TPBank đã giúp Phạm Công Danh gây thất thoát hơn 6.100 tỷ đồng ra sao?

Thứ bảy, 27/01/2018, 09:39 AM

Những ngày qua, TAND TP.HCM tiếp tục xét xử đại án Phạm Công Danh gây thất thoát hơn 6.100 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB – nay là CB).

Đáng lưu ý, HĐXX đang làm rõ vai trò của Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) trong việc Phạm Công Danh (Cựu Chủ tịch HĐQT VNCB) gây thất thoát số tiền "khủng" nói trên. Theo hồ sơ vụ án, tháng 5/2013, Danh cần tiền chăm sóc khách hàng và tăng vốn đầu tư nên đã chỉ đạo Phan Thành Mai (nguyên Tổng giám đốc VNCB) tìm cách rút tiền từ VNCB.

Bị cáo Phạm Công Danh (Ảnh: QB)

Bị cáo Phạm Công Danh (Ảnh: QB)

Mai đề xuất với Danh, nếu ủy thác qua Công ty CP Quản lý Quỹ Lộc Việt để mua trái phiếu của Tập đoàn Thiên Thanh thì tiền sẽ hồi trở lại và được Danh đồng ý. Sau đó, Mai bàn với Nguyễn Việt Hà, Tổng Giám đốc Công ty CP Quản lý Quỹ Lộc Việt, là mượn pháp nhân của một số công ty để vay tiền của TPBank, rồi dùng tiền này mua trái phiếu của Tập đoàn Thiên Thanh (VNCB đứng ra bảo lãnh cho các khoản vay này).

Sau khi thống nhất, Danh cùng Mai và Hà gặp 2 cán bộ của TPBank là Đinh Việt Cường và Đặng Bích Thủy (giám đốc và phó giám đốc khối khách hàng doanh nghiệp) thống nhất dùng 11 công ty để thực hiện việc vay vốn, mua trái phiếu.

Bị cáo Phan Thành Mai (Ảnh: QB)

Bị cáo Phan Thành Mai (Ảnh: QB)

Sau khi được TPBank cho 11 công ty vay gần 1.700 tỷ đồng, Danh đã dùng gần 195 tỷ đồng để trả lãi ngoài cho ông Trần Quí Thanh (Tập đoànTân Hiệp Phát), số tiền còn lại Danh mua trái phiếu của chính doanh nghiệp do mình làm chủ - Tập đoàn Thiên Thanh.

Đến tháng 4/2014, do 11 công ty vay vốn không xuất trình được hồ sơ thể hiện việc triển khai thực hiện dự án đầu tư Khu phức hợp dịch vụ Thiên Thanh tại Đà Nẵng nên TPBank tiến hành thu hồi nợ gốc và lãi hơn 1.740 tỷ đồng từ khoản 1.753 tỷ đồng của VNCB gửi tại TPBank.

Kết luận bổ sung của Ngân hàng Nhà nước về sai phạm của TPBank cho hay, TPBank quyết định cho vay hơn 1.700 tỷ đồng nhưng không thẩm định nguồn vốn tự có và nguồn trả nợ khi không có đủ hồ sơ, tài liệu để xem xét, đánh giá năng lực tài chính xác định tính khả thi, hiệu quả các phương án vay vốn và khả năng hoàn trả nợ vay của 11 công ty.

Tương tự, TPBank nhận bảo lãnh khi không có chữ ký của người quản lý rủi ro hoạt động bảo lãnh và người thẩm định khoản bảo lãnh và cho vay cũng như bên bảo lãnh (VNCB) chưa thực hiện bảo đảm tiền vay.

Chưa hết, TPBank cũng không kiểm tra sau khi cho vay hoặc lập báo cáo kiểm tra, giám sát vốn vay với nội dung khách hàng sử dụng vốn đúng mục đích, hoạt động kinh doanh bình thường...

Như vậy, TPBank đã thực hiện chưa đúng, chưa đầy đủ các quy định của pháp luật khi cho vay hơn 1.700 tỷ đồng. Và, trách nhiệm này, trước hết thuộc về người thẩm duyệt, ký kết hợp đồng tín dụng, hợp đồng cầm cố tài sản tại TPBank.

 Quang Bình

Theo NTD

largeer