Trí tuệ nhân tạo - chìa khóa thành công cho đời sống và sản xuất

Thứ ba, 19/11/2019, 09:36 AM

Trí tuệ nhân tạo hay trí thông minh nhân tạo (AI) là một ngành thuộc lĩnh vực khoa học máy tính, là trí tuệ do con người lập trình tạo nên với mục tiêu giúp máy tính có thể tự động hóa các hành vi thông minh như con người. Đây là một trong những yếu tố cơ bản và quan trọng trong cuộc cách mạng 4.0 hiện nay.

Nhiều doanh nghiệp Việt đón đầu công nghệ và đầu tư vào trí tuệ nhân tạo trong hoạt động kinh doanh.

Nhiều doanh nghiệp Việt đón đầu công nghệ và đầu tư vào trí tuệ nhân tạo trong hoạt động kinh doanh.

4/10 công ty hàng đầu thế giới sẽ biến mất

Một báo cáo về việc làm năm 2018 cho rằng sự phát triển của công nghệ tự động hóa và trí thông minh nhân tạo sẽ khiến 75 triệu việc làm mất đi. Tuy nhiên sẽ có 133 triệu việc làm mới được tạo ra và giới doanh nghiệp sẽ phân chia lao động giữa con người và máy móc. Trong vòng 5 năm tới sẽ có 58 triệu việc làm mới cho con người được tạo ra từ sự phát triển vượt bật của trí tuệ nhân tạo.

Cứ 10 cái tên có trong danh sách Fortune 500 thì sẽ có 4 cái tên biến mất khỏi bảng xếp hạng trong vòng 10 năm nữa, nhường chỗ cho các công ty mới biết tận dụng công nghệ để vượt trội. AI đã và đang nâng cấp lên những phiên bản hoàn thiện hơn. Điều này có thể gây ra những thách thức nào cho các “ông lớn” công nghệ? Trong tương lai, trí tuệ nhân tạo có thể làm “sếp” của chúng ta hay không?

Với khả năng tự học hỏi, cải thiện dựa trên mô hình và dữ liệu đầu vào, AI có thể được vận dụng để giải quyết rất nhiều bài toán lớn về giao thông, nông nghiệp hay giáo dục. Theo các kết quả khảo sát trên hàng trăm chuyên gia AI thuộc Đại học Oxford, trong tương lai AI sẽ thay thế phần lớn các công việc của con người trước năm 2063 và tự động hóa tất cả công việc trong vòng 120 năm tới. Tuy nhiên 62% lãnh đạo doanh nghiệp và 67% nhân viên tham gia khảo sát của Microsoft đều tin rằng AI sẽ thúc đẩy, thay vì thay thế công việc của họ. Đến năm 2021, trí tuệ nhân tạo sẽ sinh ra giá trị 2.100 tỷ USD cho các doanh nghiệp, góp phần tiết kiệm 6.2 tỷ USD giờ làm việc trên toàn cầu.

Khi cuộc cách mạng đang phát triển với tốc độ nhanh, thì cuộc chạy đua mang tên “trí tuệ nhân tạo” của những tập đoàn công nghệ trên thế giới cũng đang ở đỉnh điểm. Xu hướng đầu tư trí tuệ nhân tạo đang lan rộng từ các quốc gia, tập đoàn lớn, các quỹ đầu tư mạo hiểm hàng đầu, cho đến các công ty khởi nghiệp... dẫn tới sự thay đổi đáng kinh ngạc của nền kinh tế toàn cầu, có quy mô tác động và tốc độ phát triển theo cấp số lũy thừa, có thể làm thay đổi cách thức con người sống, làm việc và điều hành xã hội, trong đó phần đóng góp của AI được dự báo sẽ lên tới 15.700 tỷ USD vào năm 2030.

Empty

Kỳ lân xuất hiện ở Việt Nam

Ở thời điểm hiện tại, chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách với ưu đãi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp lĩnh vực khoa học công nghệ, gửi gắm vào trong đó sự kỳ vọng “tăng tốc” và bứt phá của cộng đồng startup đặc biệt là ở những lĩnh vực liên quan đến AI và Machine Learning. Việt Nam sẽ chứng kiến sự xuất hiện của hàng loạt những kỳ lân mới. Cuộc chơi AI không chỉ là cuộc chơi của những ông lớn, các doanh nghiệp startup cũng đang dần khẳng định mình bằng những sản phẩm không hề thua kém.

CEO TopDev Nguyễn Hữu Bình cho biết, điểm đáng chú ý nhất chính là việc Việt Nam đã chính thức có kỳ lân startup mới - VNPay, sau khi đơn vị này nhận được 300 triệu USD đầu tư, đặc biệt là trong lĩnh vực Fintech. Startup kỳ lân được hiểu là những công ty khởi nghiệp tư nhân lớn mạnh với mức định giá từ 1 tỷ USD trở lên.

“Việc này rất có ý nghĩa. Bởi lẽ, sau đợt các startup về trí tuệ nhân tạo - AI được đầu tư lớn như Cinnamon (9 triệu USD), Logivan (5,5 triệu USD), Elsa (7 triệu USD) lập tức đã gây áp lực lên lực lượng nhân sự AI do nhận thức về việc phải ứng dụng AI của các startup và doanh nghiệp trở nên nở rộ” - ông Nguyễn Hữu Bình đánh giá.

Nhiều chuyên gia cho rằng, không chỉ chờ đợi chính sách phát triển của quốc gia, mà các công ty cần phải đầu tư cho nghiên cứu, phát triển sản phẩm sử dụng trí tuệ nhân tạo ngay từ bây giờ để có được lợi thế về lâu dài. Gặp gỡ và hợp tác với những doanh nghiệp đang phát triển trong lĩnh vực này là một trong những lựa chọn hàng đầu giúp các doanh nghiệp có thể bắt kịp xu hướng AI đang bùng nổ trên toàn thế giới.

Hiện Việt Nam cũng ban hành nhiều chính sách nhằm kịp thời nắm bắt xu hướng phát triển của thế giới, việc ứng dụng công nghệ AI vào sản xuất và đời sống cũng như công tác quản lý hành chính Nhà nước được lãnh đạo các trung tâm đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM đánh giá là yếu tố quan trọng để xây dựng, phát triển thành phố nhanh, bền vững, sớm trở thành đô thị thông minh, đồng thời là cơ hội vàng để ghi tên Việt Nam trên bản đồ công nghệ thế giới, song song với những kết quả nhảy vọt về tăng trưởng kinh tế.

Từ năm 2018, TP.HCM đã chủ trương đề xuất, ban hành cơ chế, chính sách cho nghiên cứu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào sản xuất và đời sống, đồng thời tích hợp một số lĩnh vực AI vào đề án xây dựng thành phố trở thành đô thị thông minh, như lời Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: “Bước vào cách mạng 4.0 thì không thể không nghiên cứu ứng dụng AI và thành phố sẽ dành ưu tiên thúc đẩy AI. Với dân số hơn 10 triệu người, thị trường tại chỗ, nguồn lực kinh tế lớn mạnh là những thuận lợi rất lớn để hình thành trung tâm nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo”.

 Kim Ngọc

Theo NTD

largeer