Vai diễn Bác Hồ- Thách thức với nhiều nghệ sĩ

Thứ hai, 03/09/2018, 15:58 PM

Chủ tịch Hồ Chí Minh là một đề tài lớn của văn học nghệ thuật nói chung và điện ảnh nói riêng. Hình tượng Bác Hồ từng được nhiều nghệ sĩ thể hiện cả ở sân khấu lẫn điện ảnh nhưng làm thế nào để vai diễn sống động, gần gũi với nguyên mẫu, nhưng vẫn tạo được nét riêng, khác biệt với các nghệ sĩ khác là điều không hề dễ dàng... Đảm nhận vai Bác Hồ là niềm vinh dự nhưng đồng thời cũng là thách thức với không ít nghệ sĩ.

NSND Tiến Hợi: Khó nhất là bắt chước giọng nói của Bác 

Empty

NSND Tiến Hợi có thể coi là diễn viên hóa thân thành Bác Hồ một cách thành công nhất. Tính tới nay, anh đã đảm nhận hơn 40 vai diễn về Chủ tịch Hồ Chí Minh tính cả trên 2 lĩnh vực sân khấu và điện ảnh.

Năm 1987, cơ duyên đến với nghệ sĩ Tiến Hợi khi đạo diễn Doãn Hoàng Giang tìm gương mặt mới thể hiện vai Bác Hồ trong vở kịch Đêm trắng. Dáng gầy, xương xương, lại quê gốc Nghệ An nên Tiến Hợi được ứng cử để hóa trang thử vai Bác Hồ. Không chỉ thuyết phục đạo diễn về vẻ ngoài của mình, với sự tìm tòi, đầu tư cho vai diễn, Tiến Hợi đã rất thành công, khán giả như thấy Bác trong từng dáng đi, giọng nói, vẻ suy tư... Thậm chí, anh còn nhận được lời khen tặng từ hai khán giả “đặc biệt”: Đại tướng Võ Nguyên Giáp và ông Vũ Kỳ - Thư ký riêng của Bác. Năm đó, nghệ sĩ Tiến Hợi 29 tuổi, vào vai Bác Hồ khi Bác đã 59 tuổi.

Sau đó, cái tên Tiến Hợi thực sự gắn với vai diễn Bác. Trên sân khấu kịch, kịch truyền hình, anh đã có khoảng 40 vai diễn về Bác ở đủ mọi mốc thời gian. Khán giả đặc biệt ấn tượng với vai thầy giáo Nguyễn Tất Thành trong bộ phim Hẹn gặp lại Sài Gòn hay  vai Bác trong bộ phim Hà Nội mùa đông năm 1946 mà anh thể hiện.

NSND Tiến Hợi từng chia sẻ, để thành công, ngoài dáng vẻ được hỗ trợ bởi hóa trang, suốt bao năm qua anh vẫn không ngừng sưu tầm tài liệu, nghe ghi âm, xem băng hình để hoàn thiện mình mỗi khi vào vai Bác.. Nghệ sĩ Tiến Hợi cho hay,khó khăn nhất của anh khi hóa thân thành Bác Hồ chính là làm sao bắt chước được giọng nói của Bác, anh đã dành rất nhiều thời gian để thu thập và nghiên cứu các tài liệu về Bác cũng thu băng giọng nói của Người để luyện tập ngày đêm với hy vọng mang tới cho khán giả những thước phim ấn tượng.

Khi được giao đóng vai thầy giáo Nguyễn Tất Thành trong phim “Hẹn gặp lại Sài Gòn”, nghe nói các trắc thủ phòng không thường được ưu tiên ăn gan lợn cho mắt sáng để quan sát, nghệ sĩ Tiến Hợi đã “ép” mình ăn gan lợn hàng tháng ròng để đôi mắt mình thể hiện được ánh mắt tinh anh của Bác Hồ. Và từ đó về sau, anh kiên quyết không nhận các vai phản diện để giữ mãi hình tượng thiêng liêng về Bác Hồ mà mình đã vinh dự được thể hiện.

NSND Bùi Bài Bình: Bùi Bài Bình đóng Bác Hồ mà cả giới điện ảnh ngạc nhiên

Empty

Năm 2014, NSND Bùi Bài Bình được đạo diễn Vương Đức mời đóng vai Bác Hồ năm 1947 trong Người tiên tri - bộ phim dài 100 phút chào mừng kỷ niệm 125 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Anh tâm sự: "Vào vai Hồ Chủ Tịch là sự tự hào nhưng cũng là thách thức đối với bất cứ diễn viên nào. Trước đây, đã có nhiều diễn viên thể hiện vai Bác. Khi tôi nhận được lời mời, có nhiều lời ủng hộ nhưng cũng không ít tiếng can ngăn từ bạn bè, đồng nghiệp. Đạo diễn Vương Đức còn đùa, mời Bùi Bài Bình đóng Bác Hồ mà cả giới điện ảnh ngạc nhiên".

