Trump hủy bỏ hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều, kinh tế thế giới ảnh hưởng như thế nào?

Thứ ba, 29/05/2018, 18:49 PM

Ngày 24/5/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ rút khỏi hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều dự kiến tổ chức tại Singapore. Như vậy cuộc gặp mặt thượng đỉnh giữa ông và Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên Kim Jong Un sẽ không diễn ra vào ngày 12/6/2018 theo kế hoạch và quyết định của ông Trump ngay lập tức đã có những ảnh hưởng đến nền kinh tế thế giới.

Trump - Kim sẽ không gặp nhau như kế hoạch dự kiến (ảnh:nguoitieudung)

Trump - Kim sẽ không gặp nhau như kế hoạch dự kiến (ảnh:nguoitieudung)

Giá vàng tăng

Ảnh hưởng rõ nét nhất sau quyết định của ông Trump chính là giá vàng thế giới. Theo các chuyên gia, quyết định rút khỏi hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều của ông Trump đã thúc đẩy các nhà đầu tư tìm đến các tài sản an toàn như vàng. Giá vàng giao ngay tăng 0,9% lên 1.305,18 USD/ounce vào lúc 0 giờ 34 phút ngày 25/5 (tính theo giờ Việt Nam).

Trước đó, đã có thời điểm giá vàng vọt lên 1.306,56 USD/ounce, mức cao nhất trong 9 phiên qua. Trong khi đó, giá vàng giao tăng 14,8 USD (1,2%), đóng cửa ở mức 1.304,40 USD/ounce. Ngưỡng kháng cự giá vàng đầu tiên được nhìn thấy ở mức cao nhất hiện nay là 1.306,40 USD và sau đó là 1.309,00 USD.

Trong bối cảnh thế giới hiện tại đang chứa đựng nhiều rủi ro: sự bất ổn có thể xảy ra tại Liên minh Châu Âu, tham vọng hạt nhân của Iran, tranh chấp thương mại lớn giữa Hoa Kỳ-Trung Quốc… thêm sự cố ông Trump hủy bỏ hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều, tâm lý chọn vàng là nơi gửi gắm an toàn đối với các nhà đầu tư càng lớn và việc giá vàng tăng cũng là điều dễ hiểu.

Thị trường chứng khoán sụt giảm

Sau khi có thông tin cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Singapore bị hủy bỏ, chỉ số Dow Jones có lúc mất 280 điểm. Sau đó chỉ số này hồi phục và đóng cửa ở mức 24.811,76 điểm, vẫn thấp hơn 75,05 điểm so với tham chiếu. Chỉ số S&P giảm 0,2% còn 2.727,76 điểm do giá dầu đi xuống khiến cho các cổ phiếu năng lượng "bay" khoảng 1,6%. Chỉ số Nasdaq giảm nhẹ 0,02% còn 7.424,43 điểm với các cổ phiếu công nghệ lớn phân hóa, Facebook và Intel đi lên trong khi Netflix và Adobe đi xuống.

Tuy nhiên, nguyên nhân thị trường chứng khoán giảm còn bắt nguồn từ quyết định điều tra ôtô nhập khẩu vào Mỹ của ông Trump. Hiện tại, Bộ Thương mại Mỹ đã bắt đầu một cuộc điều tra để xem hoạt động nhập khẩu ô tô có đe dọa đến an ninh quốc gia của nước Mỹ hay không? Điều này khiến các chuyên gia kinh tế lo ngại về việc Mỹ có thể sẽ tăng đánh thuế nhập khẩu ô tô từ các quốc gia như Nhật Bản, Đức và Hàn Quốc. Chỉ số chứng khoán Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 1,1% còn 22.437 điểm còn chỉ số Stoxx Europe 600 mất 0,5% trong đó cổ phiếu của hai hãng xe hơi BMW và Wolkswagen đều giảm hơn 2%.

Bên kia bờ Đại Tây Dương, dù tăng điểm lúc mở phiên nhưng các thị trường chứng khoán Frankfurt và Paris cũng nối gót Phố Wall, với hai chỉ số DAX 30 và CAC 40 giảm lần lượt 0,9% và 0,3%, khép phiên ở mức 12.855,09 điểm và 5.548,45 điểm. Tại London, chỉ số FTSE 100 cũng để mất 0,9% xuống còn 7.716,74 điểm, trong khi chỉ số tổng hợp EURO STOXX 50 cũng không nằm ngoài xu hướng chung khi giảm 0,6% và đóng phiên ở mức 3.521,76 điểm.

