Trầy trật xuất khẩu gạo sang Trung Quốc

Thứ bảy, 11/08/2018, 10:30 AM

Từ đầu năm đến nay, xuất khẩu (XK) gạo khá khả quan, ghi nhận tín hiệu tích cực tại nhiều thị trường. Riêng đối với thị trường XK gạo hàng đầu là Trung Quốc, "gió ngược chiều" khi kim ngạch XK giảm rõ rệt, dự báo ngày càng khó khăn.

Việc tăng cường kiểm soát nhập khẩu gạo của Trung Quốc sẽ gây khó khăn đáng kể cho xuất khẩu gạo Việt. Ảnh: ST.

Việc tăng cường kiểm soát nhập khẩu gạo của Trung Quốc sẽ gây khó khăn đáng kể cho xuất khẩu gạo Việt. Ảnh: ST.

Giảm mạnh cả lượng lẫn giá trị

Theo thống kê mới nhất từ Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT): Tính tới hết tháng 7, XK gạo ước đạt 3,9 triệu tấn và gần 2 tỷ USD, tăng 12,2% về khối lượng và tăng 29,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Giá gạo XK bình quân nửa đầu năm đạt 508 USD/tấn, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm trước.

Nửa đầu năm nay, Trung Quốc tiếp tục đứng vị trí thứ nhất NK gạo của Việt Nam với 26,8% thị phần, tiếp theo là Indonesia với 18,2% thị phần và Philippines với thị phần 10,4%. Đáng chú ý, XK gạo sang các thị trường như Iraq, Malaysia, Philippines, Bờ Biển Ngà đều tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước với giá trị và mức tăng tương ứng lần lượt là 85,5 triệu USD, gấp 2,5 lần; 138,2 triệu USD, tăng gấp 2,1 lần; 183,4 triệu USD, tăng 76,8% và 66,4 triệu USD, tăng 16,8%. Trong khi đó, dù đứng ở vị trí hàng đầu trong các thị trường XK gạo Việt, song nửa đầu năm nay, XK gạo sang Trung Quốc lại chỉ đạt 891,7 nghìn tấn, tương đương 474,8 triệu USD, giảm 27,4% về khối lượng và giảm 14,6% về giá trị.

Không chỉ ở "bức tranh" XK tổng thể dựa trên những con số thống kê về số lượng và giá trị, khi đi sâu xem xét cơ cấu mặt hàng XK, khó khăn, trầy trật trong XK gạo sang thị trường Trung Quốc cũng được thể hiện khá rõ. Cụ thể, trong nửa đầu năm, kim ngạch XK gạo trắng 5% tấm đạt 550,4 triệu USD, chiếm tỷ lệ cao nhất 30,8%, chủ yếu chỉ xuất sang thị trường Indonesia và Philippines. Các loại gạo thơm có kim ngạch XK đứng thứ hai với giá trị 472,6 triệu USD chiếm tỷ lệ 26,5%, thị trường tiêu thụ chủ yếu là Trung Quốc, Ghana và Iraq. Gạo nếp đứng vị trí thứ tư sau gạo trắng 15% tấm với giá trị XK 249,3 triệu USD, chiếm tỷ lệ 13,9%.

Đại diện Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho hay: Trung Quốc hiện vẫn là thị trường tiêu thụ gạo nếp lớn nhất của Việt Nam với thị phần trên 80%. Tuy nhiên, từ tháng 7 vừa qua, Trung Quốc tăng thuế NK ngoài hạn ngạch với gạo nếp từ 5% lên 50% khiến XK gạo nếp sang thị trường này giảm mạnh và giá XK cũng giảm 50 – 60 USD/tấn so với trước khi áp thuế xuống còn 425 – 435 USD/tấn. Ngoài chính sách tăng thuế áp dụng cho mặt hàng gạo nếp, XK gạo nói chung sang Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng do thị trường này tăng cường kiểm soát NK và nâng cao tiêu chuẩn về kiểm dịch thực vật với các DN XK của Việt Nam.

Nỗ lực đáp ứng yêu cầu

Trên thực tế không phải đến thời điểm hiện tại, XK gạo sang Trung Quốc mới bị kiểm soát chặt chẽ, đối mặt nhiều khó khăn. Ngay từ cuối năm 2016, Trung Quốc đã cử đoàn chuyên gia đi đánh giá thực tế tại 31 DN sản xuất, chế biến gạo của Việt Nam đã đăng ký với Bộ NN&PTNT để XK gạo sang Trung Quốc. Qua kiểm tra, kể từ ngày 1/1/2017, phía Trung Quốc chính thức đồng ý cho phép tổng cộng 22 DN của Việt Nam được phép XK gạo sang Trung Quốc. Các DN này phải thực hiện đúng quy định của phía Trung Quốc, tiến hành kiểm dịch thực vật chặt chẽ các lô hàng trước khi XK. Thông tin không mấy khả quan là, đến đầu năm nay, 3/22 DN kể trên đã bị phía Trung Quốc thông báo tạm ngừng NK gạo do khi XK sản phẩm gạo tấm sang Trung Quốc, các DN này bị phát hiện có lẫn hạt cỏ vượt mức quy định.

Đánh giá về cơ hội XK gạo sang thị trường Trung Quốc, TS.Trần Ngọc Thạch, Viện trưởng Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long cho hay: Từ đầu năm đến nay, nhu cầu NK tại thị trường Trung Quốc và các nước Đông Nam Á tăng cao. Theo thống kê, mỗi năm Trung Quốc tiêu thụ tới 140 triệu tấn lúa gạo. Đây là cơ hội tốt để Việt Nam đẩy mạnh XK vào thị trường này.

Dễ thấy, dư địa thị trường Trung Quốc khá rộng mở, song rõ ràng với mặt hàng gạo nói riêng, các mặt hàng nông sản khác nói chung, Trung Quốc đã dần không còn là thị trường "dễ tính". Quốc gia này ngày càng kiểm soát chặt chẽ việc NK, xem xét, coi trọng chất lượng sản phẩm. Từ nay đến cuối năm, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản nhận định: Thị trường Trung Quốc tăng thuế NK và tăng cường kiểm soát chất lượng là yếu tố quan trọng khiến cho ngành gạo đối mặt nhiều khó khăn khi muốn tăng XK.

Thời gian dài đứng ở vị trí hàng đầu trong các thị trường XK gạo Việt, tầm quan trọng của thị trường Trung Quốc là điều không thể phủ nhận. Khó khăn trước mắt trong XK gạo sang Trung Quốc cũng là sự thật dễ thấy. Tuy nhiên, một số chuyên gia nêu quan điểm: Trung Quốc tăng cường kiểm soát biên giới, chuyển dịch sang NK chính ngạch nhằm quản lý chất lượng, đồng thời tránh thất thu thuế.

Thực tế, những DN Việt Nam có sự đầu tư bài bản cũng muốn XK chính ngạch, làm ăn lâu dài nhằm tránh rủi ro. Vì vậy, không nên cho rằng phía Trung Quốc làm khó Việt Nam. Ngược lại, mấu chốt là các DN phải xem xét làm sao tuân thủ, đảm bảo yêu cầu về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc của nước NK nhằm đáp ứng cho tốt. Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản khuyến cáo: Bên cạnh tập trung đẩy mạnh kiểm soát chất lượng gạo XK, các DN cần thúc đẩy, tìm kiếm thêm các thị trường XK mới, tránh lệ thuộc thị trường Trung Quốc.

Thanh Nguyễn 

HQ

largeer