“Tiểu xảo” với sách giáo khoa?

Thứ bảy, 15/09/2018, 09:07 AM

Những ngày gần đây, dư luận ồn ã việc sách giáo khoa dùng một lần gây lãng phí vô cùng lớn. Nhiều ý kiến phản ứng khá mạnh mẽ về vấn đề này.

Nhiều người cho rằng đất nước còn khó khăn sao lại có cách in sách và lựa chọn văn hóa ứng xử với của cải không tương ứng với điều kiện kinh tế như vậy? Việc bắt buộc học sinh phải thay mới sách giáo khoa hàng năm là một sự vô lý, một sự lãng phí không thể chấp nhận được. Bởi nhiều bậc phụ huynh lo cho con học hành vẫn là một gánh nặng lớn, cộng thêm tiền sách giáo khoa phải chi hàng năm sẽ tạo thêm áp lực tài chính cho họ.

17

Những cuốn sách giáo khoa thường có thêm phần câu hỏi, bài tập dưới hình thức tự luận, hoặc trắc nghiệm yêu cầu học sinh phải ghi chép, hoặc điền luôn vào sách. Việc này chẳng khác nào là một “tiểu xảo khích lệ” học sinh lãng phí, điền trực tiếp vào sách và không thể tái sử dụng. Trong khi đó, các bài tập hoàn toàn có thể làm vào vở dùng một lần như trước đây.

Không ít bậc phụ huynh nhận ra sự lãng phí này ca thán rằng, trước đây, chỉ cần mua một bộ sách giáo khoa. Con lớn học xong để lại cho em nhỏ. Em nhỏ học xong lại giữ gìn để lại cho em nhỏ hơn… Điều này, giúp trẻ biết gìn giữ, trân quý kiến thức từ sách. Tính ra, cha mẹ đỡ một khoản tiền rất lớn trong suốt 12 năm học của các con.

Mỗi cuốn sách giáo khoa đều có một tuổi thọ nhất định, ngay cả khi cải cách giáo dục “liên tục”. Cho nên, việc tái sử dụng sách giáo khoa là hoàn toàn bình thường. Trước đây, việc thu gom sách cũ tặng lại cho các học sinh vùng khó khăn là một hoạt động nghĩa cử, giàu tính nhân văn nhưng bây giờ việc này khó thực hiện. Mỗi năm có hàng ngàn tấn sách giáo khoa bị bỏ đi làm phế liệu, nhưng những nơi cần sách, những gia đình nghèo vẫn không thể tái sử dụng sách cho con đến trường.

Đã đến lúc cần lên tiếng để đẩy lùi sự lãng phí, xem xét lại câu chuyện độc quyền sách giáo khoa từ ngành giáo dục. Đơn vị làm sách nên xem xét lại trách nhiệm của mình về việc đưa phần bài tập giải trực tiếp vào sách giáo khoa khiến tuổi thọ của sách bị rút ngắn một cách không cần thiết. Tiếng nói phản biện kịp thời, đúng lúc của các nhà chuyên môn, các bậc phụ huynh và toàn xã hội cũng là vô cùng cần thiết để đầy lùi sự lãng phí và thiếu nhân văn này.

 Mai Hạnh

Theo Giadinh

largeer