Thị trường châu Á đã sụt giảm từ trước khi có quyết định rút khỏi hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều của ông Trump. Những phản ứng tức giận của giới chức Triều Tiên về cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn đã ảnh hưởng đến giới đầu tư chứng khoán châu Á. Tính đến cuối phiên ngày 23/5, tại Tokyo, chỉ số Nikkei 225 giảm 1,18% (270,60 điểm) xuống 22.689,74 điểm.

Tại thị trường chứng khoán Trung Quốc, chỉ số Hang Seng của Hong Kong giảm 1,82% (568,71 điểm) xuống 30.665,64 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải để mất 1,41% (45,39 điểm) xuống 3.168,96 điểm.

Chứng khoán Sydney giảm 0,2%, chứng khoán Singapore và chứng khoán Wellington giảm lần lượt là 1% và 0,7%. Hòa chung xu hướng này, chứng khoán Taipei, Manila và Bangkok đều đỏ sàn.

Giá vàng, dầu mỏ, chứng khoán thế giới được dự báo sẽ biến động mạnh. (ảnh: motruongvadothi)

Giá vàng, dầu mỏ, chứng khoán thế giới được dự báo sẽ biến động mạnh. (ảnh: motruongvadothi)

Giá dầu hạ nhẹ

Giá dầu thế giới hạ nhẹ trước những diễn biến mới liên quan đến quan hệ Mỹ Triều. Cụ thể trong phiên giao dịch ngày 24/5, giá 2 loại dầu chủ chốt trên thị trường thế giới đồng loạt mất khoảng 1 USD/thùng. Tại thị trường New York, giá dầu thô ngọt nhẹ (WTI) giảm 1,13 USD (1,57%) xuống còn 70,71 USD/thùng.  Trong khi đó, tại thị trường London, giá dầu Brent Biển Bắc cũng để mất 1,01 USD (1,27%) xuống còn 78,79 USD/thùng.

Theo các chuyên gia kinh tế, thực ra, sự kiện tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ rút khỏi hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều đã khiến đồng USD bị suy yếu, qua đó hạn chế đà giảm của giá dầu. Tuy nhiên, những bất ổn cả về kinh tế lẫn chính trị ở những quốc gia xuất khẩu dầu: Venezuela và Iran đã ảnh hưởng đến thị trường dầu thế giới, nên xét tổng thể, giá dầu trên thế giới vẫn giảm nhẹ sau quyết định của ông Trump.

Trung Quốc hưởng lợi?

Nền kinh tế thế giới chịu ảnh hưởng rất nhiều trước cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Hiện tại, cả hai quốc gia đã đạt được thỏa thuận ngừng đe dọa đánh thuế bởi họ hiểu rằng, khó có chuyện phân định thắng thua rõ ràng giữa 2 nền kinh tế số 1 và số 2 thế giới này. Mặc dù vậy, rất có thể Trung Quốc sẽ sử dụng quân bài Triều Tiên để thu về những lợi ích kinh tế cho riêng mình.

Ngày 24/5, phát biểu trên tờ USA Today, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết: “Các biện pháp trừng phạt sẽ bóp nghẹt kinh tế của Triều Tiên. Trung Quốc, đối tác thương mại chính của Triều Tiên, cũng đồng ý duy trì áp lực bằng cách cắt giảm thương mại với Bình Nhưỡng theo yêu cầu của Trump”. Lẽ dĩ nhiên, để thuyết phục Trung Quốc đồng lòng với Mỹ trong vấn đề Triều Tiên, tổng thống Donald Trump sẽ phải “dịu giọng” và thậm chí nhượng bộ một số lợi ích trong cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.

Năm 2017, thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc đã lên đến 375 tỷ USD. Theo các chuyên gia, yêu cầu cắt giảm 200 tỷ USD thâm hụt thương mại Mỹ-Trung của ông Trump trong năm nay là khó khả thi, nhất là trong bối cảnh chính quyền Mỹ đã giảm thuế và tăng chi tiêu. Tổng thống Donald Trump từng đe dọa áp đặt thuế quan trị giá tới 150 tỷ USD lên hàng hóa Trung Quốc, khoảng 1.300 sản phẩm của quốc gia châu Á này cũng sẽ bị đánh thêm 15% thuế. Nhưng để “nhờ vả” Trung Quốc trong việc giải quyết mối quan hệ với Triều Tiên, Nhà Trắng sẽ phải “điều chỉnh” thái độ cũng như chính sách trong cuộc chiến thương mại với đất nước có dân số đông nhất thế giới này.

 Thế Anh

Theo NTD

largeer