“Trắng tay” vì cổ phiếu thị giá thấp

Thứ năm, 02/05/2019, 10:32 AM

Hiện tượng cổ phiếu tăng giá hàng chục lần, thậm chí hàng trăm lần thường xuyên diễn ra nên nhiều nhà đầu tư kỳ vọng sẽ “đổi đời” từ những cổ phiếu có giá ngang ly trà đá. Tuy nhiên, đa số “người lướt sóng” sẽ mất sạch tiền vì những cổ phiếu dạng này.

Top 10 cổ phiếu có thị giá thấp giảm giá mạnh nhất từ 1/1/2018 đến nay.

Top 10 cổ phiếu có thị giá thấp giảm giá mạnh nhất từ 1/1/2018 đến nay.

Sức hấp dẫn của penny

Khi thị trường chứng khoán đi ngang, sức hấp dẫn của các cổ phiếu vốn hóa lớn (bluechips) giảm đi. Lúc này, dòng tiền dịch chuyển từ bluechips sang một số cổ phiếu vốn hóa nhỏ (penny), trung bình (midcap) hoặc thị trường chứng khoán phái sinh.

Đầu tháng 3 vừa qua, VHG trở thành cổ phiếu có thị giá thấp nhất tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) chỉ 360 đồng/cổ phiếu. VHG đã có cú tăng trần mạnh mẽ với 24 phiên liên tiếp và tăng 5,6 lần trong vòng chưa đầy 2 tháng. Khối lượng giao dịch trung bình 10 ngày gần nhất của VHG là 1,5 triệu cổ phiếu. Nhiều nhà đầu tư thắng đậm khi “lướt sóng” penny này.

Một trường hợp khác là VNX của CTCP Quảng cáo và Hội chợ Thương mại. VNX đã có 21 phiên tăng trần từ ngày 22/3 đến 23/4. Do giao dịch trên sàn UPCoM nên tỷ lệ tăng giá của VNX khủng khiếp hơn VHG khi tăng gần 18 lần từ 777 đồng/cổ phiếu lên 13.800 đồng/cổ phiếu. Tuy tăng giá cực mạnh nhưng khối lượng khớp lệnh chỉ ở mức tối thiểu 100 cổ phiếu/phiên. Chưa dừng ở đó, VNX trở thành cổ phiếu có mức giá tăng cao nhất thị trường chứng khoán Việt Nam khi tăng 406 lần trong 7,5 năm từ tháng 11/2011 đến nay.

Ngoài VNX, thị trường chứng khoán Việt Nam còn chứng kiến nhiều cổ phiếu penny có chu kỳ tăng giá vài chục lần kéo dài trong nhiều năm như: VKD của Nước khoáng Khánh Hòa tăng 249 lần từ 3.600 đồng/cổ phiếu trong 5,5 năm; VCS của Vicoston tăng 92 lần trong 10 năm; TV2 của Tư vấn Xây dựng Điện 2 tăng 90 lần trong 7 năm từ 7.500 đồng/cổ phiếu; SRA của Sara Việt Nam tăng 77 lần trong hơn 2 năm từ 1.000 đồng/cổ phiếu; DRH của DRH Holdinsg tăng 60 lần trong 3 năm từ 1.300 đồng/cổ phiếu... Về lý thuyết, các cổ phiếu này tăng giá mạnh nhưng rất hiếm nhà đầu tư có thể mua đúng đáy và bán đúng đỉnh.

VNX, TV2, VCS tăng mạnh nhờ lợi nhuận liên tục tăng trưởng, trả cổ tức bằng tiền mặt đều đặn hàng năm ở mức hấp dẫn. Ngược lại, VKD, SRA, DRH tăng mạnh do hoạt động đầu cơ nên đã giảm giá không phanh vì "đội lái" xả hàng.

Lựa chọn cổ phiếu để đầu tư là bài toán khó đối với nhiều người.

Lựa chọn cổ phiếu để đầu tư là bài toán khó đối với nhiều người.

Hàng loạt ông lớn có cổ phiếu giá trà đá

Trong 375 cổ phiếu đang niêm yết tại HOSE, số lượng cổ phiếu có thị giá dưới mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu, chiếm tỷ lệ áp đảo 28%.

Tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), số lượng cổ phiếu có giá dưới 10.000 đồng/cổ phiếu, chiếm 47,2%. Thị trường đăng ký giao dịch UPCoM, tỷ lệ này ít hơn một chút nhưng cũng lên tới 43,3%.

Toàn thị trường chứng khoán có 48 cổ phiếu có giá chỉ vài trăm đồng. Thấp nhất là KSK, ATA, AVF, GTT, HLA, KHL, NTB, PSG, S12, V15, X77 với giá chỉ 300 đồng/cổ phiếu.

Tại HOSE, cổ phiếu giá trà đá xuất hiện hàng loạt doanh nghiệp tên tuổi như: CTCP Tư vấn - Thương mại - Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân (mã HQC, giá 1.410 đồng/cổ phiếu), CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (ITA, 2.940 đồng/cổ phiếu), Tập đoàn FLC (FLC, 4.810 đồng/cổ phiếu)...

Ở mức giá 5.000-10.000 đồng/cổ phiếu có sự góp mặt của Hoàng Anh Gia Lai (HAG, 5.300 đồng/cổ phiếu), Quốc Cường Gia Lai (QCG, 5.450 đồng/cổ phiếu), Hùng Vương (HVG, 6.910 đồng/cổ phiếu), Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (SCR, 7.280 đồng/cổ phiếu), Sam Holdings (SAM, 7.480 đồng/cổ phiếu), Tập đoàn Sao Mai (7.550 đồng/cổ phiếu), Tập đoàn Hoa Sen (HSG, 7.700 đồng/cổ phiếu)...

Cổ phiếu thị giá thấp, rủi ro lớn

Hầu hết các cổ phiếu có thị giá thấp đều giảm mạnh trong thời gian qua. Giai đoạn 1/1/2018-23/4/2019, dẫn đầu danh sách cổ phiếu giá trà đá tại HOSE giảm giá (xem bảng) mạnh là AMD, HAI, PXT, TSC, FIT, DLG, HAR... khiến không ít nhà đầu tư buồn não lòng khi tài sản bị bào mòn dần theo thời gian. Cổ đông của những mã trên còn may mắn hơn so với KSA, CDO, STT bị hủy niêm yết tại HOSE để chuyển sang UPCoM.

Một môi giới có nhiều năm kinh nghiệm trên thị trường tổng kết: Tỷ lệ penny tăng giá chỉ chiếm 10%, giảm giá chiếm 70-80% nên cơ hội chiến thắng với cổ phiếu penny là rất nhỏ. Penny tăng giá có 2 trường hợp: Dòng tiền của đội lái vào và hoạt động kinh doanh khởi sắc.

Một trong những tiêu chí hàng đầu của đội lái là cổ phiếu penny. Những năm qua, hàng chục vụ thao túng giá đã bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phát hiện và xử lý đều là penny. Người thiệt hại nặng nề nhất chính là những cổ đông nhỏ lẻ.

Sau khi tăng 5,6 lần trong 2 tháng qua, VHG bắt đầu quay đầu giảm giá 3 phiên liên tiếp và chưa biết điểm dừng khi HOSE chuẩn bị “kết án” hủy niêm yết do lỗ trong 3 năm liên tiếp khiến nhiều nhà đầu tư lỗ nặng. Từ khi lên sàn đến nay, VHG đã khiến nhiều nhà đầu tư trắng tay khi giảm giá 99%.

Đối với dòng penny có hoạt động kinh doanh khởi sắc, nhà đầu tư cần đánh giá cơ hội trước 1-2 năm trong số vài trăm doanh nghiệp. Đây là điều không dễ dàng đối với đại đa số nhà đầu tư. Ông Phạm Lê Thái, nhà sáng lập Happylive cho rằng, nhà đầu tư phải phân tích công ty chuẩn bị đầu tư kiếm tiền từ những nguồn nào, triển vọng kiếm tiền trong tương lai từ đâu. Ngoài việc chọn công ty tốt để bỏ vốn vào, nhà đầu tư quan tâm mua cổ phiếu ở giá nào. Công ty tốt nhưng mua cổ phiếu ở mức giá cao thì khoản đầu tư đó trở nên xấu.

TRÍ NGUYỄN

Theo NTD

largeer