TP.HCM: Dân kiến nghị sớm có kết luận thanh tra 2 dự án ở trung tâm thành phố

Thứ hai, 16/09/2019, 16:48 PM

Người dân khu tập thể 34-36 Chu Mạnh Trinh và 33 Nguyễn Du (P. Bến Nghé, Q.1, TP.HCM) lại lên tiếng kêu cứu, kiến nghị sớm công bố kết luận thanh tra khu đất nói trên vì “chờ đợi mỏi mòn và rất mệt mỏi”.

Người dân khu tập thể 34-36 Chu Mạnh Trinh và 33 Nguyễn Du (P. Bến Nghé, Q.1, TP.HCM) làm việc với báo chí.

Người dân khu tập thể 34-36 Chu Mạnh Trinh và 33 Nguyễn Du (P. Bến Nghé, Q.1, TP.HCM) làm việc với báo chí.

“Không biết vì lý do gì mà hiện nay đã là tháng 8 vẫn chưa có thông tin chính thức, dù theo công văn từ Văn phòng Chính phủ là Thanh tra Chính phủ phải báo cáo Thủ tướng trước ngày 1/3. Trong khi đó, Công ty Việt Hân Sài Gòn lợi dụng tình hình này ‘năm lần bảy lượt’ cho người xuống gây rối, xâm phạm trái phép khu đất, chúng tôi cực lắm” - ông Võ Văn Kháng (người dân khu 34 Chu Mạnh Trinh) nhấn mạnh.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Hồng Hoa bức xúc: “Ai là người bảo vệ chúng tôi? Khi chính quyền địa phương cũng không giải quyết lúc tôi bị nhóm bảo vệ của Công ty Việt Hân Sài Gòn hành hung. Tôi mong Thủ tướng Chính phủ quan tâm đến vấn đề này, có kết luận thanh tra sớm nhất, giúp đỡ người dân chúng tôi sớm ổn định cuộc sống”.

Đồng tình với người hàng xóm, bà Trần Bạch Huệ chia sẻ: “Cấp trên đã cử đoàn thanh tra xuống thanh tra sai phạm tại khu đất này cũng gần nửa năm rồi mà không thấy động tĩnh gì. Trong thời gian thanh tra phải giữ nguyên hiện trạng. Mà nhà cửa ở đây xuống cấp, mùa mưa tới rồi, đi không được ở cũng không xong. Chúng tôi kiến nghị sớm có kết luận thanh tra để chúng tôi có thể ổn định cuộc sống. Chúng tôi cực khổ lắm rồi”.

Ngày 5/1/2019, Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình bằng công văn số 89/VPCP-VI, chỉ đạo Thanh tra Chính phủ vào cuộc, kiểm tra làm rõ những sai phạm tại dự án cao ốc văn phòng và khách sạn cho thuê giữa trung tâm TP.HCM và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 1/3/2019.

Trước đó, cuối năm 2018, người dân khu tập thể 34-36 Chu Mạnh Trinh và 33 Nguyễn Du đã gửi đơn kêu cứu đến Thủ tướng Chính phủ vì cho rằng, Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ - Xây dựng Việt Hân Sài Gòn (tự nhận là chủ đầu tư dự án tại khu đất này) đã “ngang nhiên” chèn ép, gây xáo trộn cuộc sống người dân nơi đây.

Khu tập thể 34-36 Chu Mạnh Trinh.

Khu tập thể 34-36 Chu Mạnh Trinh.

Khu tập thể này tiền thân là khu nhà ở của cán bộ - công nhân viên Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) sau đó được phê duyệt chủ trương giải tỏa để làm dự án khách sạn cao cấp, cao ốc văn phòng và trung tâm thương mại cho thuê. Vinafood 2 và Công ty TNHH Thương mại - Quảng cáo - Xây dựng - Địa ốc Việt Hân (Công ty Việt Hân) thành lập liên doanh Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Xây dựng Việt Hân Sài Gòn để thực hiện dự án từ năm 2009 (trong đó, Vinafood 2 góp 20% vốn bằng một phần quyền sử dụng đất, còn Công ty Việt Hân 80% vốn bằng tiền mặt).

Các phương án đền bù, giải phóng mặt bằng đã nhanh chóng được triển khai. Mức giá đền bù được chủ đầu tư đưa ra thương lượng thời điểm 2009 là 105 triệu đồng/m2 đất, tuy nhiên người dân không đồng tình vì cho rằng quá thấp so với thực tế thị trường.

Đến giữa năm 2018, các vấn đề đền bù, giải phóng mặt bằng phục vụ dự án tái khởi động. Lúc này giá đền bù vẫn là 105 triệu đồng/m2 nên không đạt được thỏa thuận. Kể từ tháng 11/2018, Công ty Việt Hân Sài Gòn liên tục cho người xông vào khu tập thể, tiến hành rào chắn, giăng kẽm gai hòng cưỡng chiếm trái phép khu đất. Người dân khu tập thể nhiều lần phản đối kịch liệt, thậm chí, kiến nghị lên chính quyền địa phương song vụ việc vẫn cứ diễn ra khiến nhiều người bức xúc. Trước sự “bất lực” của chính quyền địa phương, người dân đã gửi đơn kêu cứu đến Thủ tướng Chính phủ. Và động thái kịp thời từ Văn phòng Chính phủ với công văn 89/VPCP-VI đã khiến người dân vui mừng, chờ đợi câu trả lời chính thức từ Thủ tướng. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại vẫn chưa có câu trả lời chính thức từ phía Thanh tra Chính phủ, và theo nhiều thông tin, đoàn thanh tra Chính phủ vẫn đang trong quá trình làm việc.

Đăng Kiệt

Theo NTD
Từ khóa:

largeer