Thương nhà nông

Thứ ba, 04/09/2018, 14:47 PM

Đài Truyền hình quốc gia vừa phát một phóng sự phản ánh tình trạng chia lô bán nền tràn lan ở tỉnh Quảng Nam với 300 dự án, ngốn rất nhiều đất trồng lúa của nông dân.

Không lâu sau nữa, nông dân đối diện nguy cơ thất nghiệp, đói ăn, thậm chí trắng tay ngay bên thửa ruộng, khoảnh hoa màu của mình năm nào. Nhiều vị chức sắc trong bộ máy chính quyền tỉnh trả lời nhà đài rằng cũng thấy đó là bất hợp lý nhưng sự trái ngang vẫn diễn ra, cứ như là chuyện "cha chung không ai khóc", chẳng phải của mình. Nông dân lên tiếng, bày tỏ sự lo lắng, rồi chẳng biết phải làm sao nữa! Cuộc đời nhà nông thật mong manh; mất mùa, thiên tai luôn thường trực, lại bị thu hồi đất mà đền bù không thỏa đáng, coi như mất hẳn kế sinh nhai, rơi vào bế tắc.

Chuyện kể trên không phải là cá biệt ở Quảng Nam mà còn diễn ra ở các địa phương khác. Nông dân mất một mùa là bán đất, bán ruộng. Mất một mùa là nợ nần níu kéo, con cái nheo nhóc. Nợ mùa này sẽ kéo đến mùa sau và sẽ đến lúc có được mùa cũng thiếu đói. Nào phải nông dân không siêng năng, tính toán. Đáng buồn là họ không phải người được hưởng lợi lớn nhất trên sản phẩm mà họ tốn bao mồ hôi nước mắt để làm ra. Được mùa thì mất giá, được giá lại mất mùa...

Nông dân Đà Lạt trúng mùa thế là thương lái hạ giá thu mua nông sản: su hào 1.000 đồng/kg, bắp cải 500 đồng/kg, su su 2.000 đồng/kg, cà chua 3.000 đồng/kg… Trong khi đó, giá các loại nông sản này ở TP.HCM và các thành phố lớn khác luôn cao ngất ngưởng. Bức xúc, nhiều nông dân chấp nhận trắng tay, đổ bỏ nông sản cho bò ăn. Nói rõ ra, những phần lợi nhuận béo bở nhất đã lọt vào tay tư thương trung gian - những người tốn công sức ít nhất song lại có quyền khống chế giá cả.

Mà nào phải tư thương, không ít công ty quốc doanh cũng tham gia chia phần món lợi này. Gạo lúa ở đồng bằng sông Cửu Long, trái cây ở Tây Nguyên, bắp ở miền Trung có chung hoàn cảnh. Nhiều nơi, nông dân tập hợp lại thành lập hợp tác xã tương trợ nhau tiêu thụ sản phẩm hoặc liên kết với doanh nghiệp xuất khẩu ký hợp đồng thu mua với giá ổn định. Cách làm này mang lại hiệu quả lớn. Như người trồng vải ở phía Bắc đã khá lên từ mảnh vườn; người trồng cam đặc sản ở miền Tây và người trồng thanh long ở Nam Trung Bộ cũng đã tích lũy đủ để mở rộng sản xuất và nếu thất mùa, họ vẫn có thể tái đầu tư. Đáng tiếc là mô hình này chưa nhiều.

Một cái khó nữa của nông dân chính là không đủ đất đai và thiếu nguồn vốn hỗ trợ đầu tư sản xuất. Không ít người ban đầu cũng có đất nhưng lợi tức từ sản xuất quá thấp, không lâu sau, họ phải bán đất và trở thành người làm thuê trên chính điền thổ của mình. Trong khi đó, quỹ đất ở nhiều địa phương rất lớn nhưng nhân danh đô thị hóa nên không dùng cho sản xuất. Cả triệu hecta đất rừng ở Tây Nguyên hiện chưa được quản lý hiệu quả tồn tại song song với cả vạn hộ nông dân không có đất trồng trọt là một ví dụ.

Vòng luẩn quẩn của đa phần nông dân hiện chưa tìm ra lối mở. Một quốc gia nông nghiệp nhưng nông dân vẫn nghèo trên cánh đồng của mình thì quả là vô lý. Thương quá nhà nông! 

Phạm Hồ

Theo NLĐ

largeer