TKV sai sót tràn lan, Habeco và Sabeco “né” thuế hàng ngàn tỉ đồng

Thứ hai, 21/05/2018, 15:47 PM

Kiểm toán Nhà nước chỉ ra nhiều sai sót tại các doanh nghiệp Nhà nước như TKV, Sabeco, Habeco... với số tiền phải xử lý tài chính lên tới gần 100.000 tỉ đồng.

Kiểm toán Nhà nước (KTNN) vừa có báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách năm 2016 gửi đến Quốc hội khoá XIV.

Tây Ninh, Quảng Ninh vung tiền nuôi đội bóng

Theo báo cáo kiểm toán do Tổng KTNN Hồ Đức Phớc ký, tình trạng người nộp thuế hạch toán và kê khai thiếu doanh thu, xác định sai chi phí, từ đó tính thiếu thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và lợi nhuận còn lại phải nộp ngân sách Nhà nước… còn diễn ra phổ biến. KTNN xác định số phải nộp ngân sách tăng thêm hơn 19.000 tỉ đồng.

Trong đó, đáng chú ý là những cái tên như: Tổng Công ty CP Bia-Rượu-Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) 2.600 tỉ đồng; Tổng Công ty CP Bia-Rượu-Nước giải khát Hà Nội (Habeco) 1.800 tỉ đồng; Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam 1.700 tỉ đồng; Tập đoàn Hóa chất Việt Nam 255 tỉ đồng…

Trong khi nguồn thu còn hạn chế và bị thất thoát thì nhiều nơi lại chi "quá tay". Trong công tác chi thường xuyên, KTNN phát hiện một số bộ, ngành, cơ quan Trung ương được kiểm toán còn tình trạng chi không đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức, chi không đúng nguồn; mua sắm vượt nhu cầu gây lãng phí ngân sách Nhà nước. Từ đó, KTNN kiến nghị thu hồi nộp ngân sách trên 211 tỉ đồng.

Cụ thể, qua kiểm toán giai đoạn 2015-2016 với Đề án "Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020" do Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan chủ trì thực hiện, cho thấy từ năm 2015 đến 2017, đề án chi 9,8 tỉ đồng mua 43.200 bộ phần mềm và giáo trình thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng nâng cao khả năng ngoại ngữ cho giáo viên với số lượng 4.220 chỉ tiêu. Số lượng bộ phần mềm và giáo trình mua gấp 10,2 lần chỉ tiêu giáo viên tham gia các lớp bồi dưỡng.

Có 39/47 địa phương được kiểm toán vẫn còn quyết toán một số khoản chi không đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức và KTNN đã kiến nghị thu hồi, nộp ngân sách, giảm thanh toán, dự toán năm sau 670 tỉ đồng. Trong đó, TP HCM 19 tỉ đồng, Hà Nội 17 tỉ đồng, Bình Thuận 171 tỉ đồng; Tây Ninh 132 tỉ đồng; Quảng Bình 177 tỉ đồng; Bà Rịa-Vũng Tàu 74 tỉ đồng; Bình Định 49 tỉ đồng…

Có 31/47 địa phương được kiểm toán sử dụng sai nguồn kinh phí 1.952 tỉ đồng. 22/47 địa phương chi hỗ trợ không đúng nhiệm vụ chi 121 tỉ đồng, trong đó một số địa phương còn hỗ trợ cho các công ty bóng đá. Cụ thể, tỉnh Tây Ninh hỗ trợ Công ty CP Bóng đá Tây Ninh từ năm 2014 đến 2016 với mức 4 tỉ đồng/năm. Quảng Ninh hỗ trợ đội bóng đá của Công ty TNHH MTV Bóng đá Quảng Ninh trả lương cho các cầu thủ và nhân viên của công ty 10 tỉ đồng.

