Tìm đường vô thị trường cho thực phẩm minh bạch

Thứ sáu, 06/04/2018, 14:50 PM

Bắt đầu từ nguyện vọng của một nông dân muốn được trồng lúa, rau không hóa chất, phải mất nhiều năm sau, Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ Bình Quý (Thăng Bình, Quảng Nam) mới hình thành, với 11 hộ nông dân ở thời điểm hiện tại. Hơn mười năm duy trì sản xuất thuần hữu cơ, từ bỏ hóa chất hoàn toàn. Ngắn gọn vậy, nhưng đó là cả một quá trình nỗ lực. Còn hiện nay, khi rất nhiều nông dân muốn gia nhập hợp tác xã để được sản xuất sạch thì lại... không thể. Vì hợp tác xã đang thiếu đầu ra cho sản phẩm.

Có thể nói, thứ tài sản quý nhất mà những người nông dân Bình Quý đang sở hữu là gói kỹ thuật sản xuất hữu cơ ổn định, sau hơn mười năm đeo bám. Không dùng thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích, phân đạm....; thay đổi giống; hướng dẫn nông dân tự làm phân bón từ các phụ phẩm nông nghiệp, tạo nên hệ sinh thái ổn định trong nội bộ, để có được những gói gạo, củ gừng, củ cải... như hiện nay.

“Từ lúc không dùng thuốc diệt cỏ đến khống chế như thế nào cho ổn định, cũng phải mất năm năm”, bà Lưu Thị Hồng Tưởng - Chủ nhiệm Hợp tác xã Bình Quý, người hỗ trợ hướng dẫn kỹ thuật, phương thức sản xuất hữu cơ cho nông dân ngay từ những ngày đầu, nhớ lại. Với 8ha trồng lúa, 2ha trồng rau củ, hiện nay Hợp tác xã Bình Quý chỉ mới sản xuất lượng vừa phải, bán cho khách hàng quen.

Theo bà Tưởng, nếu giá lúa gạo trên thị trường được thu mua là 5.000 đồng/kg, thì những người nông dân ở đây được mua với giá gấp bốn lần. 

Các hội viên AFT và những đơn vị quan tâm thực phẩm minh bạch tại cuộc gặp gỡ, giới thiệu sản phẩm để tìm cơ hội thị trường, tháng 3.2018.

Các hội viên AFT và những đơn vị quan tâm thực phẩm minh bạch tại cuộc gặp gỡ, giới thiệu sản phẩm để tìm cơ hội thị trường, tháng 3.2018.

“Chúng tôi gia nhập Hiệp hội Thực phẩm minh bạch để mong được hỗ trợ tinh thần và đầu ra cho sản phẩm” - ông Nguyễn Trường Sơn, đại diện cho 11 người nông dân Hợp tác xã Bình Quý chân chất chia sẻ nguyện vọng. Những người nông dân ở đây cần nhiều đơn đặt hàng để họ có kế hoạch và an tâm sản xuất ổn định.

Nông dân Bình Quý không phải là câu chuyện duy nhất tại buổi gặp gỡ giao lưu kết nối sản phẩm đầu ra nông nghiệp, do Hiệp hội Thực phẩm minh bạch (AFT) vừa tổ chức. Ở đó còn có câu chuyện của chị Mai Thùy Trang, rời bỏ công việc tại Samsung để về gầy dựng cơ sở tôm cua cá sinh thái Cà Mau từ gốc gia đình; chị Trần Thanh Hà sau năm năm làm rau sạch quyết định rẽ hướng học và nghiên cứu “thực phẩm là thuốc” đã ba năm nay, với mong muốn thực phẩm sạch hợp tác với nhà sản xuất, thêm hệ thống phân phối thì chúng ta sẽ có thêm một cuộc chơi mới; hay những người nông dân Chư Sê quyết trồng tiêu không dùng hóa chất, đi tìm nguồn ra ổn định về giá để mong giữ được ngành đặc thù hồ tiêu của Việt Nam nói chung và của Gia Lai nói riêng... 

