Tương lai nào cho bệnh nhân Parkinson?

Thứ hai, 01/04/2019, 13:58 PM

Mỗi năm, cuộc sống của khoảng 10 triệu người trên thế giới bị ảnh hưởng bởi căn bệnh Parkinson (bệnh liệt rung) - một căn bệnh thoái hóa thần kinh mà hiện vẫn chưa có phương pháp y học nào chữa khỏi hoàn toàn. Các nhà khoa học đang tích cực nghiên cứu nhiều loại thuốc và cách chữa trị với công nghệ tiên tiến nhằm giảm các triệu chứng của căn bệnh này. Tiêu biểu là phương pháp kích thích não sâu và gần đây nhất là sử dụng công nghệ cấy tế bào gốc.

Parkinson là một căn bệnh khá phổ biến với những người trên 60 tuổi. (Ảnh: Pinterest).

Parkinson là một căn bệnh khá phổ biến với những người trên 60 tuổi. (Ảnh: Pinterest).

Parkinson - căn bệnh phổ biến ở người già

Theo Medical News, Parkinson là căn bệnh rối loạn thoái hóa thần kinh trung ương, ảnh hưởng chủ yếu đến hệ thống thần kinh của người bệnh, gây nên những triệu chứng tiêu biểu như run rẩy, thường bắt đầu ở tay; không linh hoạt, cử động chậm chạp và di chuyển khó khăn. Về lâu, căn bệnh này có nguy cơ gây ảnh hưởng đến việc phát âm và biểu cảm gương mặt của bệnh nhân, khiến họ gặp phải nhiều trở ngại trong sinh hoạt hàng ngày. Những người mắc bệnh thường ở độ tuổi trên 60 và tỷ lệ vào khoảng 1%.

Trong số những biện pháp y học hỗ trợ điều trị Parkinson, kích thích não sâu (DBS) là một trong những phương pháp phổ biến nhất. Những nhà nghiên cứu đến từ Đại học Vanderbilt (Mỹ) cho rằng DBS có khả năng làm chậm quá trình phát triển triệu chứng ở những bệnh nhân giai đoạn đầu mà không cần đến sự hỗ trợ của thuốc. Qua DBS, não bệnh nhân sẽ được cung cấp kích thích với tần số cao qua một thiết bị cấy dưới da. Hiện phương pháp này đã và đang giúp cải thiện cuộc sống của rất nhiều người trên thế giới.

Theo tin tức trên tờ Spunit (Nga), vào ngày 16/3 vừa qua, bác sĩ Ling Zhipei tại Trung Quốc đã thực hiện thành công ca phẫu thuật cấy ghép DBS từ xa đầu tiên cho một bệnh nhân Parkinson qua kết nối 5G, với sự hỗ trợ từ China Mobile và Huawei. Đây được xem là một bước tiến lớn cho cả ngành công nghệ lẫn ngành y học nước này, mở đường cho những nghiên cứu sâu hơn trong tương lai.

Phương pháp điều trị Parkinson bằng tế bào gốc đang được nghiên cứu và phát triển. (Ảnh: India Today).

Phương pháp điều trị Parkinson bằng tế bào gốc đang được nghiên cứu và phát triển. (Ảnh: India Today).

Cần một liệu pháp mới

Theo Medical News, một trong những liệu trình cũng khá phổ biến đối với những bệnh nhân Parkinson là hỗ trợ tăng phản ứng hóa sinh nigro-striatal ở não bằng cách điều chỉnh nồng độ dopamine. Tuy nhiên, phương pháp này lại tiềm ẩn nhiều hạn chế và tác dụng phụ lâu dài. Nhà nghiên cứu Claire Henchcliffe đến từ khoa Thần kinh, trường Đại học Y Weill Cornell (Mỹ), cho biết: “Chúng ta đang cần có những giải pháp tốt hơn nhằm giúp đỡ những bệnh nhân Parkinson. Con số những người mắc bệnh trên khắp thế giới đang ngày càng tăng. Hiện chúng ta vẫn chưa tìm ra cách chữa khỏi và những phương pháp y học cũng chỉ phần nào giúp giảm những triệu chứng bên ngoài”.

Journal of Parkinson’s Disease đã đăng tải nghiên cứu của bác sĩ Henchcliffe và giáo sư Parmar về tính khả thi của phương pháp điều trị Parkinson bằng tế bào gốc. Theo các nhà khoa học, liệu pháp này sẽ sử dụng tế bào gốc như một tế bào thần kinh sản xuất ra dopamine, (chất dẫn truyền thần kinh liên quan đến vận động) thay thế cho những tế bào bị thương tổn của các bệnh nhân Parkinson. Một điểm cộng của công nghệ này là các nhà nghiên cứu có thể chiết xuất tế bào gốc từ nhiều nguồn khác nhau, ví dụ như tế bào đa năng được lấy từ da hoặc máu của chính bệnh nhân có thể được chuyển hóa thành tế bào thần kinh. Giáo sư Parmar cho biết: “Những tế bào thế hệ đầu tiên đang được đưa vào nghiên cứu và thử nghiệm. Tôi tin rằng sự tiên tiến của công nghệ tế bào gốc sẽ đem đến những liệu trình tốt hơn cho các bệnh nhân trong tương lai”.

Tuy nhiên, theo trang Times Colonist, bác sĩ Keith Roach đến từ New York cho rằng, mặc dù hiện nay phương pháp cấy ghép tế bào gốc đang được áp dụng rộng rãi để điều trị nhiều loại bệnh khác nhau nhưng nó vẫn còn mang nhiều rủi ro, nhất là về vấn đề nhiễm trùng. Tháng 12 năm ngoái, 12 bệnh nhân tại Mỹ đã phải nhập viện vì nhiễm trùng E. coli và các vi khuẩn khác sau khi thực hiện cấy ghép tế bào gốc. Vì thế, ông mong muốn phương pháp này sẽ được nghiên cứu và phát triển một cách kỹ càng, khoa học để tránh những rủi ro xảy ra với bệnh nhân Parkinson.

Bác sĩ Ling Zhipei tại Trung Quốc đã thực hiện thành công ca phẫu thuật từ xa đầu tiên cho một bệnh nhân Parkinson qua kết nối 5G. (Ảnh: Unilad).

Bác sĩ Ling Zhipei tại Trung Quốc đã thực hiện thành công ca phẫu thuật từ xa đầu tiên cho một bệnh nhân Parkinson qua kết nối 5G. (Ảnh: Unilad).

Minh Vân (dịch)

Theo NTD

largeer