TPHCM: Mỗi quận huyện phải "xóa sổ" ít nhất 3 điểm ô nhiễm môi trường

Thứ bảy, 11/08/2018, 15:27 PM

Mỗi quận huyện TPHCM phải "xóa sổ" ít nhất 3 địa điểm bị ô nhiễm môi trường do tồn đọng rác thải trên địa bàn của mình.

Tap-Ket-Ra

Nhằm hưởng ứng chiến dịch “Làm cho thế giới sạch hơn năm 2018” (được phát động trên phạm vi toàn cầu trong tuần lễ từ ngày 15 đến 21.9), TPHCM vừa phát động các hoạt động hưởng ứng chiến dịch xoay quanh chủ đề “Bảo vệ môi trường khu dân cư và nơi công cộng”.

Trong chuỗi hoạt động hưởng ứng chiến dịch, các quận - huyện sẽ rà soát, lập danh sách các điểm ô nhiễm trên địa bàn và xây dựng kế hoạch xóa các điểm ô nhiễm. Cụ thể, mỗi quận, huyện chọn tối đa ba điểm trong danh sách để đăng ký triển khai xoá điểm ô nhiễm hưởng ứng chiến dịch năm 2018.

Với việc mỗi ngày trên toàn địa bàn phát sinh hơn 8.300 tấn rác sinh hoạt, TPHCM đang đứng trước thách thức lớn về xử lý rác thải, đảm bảo vệ sinh môi trường.

Hiện trên địa bàn thành phố có khoảng 1.000 điểm tập kết rác, chủ yếu ở các quận nội thành và phân bố rải rác ở các huyện ngoại thành; 26 trạm trung chuyển đang hoạt động với nhiều quy mô khác nhau, trong đó có 8 trạm trung chuyển hoạt động tạm, đa số là trạm hở và không có hệ thống xử lý môi trường.

Ô nhiễm môi trường tại các điểm tập kết rác diễn ra nghiêm trọng do các điểm này nằm đan xen trong các khu dân cư, trên các trục đường chính.

Để xử lý khối lượng rác thải sinh hoạt khổng lồ phát sinh mỗi ngày, UBND TPHCM đã phân cấp cho UBND 24 quận, huyện quản lý và thực hiện thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt trên địa bàn.

Tuy nhiên, quy trình thực hiện, phương tiện thu gom, vận chuyển mỗi nơi thực hiện khác nhau, không có sự đồng bộ, thống nhất.

Việc thu gom rác từ khu dân cư phần lớn do các đơn vị thu gom rác dân lập đảm trách và đưa về điểm tập kết hoặc do các Công ty dịch vụ công ích quận, huyện vận chuyển từ điểm tập kết đến trạm chung chuyển hoặc bãi rác xử lý tập trung.

Do các khâu không có sự phối hợp chặt chẽ nên rác thải bị ứ đọng thời gian dài ở các điểm tập kết gây ô nhiễm, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân.

Theo các chuyên gia môi trường, những điểm tập kết rác quá tải và gây ô nhiễm nghiêm trọng cần lập tức đóng cửa và di dời ra khỏi khu dân cư.

Cùng với đó cần phải tiến hành che chắn, phun xịt hóa chất khử mùi, thu gom nước rỉ rác. Về lâu dài, cần quản lý, kiểm soát chặt chẽ những điểm tập kết và đầu tư xây dựng những trạm trung chuyển quy mô lớn nhằm giảm số lượng điểm tập kết rác tự phát, nhất là những điểm nằm xen kẽ khu dân cư.

M.Q

Lao động

largeer