TP.HCM: Tết này, không lo hàng tăng giá

Thứ hai, 27/11/2017, 13:36 PM

Hơn 17.800 tỷ đồng hàng hóa đã được các doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM dự trữ cho thị trường Tết Nguyên đán năm nay. Theo Sở Công thương thành phố, với lượng hàng hóa dồi dào cùng sự chuẩn bị chu đáo, sẽ khó xảy ra biến động giá trong tháng cao điểm Tết.

Hàng hóa dồi dào

Bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho biết, các doanh nghiệp đã sản xuất, dự trữ cung ứng cho Tết Mậu Tuất số hàng hóa hơn 17.800 tỷ đồng, tăng hơn 743 tỷ đồng (tăng 4%) so với nguồn vốn chuẩn bị Tết Đinh Dậu 2017.

Trong đó, hàng bình ổn thị trường là hơn 7.000 tỷ đồng. Riêng tháng cao điểm phục vụ Tết, từ ngày 17/1/2018 đến 15/2/2018 (tháng Chạp âm lịch), tổng giá trị hàng hóa các doanh nghiệp chuẩn bị hơn 10.600 tỷ đồng, trong đó hàng bình ổn thị trường gần 4.200 tỷ đồng.

Hàng hóa Tết Mậu Tuất dồi dào, dự báo khó xảy ra tăng giá.

Hàng hóa Tết Mậu Tuất dồi dào, dự báo khó xảy ra tăng giá.

Theo Sở Công thương, lượng hàng doanh nghiệp chuẩn bị tăng 12%-15% so với kế hoạch UBND thành phố giao. Nhiều nhóm hàng được chuẩn bị lượng lớn, chi phối từ 32% đến 55% nhu cầu thị trường như: Thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, dầu ăn, gạo... Các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường cung ứng khoảng 30-40% thị phần hàng lương thực, thực phẩm; các chợ đầu mối chiếm 60-70% thị phần; các doanh nghiệp khác chiếm 10%-20% thị phần.

Bà Nguyễn Huỳnh Trang cho biết, năm nay thị trường Tết TP.HCM sẽ có thêm nhiều hàng hóa đặc sản từ các địa phương, lượng hàng dồi dào, ổn định, chất lượng cao. Theo tính toán, trong tháng Tết, thị trường thành phố sẽ tiêu thụ khoảng 41 triệu lít bia và hơn 47 triệu lít nước giải khát, tăng khoảng 30% so với tháng khác. Trong khi đó, thông tin từ các nhà máy bia cho hay, giá bia xuất xưởng sẽ không tăng vào dịp Tết.

Với mặt hàng bánh, mứt, kẹo, dự báo nhu cầu tiêu thụ khoảng 18.000 tấn. Các công ty bánh kẹo năm nay tập trung cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng và có nhiều mức giá để người tiêu dùng lựa chọn. Nhiều nhà sản xuất đưa ra thị trường những dòng sản phẩm dành riêng cho Tết với bao bì bắt mắt; đặc biệt, dòng sản phẩm dùng làm quà biếu, tặng được các nhà sản xuất như Kinh Đô, Bibica... chú trọng đầu tư. Còn về thị trường hoa cảnh, dự kiến tiêu thụ khoảng 600.000-700.000 chậu mai, 250.000-300.000 chậu bonsai, 135 triệu cành các loại hoa cúc, hồng, cát tường, ly, cẩm chướng...

Hơn 1.500 đợt khuyến mại

Năm nay, Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán cách nhau 1,5 tháng, thời gian nghỉ Tết dự kiến khoảng 7 ngày, nhu cầu mua sắm dự kiến tăng đột biến từ đầu tháng 2-2018 dương lịch. Theo Sở Công Thương, qua khảo sát thị trường và kiểm tra các doanh nghiệp về khả năng cung ứng nguồn hàng cho thấy, các đơn vị đã chuẩn bị chu đáo, nguồn hàng dồi dào, hệ thống phân phối phủ rộng… nên dự báo giá cả hàng hóa Tết năm nay sẽ ổn định, khó xảy ra biến động về giá.

Các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường cam kết giữ ổn định giá, không điều chỉnh tăng giá bán trong tháng trước và sau Tết (từ ngày 15-1 đến hết 15/3/2018); đồng thời thực hiện giảm giá sâu trong 2 ngày cận Tết đối với các mặt hàng thiết yếu như: Thịt lợn, thịt gà, trứng gia cầm... Bên cạnh đó, nhằm kích thích tiêu dùng, trong tháng cận Tết các doanh nghiệp sẽ thực hiện hơn 1.500 đợt khuyến mại, tập trung các mặt hàng như: Nước giải khát, bánh, kẹo, mứt, quần áo... giá trị khoảng 1.200 tỷ đồng.

Riêng doanh nghiệp bình ổn thị trường cùng các hệ thống phân phối đã xây dựng kế hoạch khuyến mại, giảm giá sâu các mặt hàng vào những ngày cận Tết. Các hệ thống phân phối lớn như Saigon Co.op, Satra, Aeon - Citimart, Big C, Lotte Mart cũng sẽ tổ chức nhiều chương trình giảm giá từ 5% đến 49% cho hàng ngàn mặt hàng như: Nước giải khát, bánh, kẹo, mứt...

Để bảo đảm không xảy ra sốt hàng tăng giá, Sở Công thương sẽ chủ trì, phối hợp với UBND 24 quận, huyện, các lực lượng chuyên ngành cùng ban quản lý các chợ truyền thống quán triệt tiểu thương, người kinh doanh cam kết 100% không kinh doanh hàng không rõ nguồn gốc; theo dõi sát diễn biến thị trường, cung cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu, chủ động có phương án hoặc đề xuất với cơ quan liên quan các biện pháp nhằm ổn định thị trường; kịp thời thông tin về nhu cầu thị trường đến doanh nghiệp và tăng cường công tác kiểm tra lượng hàng cung ứng, chủ động điều phối, không để xảy ra hiện tượng khan hàng cục bộ, tăng giá đột biến.

Nhằm góp phần ổn định thị trường, từ nay đến Tết Nguyên đán, các doanh nghiệp bình ổn thị trường dự kiến phát triển thêm 221 điểm bán. Sở Công thương sẽ hỗ trợ, ưu tiên và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp này mở rộng mạng lưới phân phối đến các khu vực vùng ven, ngoại thành, các khu công nghiệp - khu chế xuất để đưa hàng hóa bình ổn đến các đối tượng khó khăn, đối tượng có thu nhập trung bình, thấp.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng tăng cường bán hàng lưu động với bình quân 120 chuyến hàng lưu động/tháng; riêng 2 tháng cao điểm trước Tết, thực hiện 307 chuyến tại các vùng ven, ngoại thành, các khu lưu trú công nhân, các công ty có đông công nhân... để phục vụ người lao động không có điều kiện về quê ăn Tết. 

Theo Đặng Loan - HNM

largeer