Truy thu cổ tức Sabeco: Lo cho môi trường đầu tư

Thứ sáu, 13/04/2018, 14:18 PM

Câu chuyện đã thoái vốn Nhà nước mà Sabeco còn bị truy thu cổ tức được cho là tín hiệu xấu cho môi trường kinh doanh, có thể tạo nên sự e ngại nhất định cho các DN, nhà đầu tư.

Liệu có trái luật Doanh nghiệp?

Câu chuyện Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đề nghị truy thu cổ tức từ phần vốn góp của Nhà nước tại Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) đang thu hút sự quan tâm của dư luận đặc biệt là các nhà đầu tư.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Số là Kiểm toán Nhà nước (KTNN) có Thông báo số 155/KTNN-TH ngày 8/2/2018 về kết quả kiểm toán báo cáo tài chính tại ngày 31/12/2016 và các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn và tài sản Nhà nước năm 2016 của Sabeco, yêu cầu Sabeco nộp lợi nhuận sau thuế còn lại chưa phân phối từ năm 2016 trở về trước khoảng 2.900 tỷ đồng (trong đó, cổ đông nhà nước chiếm 89,59%/vốn điều lệ, tương đương với số tiền 2.495 tỷ đồng và các cổ đông thiểu số khác với số tiền 289 tỷ đồng).

Theo Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI), trước hết cần làm rõ ai được quyền quyết định phân chia lợi nhuận sau thuế để trả cổ tức hàng năm. Dẫn chiếu quy định tại Điểm 2b, Điều 135 Luật Doanh nghiệp 2014, VAFI cho rằng chỉ có ĐHCĐ mới có thẩm quyền quyết định mức cổ tức hàng năm của công ty cổ phần.

Trong khi theo Nghị quyết ĐHCĐ thường niên của Sabeco ngày 18/4/2017, sau khi chia cổ tức và trích lập các quỹ, khoản lợi nhuận chưa phân phối cuối năm 2016 của Sabeco là 2.946.442 triệu đồng. Khoản lợi nhuận sau thuế chưa phân phối này đã được ĐHCĐ quyết định không chia, trong đó có vai trò quyết định của cổ đông nhà nước là Bộ Công Thương.

Dẫn chiếu tiếp điều 149 Luật Doanh nghiệp 2014, VAFI cho biết, HĐQT Sabeco hiện nay cũng không có thẩm quyền phân chia cổ tức từ khoản chưa phân phối 2.900 tỷ đồng nói trên mà phải trình cho ĐHCĐ năm 2017. Đồng thời cũng theo Luật DN thì khoản lợi nhuận chưa phân phối 2.900 tỷ đồng không phải là khoản “nợ” của DN đối với toàn thể các cổ đông, chỉ được thanh toán cho các cổ đông khi hội đủ các điều kiện sau: Được ĐHCĐ biểu quyết thông qua, sau đó HĐQT triển khai thực hiện; HĐQT phải chốt ngày hưởng quyền lĩnh cổ tức và xác lập danh sách cổ đông tại ngày chốt quyền; chỉ có cổ đông trong danh sách chốt quyền mới được hưởng cổ tức.

Chính vì thế, VAFI cho rằng "nếu đại hội cổ đông tới đây của Sabeco biểu quyết thông qua việc phân chia 2.900 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối nêu trên, thì cổ đông Nhà nước chỉ được hưởng cổ tức theo tỷ lệ 36% của khoản phân chia này (tỷ lệ nắm giữ cổ phần hiện nay), chứ không phải 85,95% như KTNN nêu".

Đồng quan điểm, luật sư Trương Thanh Đức giải thích: Lợi nhuận của công ty dù có từ đâu, thời gian nào cũng đều là tài sản thuộc quyền sở hữu của công ty, là tài sản chung của cổ đông. Nếu chia phần lợi nhuận còn lại này, chỉ cổ đông hiện diện tại thời điểm chia mới được hưởng. Như vậy, cổ đông Nhà nước chỉ còn được hưởng cổ tức theo danh sách chi trả cổ tức sau ngày thoái vốn 27/12/2017, tương đương chiếm tỷ lệ 36% cổ phần nắm giữ. Nếu chia cho cổ đông Nhà nước 89,59% là vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc công bằng được quy định tại Luật DN 2014…

Lo ảnh hưởng môi trường đầu tư

Sabeco là điển hình cho thành công của việc bán cổ phần Nhà nước. Trong phiên đấu giá cạnh tranh ngày 18/12/2017, Bộ Công thương đã bán hết 343.662.587 cổ phần tương đương 53,59% vốn điều lệ của Sabeco với giá 320.000 đồng/cổ phần. Như vậy, Nhà nước đã thu về gần 110.000 tỷ đồng tương đương với 4,8 tỷ USD và còn nắm giữ 36% cổ phần ở Sabeco.

Nhưng, câu chuyện đã thoái vốn Nhà nước mà Sabeco còn bị truy thu cổ tức nêu trên được cho là tín hiệu xấu cho môi trường kinh doanh, có thể tạo nên sự e ngại nhất định cho các DN, nhà đầu tư.

Nhắc lại sự thành công trong việc bán vốn Nhà nước tại Sabeco mà Tập đoàn Thaibev đã bỏ ra 4,8 tỷ USD để mua toàn bộ 343.662.587 triệu cổ phần để sở hữu 53,59% vốn điều lệ, luật sư Trương Thanh Đức cho rằng chính khoản lợi nhuận chưa chia mà KTNN đang yêu cầu Sabeco phải nộp lại này cũng có thể là một yếu tố để Thaibev mua giá cao như thế. Ông Đức cũng cho rằng nếu không có khoản tiền này thì giá cổ phiếu Sabeco khi thoái vốn có thể giảm đi với một mức độ nhất định, bởi thị trường và cổ đông mua cổ phiếu của Sabeco giá bao nhiêu là dựa vào giá trị cổ phiếu tại thời điểm đó và kỳ vọng vào tương lai.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch VAFI lên tiếng: Kết luận thanh tra, kiểm tra, kiểm toán nếu trái với luật sẽ gây rủi ro nhiều cho môi trường kinh doanh, làm giảm lòng tin vào giới đầu tư và giá bán cổ phần Nhà nước bị giảm do các nhà đầu tư tài chính phải đưa ra các phương án dự phòng rủi ro.

Còn với tình hình hiện nay, những thông tin về truy thu số tiền này cũng có thể làm giá cổ phiếu của Sabeco giảm, nhà đầu tư mất tiền, trong đó không chỉ là nhà đầu tư nước ngoài mà có cả nhà đầu tư Nhà nước và người lao động. Vậy ai chịu trách nhiệm? Và với môi trường đầu tư còn thiếu rõ ràng, nhất quán như thế thì liệu sau Sabeco, sẽ có DNNN nào cổ phần hóa và thoái vốn rơi vào trường hợp tương tự? Nếu có tiền lệ này, các nhà đầu tư có còn mạnh mẽ xuống tiền mua lại vốn Nhà nước tại DN hay không?

“Muốn thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp thì Nhà nước phải giải quyết những tồn tại như trên. Đặc biệt, cán bộ đi thanh kiểm tra doah nghiệp cổ phần hóa phải thông thạo nghiệp vụ và hiểu kỹ về Luật Doanh nghiệp. Kết luật thanh tra, kiểm tra phải có sự phản biện rộng rãi để tránh tình trạng kết luật thanh tra trái với Luật”, ông Hải bổ sung.

Linh Linh

Theo TBNH

largeer