TP.HCM lãng phí cả ngàn mét khối gỗ công

Thứ năm, 25/10/2018, 10:07 AM

Hàng ngàn mét khối gỗ thu hồi từ việc đốn hạ cây xanh tại TP.HCM đang bị phơi mưa, nắng và dần mục ruỗng nhưng vẫn chưa được bán đấu giá

Từ phản ánh của một số công nhân cây xanh, lần về những nơi tập kết gỗ được thu hồi từ cây xanh đô thị bị thay thế, gãy đổ và những cây bị ảnh hưởng bởi các dự án làm đường, chỉnh trang đô thị tại TP.HCM, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi cả ngàn mét khối gỗ, trong đó không ít đang dần mục ruỗng. Số gỗ này, nếu bán sớm sẽ bổ sung cho ngân sách số tiền không nhỏ.

Chê tiền?

Ở bãi tập kết gỗ tại Vườn ươm Đông Thạnh (xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, TP.HCM), nhiều đống gỗ nằm chất cao 3-5 m với khối lượng cả ngàn mét khối. Những khúc gỗ này có chiều dài hơn 3 m với đủ loại từ những cây mới bị đốn hạ cho đến những đống gỗ đã bạc phếch sau thời gian dài bỏ ngoài trời. Kế bãi tập kết, một tấm bảng "khu vực nguy hiểm cấm vào" nằm cạnh tấm bảng "cấm lửa" như muốn hạn chế người dân vào tiếp cận khu vực này. Bãi tập kết không được che chắn, gỗ bỏ ngoài trời tạo điều kiện cho nấm mọc, dây leo phủ kín nên đang dần mục ruỗng. Những gốc cây với đủ hình dáng nằm lăn lóc.

Bãi tập kết ở Vườn ươm Đông Thạnh hiện chứa đến 1.500 m3 gỗ, trong đó có nhiều khúc gỗ bị dây leo phủ kín và dần mục ruỗng. Ảnh dưới: Những khúc gỗ đốn hạ từ cây xanh trên đường Tôn Đức Thắng vẫn bị bỏ mặc cho mưa nắng. Ảnh: SỸ ĐÔNG-TRƯỜNG HOÀNG

Bãi tập kết ở Vườn ươm Đông Thạnh hiện chứa đến 1.500 m3 gỗ, trong đó có nhiều khúc gỗ bị dây leo phủ kín và dần mục ruỗng. Ảnh dưới: Những khúc gỗ đốn hạ từ cây xanh trên đường Tôn Đức Thắng vẫn bị bỏ mặc cho mưa nắng. Ảnh: SỸ ĐÔNG-TRƯỜNG HOÀNG

Một cán bộ có thâm niên trong lĩnh vực cây xanh cho biết gỗ được thu hồi về đây vốn đã bị rỗng ít hay nhiều bên trong nên càng để lâu thì càng mục, càng mất giá trị. Bằng chứng là ở lần đấu giá hồi đầu năm ngoái, vị này đã chứng kiến những khúc gỗ nằm sát đất bị mục như đất mùn, bán không có người mua. "Gỗ của những cây xanh "bệnh" thì sau khi đốn phải thanh lý ngay trong vài ba tháng chứ để càng lâu càng lãng phí ngân sách nhà nước" - vị này nói.

5

Năm 2017, HĐND TP đã thông qua nghị quyết cho phép Sở Giao thông Vận tải (GTVT) đốn hạ và di dời cây xanh trên đường Tôn Đức Thắng để làm cầu Thủ Thiêm 2. Theo đó, có 143 cây buộc phải đốn hạ vì cây to, già, không có khả năng sống sau bứng dưỡng, số cây bị đốn hạ chủ yếu là sọ khỉ. Tuy nhiên, ghi nhận của phóng viên vào cuối tháng 9/2018, số gỗ trên vẫn nằm chất đống phía sau khu đô thị Sala (quận 2). Nhiều khúc gỗ to 3 người ôm không được bảo quản, phơi mưa, phơi nắng, có dấu hiệu mục nát. Hiện một số cây gỗ bị nứt, bị mục từ bên trong.