Những sản phẩm của mười năm duy trì sản xuất hữu cơ của Hợp tác xã Bình Quý, trong đó có nước rửa chén, thuốc trừ sâu làm từ phế phẩm nông nghiệp...

Những sản phẩm của mười năm duy trì sản xuất hữu cơ của Hợp tác xã Bình Quý, trong đó có nước rửa chén, thuốc trừ sâu làm từ phế phẩm nông nghiệp...

Lấy việc truy xuất nguồn gốc là nền tảng cơ bản để đưa được sản phẩm an toàn ra cho người tiêu dùng, sau hơn ba tháng thành lập, những chia sẻ của các hội viên lẫn chưa phải hội viên AFT trong buổi gặp gỡ giao lưu đầu tiên này đều cho thấy: họ đang yếu về truyền thông lẫn thị trường. Tìm đầu ra, hệ thống phân phối, vận chuyển sản phẩm luôn là nhu cầu của các nhà vườn, trang trại, startup nông nghiệp... Duy trì sản xuất sạch đã khó, nếu gồng thêm phần phân phối đầu ra, họ sẽ vỡ trận, không kham nổi.

Những người làm thực phẩm minh bạch đang yếu về thị trường và truyền thông

Những người làm thực phẩm minh bạch đang yếu về thị trường và truyền thông

Trong khi đó, các đơn vị vận chuyển, phân phối thì lại đang “đói” nguồn. Đến với buổi giao lưu của AFT, anh Nguyễn Hoàng Long, chuỗi The Lam Farm chuyên cung cấp rau củ quả sạch cho biết: “việc đi tìm sản phẩm đạt chất lượng đã gian nan nhưng để hợp tác, liên kết được với nhau càng khó”.

Theo anh Long, hạn chế lớn nhất với các nhà vườn, trang trại, startup... làm nông nghiệp sạch là chưa kiểm soát được kinh phí, do nhiều yếu tố: chi phí vận chuyển cao, sản phẩm còn ít thì giá thành cao, bán không hết thì khấu hao hủy hàng lớn...

Trong khi đó, các đơn vị sản xuất thường nằm cách xa nhau, thời gian thu hoạch không giống nhau, ảnh hưởng rất lớn đến khả năng của nhà thu mua. “Có thể có một nhà thu mua thống nhất, họ sẽ điều phối các nhà vườn thời gian thu hoạch, lịch trình thu mua”, anh Long đưa ra một phương thức mà The Lam Farm đang áp dụng hiệu quả. Hiện đã có mười hệ thống phân phối cho các thực phẩm rau củ quả an toàn, có chứng chỉ; và với kế hoạch mở 40 cửa hàng phân phối, The Lam Farm khá kỳ vọng sẽ tìm được nhiều đối tác khi tìm tới AFT.

Nông dân cần nhiều đơn đặt hàng thực phẩm minh bạch để họ có kế hoạch và an tâm sản xuất

Nông dân cần nhiều đơn đặt hàng thực phẩm minh bạch để họ có kế hoạch và an tâm sản xuất

Thực phẩm sạch cần minh bạch. Minh bạch từ truy xuất nguồn gốc, và áp dụng một số tiêu chí, tiêu chuẩn kỹ thuật và quy tắc ứng xử. Đến nay, AFT chỉ mới giới hạn kết nạp 60 hội viên, trong đó có mười hội viên không phải nhà sản xuất; hội viên có các chứng nhận liên quan đến chất lượng sản phẩm như HACCP, GLOBAL GAP, VIET GAP, chứng nhận hữu cơ, chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm...

Nhưng, như TS. Nguyễn Thị Hồng Minh, Chủ tịch AFT chia sẻ, nếu còn mạnh ai nấy làm, không kết nối, không có sản lượng lớn, không thành chuỗi, không có sự giúp đỡ của cộng đồng... thì không thể nào phát triển được. Và nhất quyết phải theo sân chơi tiêu chuẩn chung nếu muốn lớn mạnh. Bài toán thị trường chỉ là một, và mới bắt đầu, nhưng cần được giải từ trong nội bộ, theo nhu cầu, thế mạnh từng thành viên. 

Thùy Linh

Theo nguoidothi

largeer