Thực phẩm bẩn tuồn về chợ công nhân

Thứ ba, 04/12/2018, 09:19 AM

Cá đã chuyển qua màu tím nhạt, thịt đã chuyển qua màu đen... được các chủ vựa gom bán với giá rẻ như cho để các tiểu thương bán lại tại các chợ công nhân.

Từ 23 giờ, chợ đầu mối nông sản thực phẩm Bình Điền (huyện Bình Chánh, TP.HCM) bắt đầu nhộn nhịp. Hàng trăm xe tải lớn, nhỏ của các nhà hàng, cơ sở chế biến suất ăn... tấp nập ra vào chở hàng. Tiếp sau đó là sự xuất hiện của tiểu thương buôn bán tại các chợ truyền thống. Tiếng bạn hàng gọi nhau í ới vang rộn cả một góc chợ cho đến khi trời sáng. Thời điểm các chủ vựa trong chợ bắt đầu dọn dẹp ra về cũng là lúc những chiếc xe máy cà tàng không biển số xuất hiện. Họ là những tiểu thương nhỏ, bán tại các chợ công nhân (CN) nằm rải rác ở các KCX-KCN.

Tiền nào của đó

Chúng tôi đi cùng một phụ nữ chuyên buôn bán ở khu chợ "chồm hổm" gần Công ty TNHH Pou Yuen Việt Nam (quận Bình Tân, TP HCM) đến chợ đầu mối Bình Điền để tìm nguồn hàng. Nhác thấy "khách quen", nhiều chủ vựa ở chợ đon đả mời chào.

Dường như đoán được món hàng khách sẽ mua, một chủ vựa cá mời mọc: "Cá bạc má hôm nay 12.000 đồng/kg, lấy về bán cũng được lắm". Dứt lời, chủ vựa đưa nguyên rổ cá nặng trịch lên cân. Cân đồng hồ nhảy con số 15,6 kg, người phụ nữ đi cùng tôi móc túi lấy 200.000 đồng trả cho chủ vựa và nhận lại tiền thối. Nhận bịch cá từ tay chủ vựa, người phụ nữ đi cùng tôi nhăn nhó: "Cá hôm nay hơi ươn nhỉ". Đáp lại, chủ vựa chỉ cười trừ.

Hải sản ươn, không còn nguyên vẹn được bày bán ở chợ đầu mối Bình Điền (TP HCM)

Hải sản ươn, không còn nguyên vẹn được bày bán ở chợ đầu mối Bình Điền (TP HCM)

Đi sâu vào chợ, chúng tôi liên tục nhận được lời mời của nhiều chủ vựa. Thấy nét mặt lơ ngơ của tôi, một chủ vựa đon đả: "Em trai ơi, cá kèo 10.000 đồng một ký, lấy hết chỗ này thì 9.000 đồng/kg". Chúng tôi chê giá cao vì hàng cuối chợ thì chủ vựa bĩu môi: "Hàng vét mới có giá đó, chứ đầu chợ 30.000 đồng/kg".

Gần 2 giờ lân la tìm hiểu các vựa hải sản ở đây, chúng tôi nhận thấy hầu hết giá các loại cá rất rẻ. Chẳng hạn, cá nục chỉ 8.000 đồng/kg, cá bạc má 9.000 đồng/kg. Đặc biệt, đầu mực giá khá bèo, chỉ 5.000 đồng/kg. Khi chúng tôi thắc mắc thì hầu hết chủ vựa ở đây cho biết do là hàng cuối chợ, bị các mối lớn loại ra nên buộc phải bán đổ đồng, phần nhiều đã bị ươn hoặc không còn nguyên vẹn.

"Nói là bán nhưng thực chất là dọn hết hàng để đóng sạp nghỉ ngơi nên mới có giá bèo đến thế. Hàng này đa phần được tiểu thương buôn bán tại các chợ gần KCN hoặc những cơ sở chế biến suất ăn cho CN mua lại" - chủ một vựa hải sản cho biết.

