Toàn cầu hóa và tự do thương mại là xu thế tất yếu

Thứ sáu, 13/04/2018, 17:32 PM

Đối mặt với những thách thức về sự thâm hụt cán cân thương mại, về việc làm, vài năm trở lại đây đã xuất hiện trào lưu “bảo hộ thương mại” của một số quốc gia nhằm khắc phục vấn đề nói trên.

Empty

Một trong những nước lên tiếng ủng hộ mạnh mẽ cho xu thế bảo hộ thương mại là Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump.

Kể từ khi tranh cử tổng thống Mỹ hồi năm 2016, ông Donald Trump đã rầm rộ tuyên bố chống lại “mậu dịch tự do”, đề cao “chủ nghĩa bảo hộ” với khẩu hiệu nước Mỹ trên hết.

Từ khi vào Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ liên tục bày tỏ sự không hài lòng với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) bất chấp các kêu gọi của Liên minh châu Âu (EU) và nhiều quốc gia khác. Ông Donald Trump chủ trương thay thế cơ chế mậu dịch đa phương hiện nay bằng các hiệp định song phương mà Mỹ muốn thương thuyết lại theo hướng có lợi hơn cho mình.

Để chứng minh cho chủ trương của mình, ngày làm việc đầu tiên ở Nhà Trắng, ông Trump đã ký sắc lệnh rời khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sau nhiều năm đàm phán và đã đạt được kết quả cuối cùng.

Đây thực sự là một động thái bất ngờ đối với không chỉ các nước thành viên TPP mà còn đối với một số nền kinh tế khác ngoài thỏa thuận này. Vì TPP được đánh giá là một cơ chế hợp tác kinh tế thương mại đa phương chất lượng cao, được kỳ vọng là hình mẫu cho xu thế hợp tác kinh tế thế giới.

Ngoài ra, Mỹ cũng tuyên bố đàm phán lại nhiều hiệp định thương mại ở khu vực Bắc Mỹ, châu Âu...

Việc Mỹ rời khỏi TTP làm cho Hiệp định này chuyển sang một hướng khác là “TPP không có Mỹ” được cho là thiệt thòi lớn cho thương mại toàn cầu bởi TPP mở ra nhiều cơ hội cho sự phát triển kinh tế vì đây là khu vực chiếm tỉ trọng khá lớn cả về khối lượng hàng hóa chu chuyển lẫn số dân.

Song, nắm bắt toàn cầu hóa và tự do hóa thương mại là xu thế tất yếu, 11 quốc gia còn lại vẫn tiếp sự lựa chọn của mình và sau đó không lâu trên nền tảng của TTP đã ra đời Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Trong khi đó, chính sách bảo hộ thương mại tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức, không nhận được sự đồng tình ủng hộ của các tổ chức quốc tế và nhiều quốc gia trên thế giới.

Bởi trên thực tế, những thành quả mà toàn cầu hóa mang lại cho tất cả các bên có liên quan, đặc biệt là trên các lĩnh vực như hội nhập kinh tế, thương mại và giảm đói nghèo. Không ai có thể phủ nhận xu thế tất yếu của toàn cầu hóa, nhất là khi các biện pháp bảo hộ thương mại, hạn chế nhập khẩu đang làm tổn thương tới người dân, đặc biệt là những người tiêu dùng có thu nhập thấp.

Tại Diễn đàn châu Á Bác Ngao 2018 tổ chức tại Hải Nam (Trung Quốc) mới đây, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde đã lên tiếng cảnh báo chính phủ các nước cần ngăn chặn các chính sách bảo hộ thương mại vì sẽ làm suy yếu tăng trưởng kinh tế toàn cầu, và đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của thương mại tự do khi tạo ra hàng triệu việc làm mới với mức lương cao hơn.

Trước đó, cũng tại Diễn đàn này, TổngThư ký LHQ Antonio Guterres khẳng định toàn cầu hóa mang tính phổ quát và cần phải đạt được mục tiêu toàn cầu hóa công bằng để không ai bị để lại phía sau.

Trong một động thái được dư luận hết sức quan tâm là trước những lo ngại về căng thẳng thương mại giữa Mỹ và các đối tác trên thế giới, đặc biệt là Trung Quốc, tăng cao sau khi Mỹ áp đặt mức thuế mới đối với sản phẩm nhôm, thép nhập khẩu… tại cuộc họp với các thượng nghị sĩ và thống đốc bang ngày 13/4, Tổng thống Donald Trump bất ngờ tuyên bố ông đang xem xét việc tái gia nhập TPP.

Theo tờ New York Times (Mỹ), Tổng thống Trump đã yêu cầu các cố vấn của mình nghiên cứu việc quay lại TPP.

Việc đặt vấn đề tái tham gia TTP của Mỹ sẽ cần có thời gian để đàm phán với 11 thành viên nếu thành hiện thực dù sao cũng là một tín hiệu tốt cho nền kinh tế khu vực nói riêng, thế giới nói chung. Điều đó cho thấy xu thế toàn cầu hóa và tự do hóa thương mại là tất yếu.

Tuyết Minh

Theo Baochinhphu

largeer