Phải chấp nhận vì… quy trình (?!)

Thế nhưng, trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo Khu Quản lý Giao thông đô thị số 1 (thuộc Sở GTVT TP) - đơn vị chịu trách nhiệm quản lý số gỗ ở bãi tập kết phía sau khu đô thị Sala, khẳng định số gỗ trên đang được xử lý theo đúng quy định.

Trong khi đó, theo tìm hiểu của chúng tôi, số gỗ đưa về bãi tập kết ở Vườn ươm Đông Thạnh là của Sở GTVT giao cho Khu Quản lý Giao thông đô thị số 3 (Khu 3) quản lý. Sở dĩ gỗ chậm được "giải phóng" là do nếu như trước đây, Sở GTVT TP bán tại chỗ các loại gỗ được đốn hạ từ cây xanh đô thị cho Công ty Công viên cây xanh (CVCX) TP thì từ năm 2015 đến nay lại giao cho Khu 3 tổ chức bán đấu giá. Thế nhưng, sau gần 4 năm, Khu 3 mới tổ chức được một lần bán đấu giá.

Phòng Quản lý CVCX, Sở GTVT TP cho hay trình tự thanh lý gỗ được thực hiện theo Quyết định số 61/2016 của UBND TP với 3 bước cụ thể. Đầu tiên là đề xuất thanh lý vật tư thu hồi gỗ, trong đó bao gồm khối lượng gỗ thanh lý, phương thức thanh lý. Kế đến, Phòng Quản lý CVCX thẩm định trình lãnh đạo sở ban hành quyết định thanh lý vật tư thu hồi gỗ từ công tác đốn hạ, giải tỏa cây xanh. Cuối cùng, Khu 3 thuê tổ chức thẩm định giá để xác định giá khởi điểm bán đấu giá trình Sở GTVT, nếu được thông qua thì Khu 3 sẽ thuê đơn vị đấu giá để bán đấu giá công khai. Hiện tại ở Vườn ươm Đông Thạnh số gỗ tồn lên đến gần 1.500 m3.

Nói lý do chậm thanh lý, Phòng Quản lý CVCX cho rằng cần có thời gian để thực hiện các bước theo quy trình. Đồng thời phải chờ một thời gian nhất định, thông thường 6 tháng đến 1 năm để tổ chức thanh lý chứ không thể tổ chức quá nhiều đợt (?!).

Tuy nhiên, đại diện Phòng Quản lý CVCX cũng thừa nhận nếu khi cây xanh vừa đốn hạ được thanh lý tại chỗ sẽ hiệu quả hơn do giảm các chi phí vận chuyển gỗ, lưu kho nhưng do quy định hiện hành bắt buộc phải thu gom tập kết về một địa điểm rồi mới tổ chức thanh lý được. 

Dùng 600 m3 gỗ phục vụ nhu cầu công cộng

Phòng Quản lý CVCX Sở GTVT TP.HCM cho biết số gỗ thu hồi từ việc đốn hạ cây xanh trên đường Tôn Đức Thắng khoảng 600 m3. Hiện Sở GTVT đang mời gọi các trường Đại học Mỹ thuật, Đại học Kiến trúc... tham gia góp ý, chế tác số gỗ trên thành các sản phẩm để phục vụ công cộng. Đơn vị này cũng cho biết số gỗ thu hồi từ dự án tuyến Metro số 1 cũng đã được chế tác ra các sản phẩm như bàn ghế đưa vào sử dụng tại đường Nguyễn Huệ, Công viên Tao Đàn, Công viên 23 Tháng 9...

SỸ ĐÔNG - TRƯỜNG HOÀNG

Theo Người lao động

largeer