"Thượng đế" bị chiếm đoạt 245 tỷ đồng tại Eximbank: Tòa nào và bao giờ mới xử?

Chủ nhật, 25/02/2018, 15:47 PM

Vụ khách hàng Chu Thị Bình bị “bốc hơi” 245 tỉ đồng tại Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) đang nảy sinh một vấn đề "nan giải": Làm sao để có được bản án của tòa theo đề nghị của ngân hàng?

Theo bà Bình, năm 2013 bà mở 3 sổ tiết kiệm tại Eximbank, và tháng 3/2017, sau khi Phó giám đốc Chi nhánh Eximbank TP.HCM Lê Nguyễn Hưng bỏ trốn thì ngân hàng này thông báo các sổ tiết kiệm của bà đã bị rút gần hết tiền từ lâu với tổng số tiền lên đến 245 tỉ đồng.

Lãnh đạo Eximbank cho rằng, theo văn bản số 387 ngày 12/6/2017 của Cơ quan Cảnh sát điều tra (C44) - Bộ Công an, những chữ ký trên các chứng từ rút tiền đều là chữ ký thật của bà Bình.

Tuy nhiên, bà Bình cho biết, ông Lê Nguyễn Hưng đã lợi dụng bà ký khống giấy ủy quyền để rút tiền từ các sổ tiết kiệm của bà.

Một chi nhánh của Eximbank (Ảnh minh họa)

Một chi nhánh của Eximbank (Ảnh minh họa)

Về yêu cầu phải hoàn trả số tiền bị ông Hưng chiếm đoạt của bà Bình, Eximbank cho rằng: Trước mắt ngân hàng này chưa có cơ sở giải quyết. Và, Eximbank mong muốn cơ quan chức năng đẩy nhanh quá trình tố tụng cũng như chuyển hồ sơ cho tòa án xét xử nhằm đảm bảo quyền lợi hợp pháp của bà Bình.

Trước hướng giải quyết của Eximbank như thế, một luật sư cho hay, Eximbank đang cố tình để pháp nhân “ngân hàng” đứng ngoài cuộc và hạn chế thấp nhất những thiệt hại cả về tài chính và uy tín.

Theo vị luật sư, nếu chờ bản án của tòa thì chờ đến bao giờ? Bởi, Lê Nguyễn Hưng đã bỏ trốn ra nước ngoài và không ai có thể xác định được khi nào sẽ bắt được anh ta. Trong khi tòa hình sự không thể tiến hành xét xử nếu chưa bắt được bị can.

Còn nữa, nếu khách hàng kiện Eximbank để đòi tiền thì sau khi xem xét hồ sơ, tòa chắc chắn sẽ chuyển sang cơ quan cảnh sát điều tra, vì có dấu hiệu hình sự trong vụ án. Do đó, trong vụ việc này bà Bình không thể được bảo vệ quyền lợi bằng một bản án tranh chấp dân sự.

Như vậy, để khách hàng chờ phán quyết cuối cùng của tòa án trước khi thực hiện quyền và nghĩa vụ phải trả lại tiền cho "thượng đế" Chu Thị Bình thì Eximbank nên trả lời câu hỏi: Tòa nào và bao giờ mới xử?

Cũng theo vị luật sư, cần phải xem xét trách nhiệm của lãnh đạo Eximbank đối với vụ việc. Bởi, nếu cứ đổ cho một cá nhân (đã bị khởi tố và đang bỏ trốn) thì hệ thống quản lý, giám sát của ngân hàng này cũng rất cần được xem lại và người tiêu dùng nên cân nhắc trước khi quyết định bất cứ giao dịch nào!

 Thế Mỹ

Theo NTD

largeer