Khoảng 6 giờ, khi các sạp lớn đã đóng cửa gần hết thì những tiểu thương nhỏ bắt đầu bày các mặt hàng "vét" ra phía hành lang trước chợ để bán. Lúc này, họ không còn bán theo ký nữa mà bán theo rổ. Mỗi rổ 3-5 kg có giá từ 20.000 đến 30.000 đồng, tùy loại cá.

"Phù phép" cá ươn, thịt thối

Thấy chúng tôi lo lắng về chất lượng thực phẩm, bà B, chủ một vựa hải sản tại chợ đầu mối Bình Điền, liền trấn an: "Hàng cuối chợ thì làm sao mà đòi tươi như lúc mới về. Tuy nhiên, giá thì rẻ hơn rất nhiều. Cậu cứ mua đi rồi tôi chỉ cho cách chế biến, không ai biết đâu mà lo".

Kéo tôi vào một chỗ khuất trong vựa, bà B. tiết lộ cách "phù phép" hải sản ôi thiu thành hàng "xịn". Chẳng hạn, muốn xử lý cá ươn, chỉ cần ngâm với nước muối để chừng 3 giờ sẽ bớt mùi hôi. Nếu muốn cá tươi và đẹp mắt hơn thì sử dụng phân urê và hàn the để ướp. Cá ướp hàn the, urê nhìn rất tươi, ấn tay vào thấy thân rất mềm. Tuy nhiên, bà B. cảnh báo chỉ dùng liều lượng vừa phải vì nếu lạm dụng quá mức sẽ gây ngộ độc cho người ăn. "Việc này cũng tùy cái tâm của người bán nữa..." - bà B. nói. Khi chúng tôi hỏi muốn mua hàn the, urê ở đâu thì bà B. lắc đầu từ chối.

Cách "phù phép" nêu trên là đơn giản nhất. Nhằm bảo đảm cho cá tươi lâu và bắt mắt, nhiều tiểu thương, thậm chí chủ vựa, còn dùng các "thủ thuật" để qua mắt người tiêu dùng.

Ngoài hàng hóa tại các chợ đầu mối, rất nhiều nội tạng, thịt heo bẩn được các thương lái nhập từ Trung Quốc về, xử lý sơ qua và sau đó bán lại cho các tiểu thương nhỏ tiêu thụ ở những khu chợ CN. "Mặt hàng này được đánh giá là siêu lời vì giá chỉ vài chục ngàn một ký, do đó nhiều tiểu thương cũng rất ham" - chủ một sạp thịt tại chợ đầu mối Bình Điền cho biết.

"Làm đẹp" cho rau củ quả

Tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, theo tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết rau củ quả cuối chợ đều được tiểu thương mua về với giá chỉ bằng 1/3 giá ban đầu, sau đó đem về bán tại các chợ CN. Hầu hết tiểu thương nhỏ lẻ bán tại các chợ CN thường đến mua sau cùng. Họ chỉ lấy những loại rau củ quả đã bị tiểu thương khác loại ra.

Tiếp xúc với chúng tôi, một tiểu thương tại khu chợ dành cho CN ở KCN Bình Đường (thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương) cho biết khoảng 4 giờ hằng ngày, bà đến chợ đầu mối Thủ Đức để lấy hàng. Hàng loại 2, 3 sẽ có có giá rẻ hơn và dễ bán cho CN vì họ không yêu cầu cao. "Rau củ quả sau khi mua về được các tiểu thương "tắm" cho đẹp rồi mới bày bán. CN bây giờ cũng khó tính lắm, rau củ quả trông xấu là họ không mua" - tiểu thương này nói.

Nhằm bảo đảm cho hải sản tươi lâu và bắt mắt, nhiều tiểu thương, thậm chí chủ vựa, còn dùng các “thủ thuật” để qua mắt người tiêu dùng.

Bài và ảnh: THÀNH ĐỒNG

 

Theo NLĐ

largeer