Tuần mới, thêm nhiều doanh nghiệp lên sàn chứng khoán

Thứ hai, 11/06/2018, 04:39 AM

Tuần mới đón chào nhiều tân binh như Bông Bạch Tuyết, Bidiphar, Dược CPC1,…

Trong tuần trước, thị trường đã đón những tân binh tên tuổi như Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) hay hãng rượu 120 năm tuổi Halico lên sàn chứng khoán. Trong tuần này, thị trường sẽ tiếp tục đón nhận thêm nhiều doanh nghiệp tiềm năng khác.

Ngày trở lại của Bông bạch Tuyết

Sau hơn 9 năm kể từ ngày hủy niêm yết trên sàn chứng khoán 8/2009, CTCP Bông Bạch Tuyết đã chính thức quay lại cuộc chơi khi thông báo 12/6/2018 là ngày giao dịch đầu tiên trên UPCoM.

Bông Bạch Tuyết có mã chứng khoán cũ là BBT với số lượng đăng ký như trước hủy niêm yết 6,84 triệu cổ phiếu. Tuy nhiên, sự quay trở lại của BBT chưa thật hoàn hảo khi công ty chỉ được định giá gần 16 tỷ đồng, tương đương giá tham chiếu chỉ 2.300 đồng.

Được thành lập vào năm 1960, Bông Bạch Tuyết từng là doanh nghiệp có tiếng trong ngành khi chiếm lĩnh đến 90% thị phần sản phẩm bông y tế trong thời kỳ hoàng kim của mình. Đây cũng là doanh nghiệp lên sàn chứng khoán khá sớm từ tháng 3/2004.

Tuy nhiên, sau khi niêm yết thì hoạt động kinh doanh cũng bắt đầu suy yếu do cổ đông thường xuyên xảy ra xung đột, giá nguyên vật liệu leo thang, năng lực bán hàng không kịp đáp ứng lượng hàng sản xuất …

Công ty có thời gia phải ngừng hoạt động sản xuất từ tháng 7/2008 đến 9/2009 do thiếu vốn. Sau 3 năm niêm yết, BBT báo lỗ tổng cộng 14 tỷ đồng cùng nhiều khoản nợ quá hạn.

Sau khi rời sàn chứng khoán và tập trung tái cơ cấu, kết quả kinh doanh đã có những dấu hiệu khởi sắc. Công ty có 4 năm liên tiếp có lãi, doanh thu thuần năm 2017 đạt trên 92,4 tỷ đồng, tăng trưởng 15%. Công ty cũng báo lãi trên 14 tỷ đồng trong 2 năm qua.

Empty

Tuy nhiên hành trang lên sàn của BBT cũng có nhiều mảng tối. Lỗ lũy kế vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong nguồn vốn với gần 62 tỷ. Ngoài ra các khoản công nợ được kiểm toán thông báo chưa được cung cấp các bằng chứng kiểm toán thích hợp trong BCTC kiểm toán 2017.

Bidiphar chuyển niêm yết tại HOSE

CTCP Dược - Trang thiết bị Y tế Bình Định (Bidiphar) hủy giao dịch trên UPCoM để niêm yết 52,4 triệu cp trên HOSE từ 15/6 và bảo lưu mã chứng khoán DBD. Giá tham chiếu ngày đầu tiên là 48.000 đồng/cp, tương đương mức định giá hơn 2.500 tỷ đồng.

DBD được cấp giấy phép hoạt động từ năm 2010. Công ty hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh dược phẩm và trang thiết bị y tế. Vốn điều lệ hiện tại của Bidiphar gần 524 tỷ đồng sau 2 lần tăng vốn.

Tính đến cuối 2017, tổng tài sản của DBD ở mức 1.544 tỷ đồng, xếp thứ 3 trong số các doanh nghiệp dược phẩm niêm yết trên thị trường chứng khoán, sau Dược phẩm Imexpharm và Dược Hậu Giang. Vốn điều lệ của công ty ở mức 523,8 tỷ đồng, chỉ xếp sau Dược Hậu Giang.

Empty

Hoạt động kinh doanh của công ty những năm qua đều có sự tăng trưởng. Trong năm 2015 công ty có khoản lợi nhuận bất thường 144 tỷ đồng, nếu loại trừ khoản này thì lợi nhuận trước thuế 2015 chỉ 130 tỷ đồng.

