TP HCM: Truy xuất nguồn gốc rau củ

Chủ nhật, 01/07/2018, 17:18 PM

Sau thành công của Đề án Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo, UBND TP HCM đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì dự án truy xuất nguồn gốc rau quả

Trong 9 tháng qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Sở Công Thương, Ban Quản lý An toàn thực phẩm, Công ty TNHH Chế tạo máy & Dịch vụ công nghệ cao TE (TE-FOOD) và Hội Công nghệ cao TP đã tiến hành khảo sát, làm việc với các tỉnh, thành Đông và Tây Nam Bộ, chuẩn bị cho việc triển khai dự án. Dự kiến, trong tương lai gần, sản phẩm rau củ các nơi đưa về TP HCM tiêu thụ cũng sẽ tích hợp đầy đủ thông tin liên quan đến nơi trồng, quá trình chăm sóc, thu hoạch, vận chuyển và phân phối. Chỉ vài thao tác đơn giản, cơ quan chức năng sẽ có đầy đủ thông tin cần thiết để nắm bắt, kiểm soát nguồn gốc chất lượng sản phẩm thay vì phải đối chiếu giấy tờ hồ sơ theo cách làm thủ công trong nhiều năm nay và người tiêu dùng, nếu muốn, sẽ kiểm tra được lý lịch loại rau củ mình muốn mua.

Một số loại rau củ bán tại siêu thị ở TP HCM đã có thể truy xuất nguồn gốc thông qua ứng dụng trên Zalo. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Một số loại rau củ bán tại siêu thị ở TP HCM đã có thể truy xuất nguồn gốc thông qua ứng dụng trên Zalo. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Theo ông Đào Hà Trung, Giám đốc TE-FOOD, Chủ tịch Hội Công nghệ cao TP, việc ứng dụng công nghệ vào truy xuất nguồn gốc rau củ hoàn toàn khả thi và nên làm từng mặt hàng, vào từng kênh phân phối theo lộ trình cũng như việc hợp tác với nhà cung cấp các tỉnh. "TP HCM đã có kinh nghiệm 2 năm áp dụng thành công việc truy xuất nguồn gốc thịt heo. Đến nay, mỗi ngày Ban Quản lý An toàn thực phẩm và Hội Công nghệ cao vẫn giám sát, ghi nhận 100% lượng heo các nơi đưa vào 2 chợ đầu mối Bình Điền và Hóc Môn tiêu thụ đã thực hiện nghiêm chỉnh việc truy xuất nguồn gốc. Công nghệ 4.0 đã có sẵn với chi phí, giá thành thấp (chẳng hạn chi phí truy xuất đầy đủ thông tin 1 con heo từ trang trại tới bàn ăn chỉ tốn 0,5 USD, tương đương 11.500 đồng) và đặc biệt yêu cầu của thị trường và người tiêu dùng về thực phẩm an toàn, kiểm soát được chất lượng. Vì vậy, chỉ cần nhà nước tham gia chỉ đạo quyết liệt, ban hành chính sách thực hiện chắc chắn sẽ thành công" - ông Trung cho biết.

Trên phạm vi cả nước, sắp tới Trung tâm Mã số mã vạch quốc gia - GS1 của Việt Nam sẽ xây dựng tiêu chuẩn về truy xuất nguồn gốc để tất cả các công ty ở Việt Nam làm cùng một tiêu chuẩn. Lúc đó, các giải pháp, cơ sở dữ liệu mà các công ty này xây dựng sẽ kết nối được với nhau, khi đó giá trị mới lớn, mới tạo được hiệu quả mang tính chất quốc gia cũng như quốc tế. 

 Phương An

Theo NLĐ

largeer