Dự án tổ hợp bauxite - nhôm Lâm Đồng của TKV dính nhiều sai sót - Ảnh: Thế Dũng

Dự án tổ hợp bauxite - nhôm Lâm Đồng của TKV dính nhiều sai sót - Ảnh: Thế Dũng

"Ông lớn" vi phạm tràn lan

KTNN cũng chỉ ra nhiều sai sót ở hàng loạt dự án lớn do các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước làm chủ đầu tư.

Trong đó, công tác giám sát thi công tại một số dự án không chặt chẽ theo quy định; tỉ lệ dự án được kiểm tra, giám sát còn thấp; một số chủ đầu tư không thực hiện chế độ báo cáo giám sát đầu tư. Đặc biệt, tại hạng mục công trình Cầu Ô Rô, tỉnh Cà Mau đã để xảy ra sự cố sập cầu trong quá trình thi công; chất lượng thi công một số hạng mục chưa đảm bảo, có hiện tượng xuống cấp, hư hỏng... Tại tỉnh An Giang, dự án Hồ chứa nước Thanh Long xảy ra hiện tượng thấm của đập sau khi tích nước, nhưng vẫn chưa khắc phục hoàn toàn hiện tượng thấm theo kết luận của Tổng cục Thủy lợi.

Vẫn còn tình trạng sử dụng vốn của dự án sai mục đích, không đúng đối tượng, ví dụ tại dự án Đường ống Nam Côn Sơn 2 - giai đoạn 1 của Tổng Công ty Khí Việt Nam (PVGas).

 Dự án tổ hợp bauxite - nhôm Lâm Đồng của Tập đoàn Công nghiệp than khoáng sản Việt Nam (TKV) là dự án được KTNN xác định không đúng quy hoạch ngành khi TKV phê duyệt điều chỉnh với công suất từ 600.000 tấn/năm lên 650.000 tấn/năm. Điều này cũng không đúng với chỉ đạo của Thủ tướng. Cũng tại dự án này, TKV áp dụng lựa chọn nhà thầu không đúng quy định và ký kết hợp đồng vượt giá gói thầu, ký giá trị hợp đồng EPC vượt tổng mức đầu tư. "Hợp đồng EPC nhà máy alumin 466 triệu USD nhưng tổng mức đầu tư dự án chưa được điều chỉnh tại thời điểm đó là 6.220 tỉ đồng, tương đương 387,5 triệu USD"- KTNN nhận định.

Dự án này còn được kết luận là ký kết hợp đồng không đúng quy định khi hợp đồng EPC vượt giá gói thầu làm tăng chi phí đầu tư 113 triệu USD. Bên cạnh đó, không thực hiện đúng cam kết với Thủ tướng về tiến độ khi xin chỉ định thầu khi gói thầu EPC cam kết sẽ hoàn thành có sản phẩm alumin vào năm 2012 nhưng thực tế đến ngày 5-6-2016 mới cho ra sản phẩm.

Một dự án khác được điểm tên là dự án đầu tư xây dựng thủy điện Đakđrinh của Công ty CP Thủy điện Đakđrinh (thuộc Tổng Công ty Điện lực dầu khí Việt Nam). Chủ đầu tư của không huy động đủ vốn để thực hiện dự án, phải sử dụng nguồn vốn sản xuất kinh doanh không có trong phương án tài chính được phê duyệt chi trả cho các chi phí trong giai đoạn đầu tư nhưng chưa được cấp thẩm quyền chấp thuận là 148,98 tỉ đồng.

KTNN đề nghị Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính, các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, địa phương, đơn vị được kiểm toán thực hiện đầy đủ, kịp thời các kiến nghị xử lý tài chính của KTNN đối với niên độ ngân sách 2016 là hơn 91.300 tỉ đồng.

Số tiền này bao gồm các khoản tăng thu 19.100 tỉ đồng; giảm chi ngân sách 18.400 tỉ đồng; tăng giá trị doanh nghiệp, giá trị vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp trước khi cổ phần hóa 9.639 tỉ đồng…

Phương Nhung

Theo NLĐ

largeer