Tiếng ai oán giữa lòng thành phố !

Thứ tư, 16/05/2018, 15:40 PM

 2 người chết, 3 người trọng thương là con số thực tế, song tổn thất phía sau vụ “cướp đâm hiệp sỹ đường phố đêm 13/5” còn lớn hơn nhiều. Nhất là tổn thất về nhận thức cộng đồng.

Hiện trường vụ án đêm 13/5 (Ảnh: Bnews)

Hiện trường vụ án đêm 13/5 (Ảnh: Bnews)

1. Công an ở đâu trong vụ án nghiêm trọng này? Câu trả lời là cách đó vài chục mét! Thế nhưng, theo những thông tin trên mạng xã hội, khi vụ án đang xảy ra, tại trụ sở công an phường cách hiện trường chỉ độ 20m ấy, chiến sỹ công an khi nghe trình báo về vụ việc “đâm người” đã tỏ ra thờ ơ đến kỳ lạ: “Địa bàn phường khác mà”. Chỉ một câu nói, chiến sỹ công an ấy đã tự loại mình ra khỏi phạm vi trách nhiệm của công việc được giao, đồng thời, cũng tự loại mình ra khỏi danh xưng “công an nhân dân” mà hằng ngày anh và các đồng đội luôn tâm niệm. Có vị công an nhân dân nào lại tỏ ra dửng dưng đến rợn người trước một vụ án đặc biệt nghiêm trọng có liên quan đến tính mạng nhân dân như thế, chỉ vì không thuộc địa bàn của mình?

Sự máy móc đến vô cảm của anh công an phường đã gián tiếp làm 2 người chết và 3 người bị thương, dù rằng, trách nhiệm và bổn phận của công an là ngăn chặn những hành vi phạm tội, từ những mầm mống nhỏ nhất như trộm cướp đến những xung đột to hơn như đánh nhau, đâm chém dẫn đến chết người. Vậy mà điều đau đớn nhất lại xảy ra chỉ cách chốt công an phường khoảng 20m ! Đừng hỏi tại sao người dân mất niềm tin vào cơ quan chức năng, mà ở đây là công an, đại diện gìn giữ sự an toàn và văn minh của xã hội.

2. “Hiệp sỹ đường phố” là tổ chức tự lập trên cơ sở niềm tin và sự hỗ trợ cộng đồng. Nghĩa là “đội hiệp sỹ đường phố” được lập ra để hỗ trợ cơ quan chức năng trong việc giữ gìn an ninh trật tự, đảm bảo sự an toàn, bình yên cho cộng đồng. Thế nhưng, khi vụ trộm cướp xảy ra, người ta không hề thấy bóng dáng của công an, cơ quan chức năng chính, nắm trọng trách an ninh. Thay vào đó là những người dân thường, áo vải tay không với sự gan dạ có thừa xuất hiện. Để rồi, kết cục đau buồn nhất xảy ra.

Gan dạ và nghĩa hiệp là điều phải có. Tuy nhiên, điều đó phải đi đôi với những trang bị đầy đủ cả về kiến thức lẫn kỹ năng để tránh được những trường hợp xấu nhất. Tiếc rằng, những “hiệp sỹ đường phố” ấy, dư sự nghĩa hiệp để có thể hỗ trợ cộng đồng trong việc săn bắt cướp, song lại thiếu những kỹ năng kiến thức cần thiết để ngăn chặn nó. Mà những điều ấy, công an lại có thừa.

Thành ra, về lâu dài, nhóm hiệp sỹ đường phố làm luôn công việc của công an khu vực: săn bắt cướp, giữ gìn an ninh trật tự. Họ là sự biểu thị của một cộng đồng tích cực hỗ trợ chính quyền vì sự bình yên của xã hội, nhưng một phần khác là thiếu niềm tin vào cơ quan chức năng, cơ quan công quyền vốn được sinh ra để bảo vệ cho cộng đồng ấy. Giờ đây, cái niềm tin đang vơi dần của người dân đối với công an sẽ trở nên kiệt quệ, khi dẫn chứng khốc liệt nhất về cái gọi là “bảo đảm an ninh trật tự” ấy đã dạy cho họ một bài học quá đau đớn trong việc tự bảo vệ mình trước khi trông chờ vào người khác.

3. Rất nhiều tiếng khóc, tiếng ai oán trong đêm 13/5 vừa qua ngay giữa trung tâm thành phố. Đằng sau những tiếng khóc ấy, là sự ra đi của hai người dân thường vô tội. Đau đớn hơn, họ là trụ cột chính của những gia đình nghèo, mưu sinh từng bữa.

Có ai đong đếm nổi những giọt nước mắt chảy trên khuôn mặt của chị Trang, vợ sắp cưới của “hiệp sỹ” Nguyễn Hoàng Nam. Đó lẽ ra đã là những giọt nước mắt của sự hạnh phúc trong đám cưới. Nhưng không, nó đã thành những giọt nước mắt của tột cùng đau đớn để tiễn đưa niềm hạnh phúc của mình về bên kia thế giới.

Có ai định hình nổi sự ngơ ngác, lóng ngóng trước quan tài cha của con trai “hiệp sỹ” Nguyễn Văn Thôi. Ở cái tuổi ăn chưa no lo chưa tới, cần hơn hết bàn tay dưỡng dục của mẹ cha thì cậu bé lại mất đi người cha tuyệt vời.

Những tiếng khóc, tiếng ai oán của những người mẹ, người anh em, đồng đội… là kết tinh của những đớn đau, của cạn kiệt niềm tin, của  chai sạn tâm hồn đến vô cảm… đã vang lên giữa lòng thành phố. Không vì thế mà đội hiệp sỹ đường phố dừng lại, khi nào họ thấy cuộc sống của mình và những người xung quanh còn bị đe dọa bởi những xung đột xã hội. Cũng không vì thế, mà công an có thể chối bỏ trách nhiệm giữ gìn an ninh trật tự, đảm bảo cuộc sống yên bình cho cộng đồng.

Đừng để những tiếng ai oán phải vang lên một lần nữa giữa lòng thành phố, chỉ vì sự máy móc, vô cảm của những người khoác lên mình chiếc áo và danh xưng “công an nhân dân” nhưng hành động lại không cho thấy mình xứng đáng với nó.

Đăng Kiệt

Theo NTD

largeer