựa vào học phí mà cần có đầu tư nghiên cứu và chuyển giao công nghệ.

Như vậy, không chỉ có vai trò của Nhà nước mà còn cần doanh nghiệp tham gia với nhà trường để phát triển lĩnh vực này, đây là yêu cầu thiết yếu.

Theo ông Sơn, tự chủ tài chính gồm nhiều phần chứ không chỉ có học phí, mà muốn huy động được những nguồn này cần có cơ chế khuyến khích sự tham gia của các doanh nghiệp vào. "Thực tế tại trường chúng tôi có nhiều doanh nghiệp muốn vào hợp tác đầu tư trong nghiên cứu, nhưng do chưa có quy trình thủ tục hướng dẫn nên thời gian kéo dài rất lâu làm nản lòng các nhà đầu tư", ông Sơn cho biết.

Cũng tương tự như vậy, với các nhà tài trợ, theo ông cần có cơ chế khuyến khích cho những nhà hảo tâm khi đầu tư vào các trường đại học với những lợi ích rõ ràng.

Ông cũng khẳng định, hợp tác với doanh nghiệp là chiến lược rất quan trọng trong sự phát triển của nhà trường và mong muốn nhanh chóng có cơ chế, chính sách cụ thể để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cho giáo dục đại học.

Cũng thừa nhận có vướng mắc trong cơ chế thu hút đầu tư từ doanh nghiệp với nhà trường, PGS.TS Phạm Hồng Chương cũng cho biết thêm, Đại học Kinh tế quốc dân hiện có mạng lưới cựu sinh viên thành đạt rất lớn, sẵn sàng đóng góp hàng trăm tỷ đồng đầu tư cho nhà trường nhưng cần phải có cơ chế linh hoạt hơn.

"Nếu chỉ dừng lại ở việc hảo tâm thì hiệu quả đầu tư chỉ được một phần, quan trọng nhất là tính tự chủ tự chịu trách nhiệm của nhà trường trong vấn đề tài chính. Chúng tôi nghĩ rằng, đào tạo cũng đòi hỏi phải nhanh nhạy như trong kinh doanh, khi có công nghệ, xu hướng mới thì trường phải cập nhật để đào tạo. Mà như vậy chi phí sẽ rất lớn cần thu hút đầu tư từ doanh nghiệp. Do đó, nên có cơ chế cho phép các trường tự chịu trách nhiệm lớn hơn, minh bạch hơn", ông Chương nêu quan điểm.

Nhật Dương

Theo Vneconomy.vn
Từ khóa:

largeer