Trả cổ tức: Đại gia Việt thua xa “tiểu gia”

Thứ năm, 22/02/2018, 15:56 PM

Dù có vốn hóa thị trường lên tới hàng chục ngàn tỷ đồng nhưng nhiều đại gia trên thị trường vẫn thua xa một vài doanh nghiệp nhỏ về mức chi trả cổ tức.

Trên thị trường chứng khoán Việt Nam, các doanh nghiệp có vốn hóa lớn thường nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư nhiều hơn. Thậm chí, với một vài cổ phiếu “nóng”, nhà đầu tư thường xuyên đưa vào danh mục mua bán. Thế nhưng, đôi khi, khả năng sinh lời của các bluechip này lại không bằng một số cổ phiếu nhỏ, đặc biệt là mức độ chi trả cổ tức.

Trong ngành bia, Sabeco và Habeco là những ông lớn, đủ sức làm lu mờ đi các đơn vị nhỏ hơn. Trên thị trường, ít ai biết đến Công ty Cổ phần Thương mại Bia Sài Gòn Sông Tiền (SST) vì cổ phiếu của doanh nghiệp này “chìm nghỉm” ở thị trường OTC. Cổ phiếu này gần như không có giao dịch.

Thế nhưng, mới đây, SST khiến giới đầu tư phải giật mình khi công bố sẽ cổ tức khủng. Theo đó, ngày 5/3 tới đây, công ty sẽ chốt danh sách cổ đông thực hiện chi tạm ứng cổ tức đợt 1/2017 bằng tiền với tỷ lệ 100%. Nghĩa là, cổ tức năm 2017 của SST sẽ nhiều hơn con số 100%.

Đây không phải lần đầu tiên SST mạnh tay chi trả tiền “nuôi” các “ông chủ” - những người hùn tiền tạo vốn cho công ty. Năm 2016, cổ đông công ty nhận cổ tức cũng bằng tiền với tỷ lệ 235%. SST lọt vào danh sách các công ty chi trả cổ tức cao nhất thị trường.

Điều đáng nói, SST không phải là công ty có vốn lớn hay các dự án hoành tráng. SST có vốn điều lệ chỉ 40 tỷ đồng nhưng do kinh doanh hiệu quả nên tới nay vốn chủ sở hữu của SST đã vượt qua con số 100 tỷ đồng.

Không phải “nhà nghèo” như SST nhưng Công ty Cổ phần Vimeco (VMC) cũng chỉ là những tí hon nếu so sánh với Masan, Hoàng Anh Gia Lai hay Vietnam Airlines. Với vốn điều lệ 100 tỷ đồng, hiện tại, VMC đã đạt vốn chủ sở hữu lên tới gần 465 tỷ đồng. Đây là cơ sở giúp VMC đủ lực mạnh tay chi trả cổ tức lớn cho cổ đông.

Ngày 28/2 tới đây, VMC sẽ chốt danh sách cổ đông thực hiện chi trả cổ tức đợt 1/2017 bằng tiền tỷ lệ 100%. Điều đó có nghĩa cổ đông VMC cũng sẽ có cơ hội nhận cổ tức nhiều hơn con số 100%.

Công ty Cổ phần Sản xuất và Thương mại Nam Hoa (NHT) chỉ là doanh nghiệp nhỏ xíu. Cổ phiếu NHT đăng ký giao dịch tại UPCoM nên lại càng mờ nhạt với nhà đầu tư. Song, có lẽ nhiều người sẽ tiếc vì không sớm mua NHT bởi công ty này sắp chi trả cổ tức đợt 2/2017 bằng tiền tỷ lệ 60%. 

Công ty Cổ phần Dịch vụ Ô tô Hàng Xanh (HAX) đã có thâm niên trên sàn TP.HCM. Dù vậy, sau nhiều lần tăng vốn, vốn điều lệ của công ty cũng chỉ đạt khoảng hơn 260 tỷ đồng. Ở “chiếu dưới” nhưng chắc chắn HAX khiến cổ đông của nhiều doanh nghiệp “chiếu trên” phải phát them khi phát hành cổ phiếu thưởng tỷ lệ 60%. 

60% cũng là tỷ lệ cổ tức mà Công ty Cổ phần Phát triển Hạ tầng Vĩnh Phúc (IDV) chia cho cổ đông. Trong đó, công ty này trả 40% bằng cổ phiếu và 20% bằng tiền mặt. IDV là cổ phiếu không được nhà đầu tư quan tâm nhiều.

CBS của Công ty Cổ phần Mía đường Cao Bằng thực sự là cổ phiếu bị lãng quên. Trong phần lớn thời gian dài đăng ký giao dịch tại sàn UPCoM, CBS không hề phát sinh giao dịch. Thế nhưng, cổ đông CBS vẫn có lý do để vui mừng khi hồi tháng 1/2018, CBS đã chi trả cổ tức niên độ 2016-2017 bằng tiền và bằng cổ phiếu tổng tỷ lệ 52%, trong đó 12% bằng tiền và 40% bằng cổ phiếu. 

Với vốn điều lệ chỉ khoảng 266 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Vinacafé Biên Hòa (VCF) cũng chỉ là doanh nghiệp “chiếu dưới” trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Dù vậy, cổ phiếu VCF lại có vị thế lớn hơn khi thường xuyên nằm trong danh sách các mã có thị giá lớn nhất thị trường. 

Thị giá cao, lợi nhuận lớn đã tạo điều kiện cho VCF mạnh tay chi trả cổ tức cho cổ đông. Hồi đầu tháng 1 năm nay, VCF đã chốt danh sách cổ đông để tạm ứng cổ tức năm 2017 bằng tiền mặt với tỷ lệ lên tới 660%, tương ứng 1 cổ phiếu sẽ được nhận 66.000 đồng. Đây là mức cổ tức cao nhất từ trước tới nay trong lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam.

Vy Vy

Theo NTD

largeer