Trong năm 2018, Bidiphar đặt kế hoạch doanh thu 1.600 tỷ và lợi nhuận sau thuế 168 tỷ đồng, cổ tức 15%. Riêng quý 1/2018, doanh thu hợp nhất của DBD đạt hơn 348 tỷ và lợi nhuận sau thuế 41 tỷ đồng; thực hiện được 24,4% kế hoạch lợi nhuận năm.

Công ty dược quy mô tài sản thứ 2 thị trường lên sàn

Một doanh nghiệp dược khác cũng sẽ lên sàn chứng khoán trong tuần tới là CTCP Dược phẩm Trung ương CPC1 với mã giao dịch DP1 trên hệ thống UPCoM.

DP1 sẽ đăng ký giao dịch gần 21 triệu cổ phiếu vào ngày 12/6. Tại giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 10.600 đồng/cp, doanh nghiệp được định giá khoảng trên 220 tỷ đồng.

DP1 tiền thân là Quốc doanh Y Dược phẩm Trung ương được thành lập từ năm 1956, đến năm 2016 chuyển đổi thành CTCP theo quyết định của Bộ Y tế.

Tính đến thời điểm 31/12/2017, tổng tài sản của DP1 ghi nhận hơn 1.863 tỷ đồng, tăng mạnh 34% so với năm trước và bất ngờ vươn lên thành công ty dược quy mô tài sản lớn thứ 2 trên thị trường, chỉ xếp sau Dược Hậu Giang.

Hoạt động kinh doanh của DP1 trong những năm qua có sự tăng trưởng về doanh thu và lợi nhuận. Doanh thu 2016 và 2017 lần lượt đạt 2.241 tỷ và 2.393 tỷ đồng ; lợi nhuận sau thuế tương ứng 28,8 tỷ và 34,6 tỷ đồng. quý 1/2018, doanh thu DP1 ghi nhận trên 577 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ và lợi nhuận tăng 10% lên 11 tỷ đồng.

Ba doanh nghiệp khác đăng ký trên UPCOM

Trong khi Bidiphar chuyển niêm yết lên HOSE thì một doanh nghiệp khác lại chuyển sàn từ niêm yết xuống giao dịch tại thị trường UPCoM là CTCP Đầu tư & Thương mại Dầu khí Nghệ An (PXA).

PXA sẽ đăng ký giao dịch toàn bộ 15 triệu cổ phiếu trên UPCoM kể từ ngày 13/6. Với giá cổ phiếu trà đá 600 đồng/cp thì công ty chỉ có giá trị thị trường 9 tỷ đồng.

PXA bị hủy niêm yết từ ngày 5/6 do lỗ lũy kế vượt quá vốn điều lệ thực góp tại ngày 31/12/2017 theo BCTC kiểm toán năm 2017. Trên BCTC kiểm toán, tổng lỗ lũy kế đến cuối năm 2017 trên 151,7 tỷ đồng trong khi vốn điều lệ thực góp 150 tỷ đồng.

CTCP Đầu tư Nhãn hiệu Việt thông báo 12/6 là ngày giao dịch đầu tiên 3 triệu cổ phiếu trên hệ thống UPCOM. Giá tham chiếu 10.500 đồng/cp tương đương mức định giá 32 tỷ đồng. Mã chứng khoán ABR.

ABR tiền thân là là CTCP Chế biến Gỗ Kiến An và được chuyển đổi thành CTCP vào ngày 10/12/2012. Ngành nghề của ABR là kinh doanh cà phê robusta qua kênh bán lẻ, cung cấp dịch vụ truyền thông, phân phối giày da,…

Hoạt động kinh doanh của ABR trong năm 2017 có sự suy giảm. Doanh thu 2017 đạt 28,5 tỷ đồng, giảm 6%; trong khi lợi nhuận sau thuế chỉ gần 770 triệu đồng, thấp hơn cùng kỳ đến 57%.

CTCP CENCON Việt Nam là doanh nghiệp lên sàn muộn nhất trong tuần tới vào thứ 6 ngày 15/6. Công ty sẽ đăng ký giao dịch 1,3 triệu cổ phiếu với mã chứng khoán CEN, tương đương vốn điều lệ 13 tỷ đồng.

Tiền thân của CENCON là CTCP Đầu tư Thành Thái được thành lập cuối năm 2015 với vốn điều lệ ban đầu 3 tỷ đồng. Ngành nghề kinh doanh chủ yếu là phân phối thiết bị vật tư y tế, bán buôn thực phẩm đông lạnh, vật liệu xây dựng,..

Năm 2017 là năm đầu tiên công ty bắt đầu có doanh thu với hơn 80 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn nửa đồng.

Lan Điền

Theo NDH

largeer