TP Hồ Chí Minh: “Lỗ hổng” trong truy xuất nguồn gốc thịt lợn

Thứ sáu, 13/10/2017, 10:01 AM

Trong quy trình truy xuất nguồn gốc thịt lợn tại TP Hồ Chí Minh có bốn chủ thể chính tham gia, nhưng chưa thể vận hành ổn định do có cá nhân, tổ chức tiêm thuốc an thần vào lợn trước khi giết mổ. Đây chính là "lỗ hổng" dẫn tới thịt lợn không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn ra thị trường.

Phá vỡ quy trình truy xuất nguồn gốc

Gần 4.000 con lợn đã được đeo vòng nhận diện, nhưng vẫn bị tiêm thuốc an thần trước khi giết mổ vừa bị phát hiện tại TP Hồ Chí Minh khiến dư luận không khỏi lo lắng và đặt nghi vấn về quy trình truy xuất nguồn gốc thịt lợn mà thành phố đang áp dụng. Hiện trung bình mỗi ngày người dân TP Hồ Chí Minh tiêu thụ khoảng 10.000 con lợn đến từ 2.400 trang trại, hộ chăn nuôi ở thành phố và các tỉnh, thành phố lân cận, trong đó có 8.300-8.500 con được giết mổ để đưa vào kênh phân phối truyền thống. Đáng lo ngại là khoảng 80% sản phẩm được phân phối tại kênh truyền thống chưa bảo đảm quy trình truy xuất nguồn gốc.

Thịt lợn sau khi giết mổ được đưa vào chợ đầu mối Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh.

Theo quy trình truy xuất nguồn gốc thịt lợn mà TP Hồ Chí Minh đang triển khai, phải có bốn chủ thể cùng tham gia gồm: Cơ sở chăn nuôi, cơ sở giết mổ, đầu mối phân phối sỉ và nhà bán lẻ. Tuy nhiên, trong số những con lợn có đeo vòng tại cơ sở chăn nuôi, chỉ có 78-80% có thông tin chuẩn, còn lại chỉ đeo số để đối phó. Trong khi đó, tới 80% cơ sở giết mổ chưa tham gia quy trình truy xuất nguồn gốc. Chẳng hạn như vụ việc gần 4.000 con lợn bị tiêm thuốc an thần tại Cơ sở giết mổ Xuyên Á vừa qua cho thấy, chỉ có hơn 1.000 con lợn đeo vòng là có thông tin nguồn gốc.

Theo Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, trong bốn chủ thể của quy trình truy xuất nguồn gốc, chỉ cần "khuyết" một chủ thể thì sẽ phá vỡ cả quy trình. Tính đến thời điểm này, trong tổng số 10.000 con lợn được giết mổ mỗi ngày, chỉ có khoảng 35% số con đeo vòng có thông tin chuẩn về nguồn gốc. Tuy nhiên, số lượng này chủ yếu được phân phối ở kênh giao dịch văn minh, hiện đại - chiếm tỷ lệ khá nhỏ trong hệ thống kênh phân phối trên toàn địa bàn thành phố.

Quyết bịt "lỗ hổng"!

Theo Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, quá trình vận chuyển lợn hơi từ chủ thể thứ nhất sang chủ thể thứ hai phải có sự kiểm soát của cơ quan thú y. Cụ thể, cơ quan thú y phải quét vòng nhận diện và niêm phong xe vận chuyển khi ra khỏi cơ sở chăn nuôi. Khi đến lò giết mổ, lực lượng thú y mở niêm phong và kiểm tra xem có đủ điều kiện để giết mổ hay không. Sau khi mổ và đưa vào chợ đầu mối cũng phải kiểm tra thông tin và niêm phong nhằm tránh bị đánh tráo. Vậy nhưng, đối với vụ việc gần 4.000 con lợn bị tiêm thuốc an thần được phát hiện vừa qua cho thấy, đã có "lỗ hổng" trong quy trình truy xuất nguồn gốc từ cơ sở chăn nuôi đến cơ sở giết mổ.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh đã chỉ ra, "lỗ hổng" trong quy trình truy xuất nguồn gốc hiện nay đang nằm ở chủ thể thứ hai, đó là cơ sở giết mổ. Lý giải về thực tế này, ông Nguyễn Ngọc Hòa cho rằng, có thể do nhiều cơ sở giết mổ đã quen với cách làm cũ, không quan tâm đến công nghệ thông tin hoặc vì lý do nào đó mà e dè trong khai báo thông tin.

Để bịt "lỗ hổng" này, TP Hồ Chí Minh sẽ dùng biện pháp kinh tế, đó là yêu cầu đơn vị quản lý hai chợ đầu mối tập kết phần lớn sản lượng thịt lợn để phân phối tại kênh truyền thống (Hóc Môn và Bình Điền) phải kiểm soát chặt chẽ lượng thịt lợn vào chợ. Cụ thể, trong thời gian tới, các thương lái phải thực hiện đầy đủ quy trình truy xuất nguồn gốc với đầy đủ thông tin mới được phép đưa thịt lợn vào hai chợ đầu mối này.

Bên cạnh đó, TP Hồ Chí Minh cũng sẽ siết chặt điều kiện kinh doanh của từng thương lái và các cơ sở giết mổ. Dự kiến đến ngày 16-10-2017, thành phố yêu cầu tất cả các thương lái cùng cơ sở giết mổ phải có giấy đăng ký kinh doanh được cơ quan có thẩm quyền cấp để thuận lợi trong công tác quản lý. UBND TP Hồ Chí Minh cũng kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có văn bản gửi các tỉnh, thành phố yêu cầu vào cuộc quyết liệt nhằm ngăn chặn và chấm dứt tình trạng đưa thuốc an thần vào lợn, gây mất vệ sinh an toàn thực phẩm.

Ông Huỳnh Tấn Phát, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP Hồ Chí Minh cho biết, cơ quan này vừa công bố công khai danh tính 13 thương lái đã bị phát hiện tiêm thuốc an thần vào lợn tại lò giết mổ Xuyên Á (huyện Củ Chi). Ngoài việc bị phạt tiền từ 30 đến 35 triệu đồng, các thương lái trên còn bị đình chỉ hoạt động kinh doanh trong 3 tháng.

Theo Nguyễn Lê (HNM)

Tiến Huy
Từ khóa:

largeer