Không có được ngoại hình giống Bác như nghệ sĩ Tiến Hợi, mỗi ngày, Bùi Bài Bình mất khoảng 5 tiếng hóa trang. Những hôm đông nhất có tới 5 người make-up, một người chuyên làm tóc, một người chuyên về đôi mắt, đắp mũi, một người làm tổng thể...

"Có những hôm, tôi dậy từ 4h để hóa trang và quay sớm trong rừng. Tôi có nhược điểm là hơi cao và béo hơn Người. Cụ lúc ấy cao 1,69 m, nặng 49 kg, còn tôi 56 kg. Thế là, cứ buổi sáng, tôi uống khoảng 2-3 cốc cà phê. Sau 3 tháng, tôi giảm được 3 kg. Trước đây, răng tôi khấp khểnh, hay đóng các vai hài, bây giờ phải làm lại hết" - Bùi Bài Bình chia sẻ và cho biết, thêm anh phải tranh thủ học tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga... để khi diễn có khẩu hình khớp với những câu thoại lồng tiếng nước ngoài.

Nhắc tới những khó khăn khi thể hiện vai diễn, Bùi Bài Bình tâm sự: "Tôi phải xem lại những vai diễn Bác Hồ được các nghệ sĩ khác thể hiện trước đó. Cái gì được mình chú ý khai thác, cái gì chưa đúng mình phải tránh. Đối với một diễn viên, việc bắt chước động tác, dáng đi quan trọng nhưng không bằng việc thể hiện yếu tố nội tâm trong con người Bác - một con người nhỏ bé, chỉ 49 kg nhưng có 9 năm lặn lội ở trên chiến khu miền Bắc". Với nghệ sĩ Bùi Bài Bình, vai diễn Hồ Chủ Tịch là một nén tâm nhang, một sự tri ân đối với vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc.

 NSƯT Trần Lực: Quan trọng là diễn cho ra  tinh thần Nguyễn Ái Quốc

Empty

Cũng như NSND Bùi Bài Bình, NSƯT, đạo diễn Trần Lực không có ưu thế về ngoại hình khi vào vai Tống Văn Sơ trong phim Nguyễn Ái Quốc ở Hong Kong nhưng các nhà làm phim đánh giá cao khả năng diễn xuất nội tâm của anh. Có thể nói Tống Văn Sơ cũng là vai diễn đặc biệt nhất trong chặng đường diễn xuất của nghệ sĩ Trần Lực.

Trần Lực cho biết, để đóng vai Bác Hồ thời trẻ, anh phải xem rất nhiều ảnh, phim tài liệu về Bác. Anh cùng đạo diễn Khắc Lợi đến Bảo tàng Hồ Chí Minh để xem những tư liệu về Bác thời kỳ Bác bị bắt ở Hong Kong. Thậm chí, Trần Lực còn tìm đến ông Vũ Kỳ - người từng làm thư ký của Bác để tìm hiểu về cuộc sống thường ngày, những thói quen, sở thích của Người.

“Tôi xem ảnh, phim tài liệu về Bác và cuối cùng đã tìm được một cách thể hiện để cho ra một Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh: Đôi mắt Bác luôn tập trung và… biết nói. Cùng với đạo diễn Khắc Lợi, chúng tôi đến Bảo tàng Hồ Chí Minh xem những tư liệu về Bác thời kỳ Bác bị bắt ở Hồng Công. Có thể nói tư liệu về thời kỳ này rất ít. Bác Vũ Kỳ (thư ký của Bác) đã tiếp tôi và đạo diễn Khắc Lợi, qua những câu chuyện về cuộc sống thường ngày của Bác, về những thói quen, sở thích… một phần nào tôi đã hình dung ra Bác: dung dị, dí dỏm, lịch lãm và đặc biệt rất yêu dân tộc Việt Nam.”- Trần Lực kể.

Trần Lực chia sẻ, cái khó với anh đóng vai Bác Hồ là diễn thế nào để khán giả tin đây là một Nguyễn Ái Quốc sống động, gần gũi như ngoài đời thực chứ không phải kiểu bắt chước một cách máy móc về dáng vẻ bên ngoài. “Nhiều đạo diễn khi chọn diễn viên, Họ không cần bề ngoài, dáng vẻ phải giống y như Bác. Tôi cũng rất đồng ý với quan điểm này. Điều quan trọng của vai diễn Bác Hồ là tinh thần Nguyễn Ái Quốc"- nghệ sĩ cho biết.

Diễn viên Mạnh Trường: Áp lực luôn hiện hữu vì sợ mình không thể hiện hết được thần thái của Bác

Empty

So với những diễn viên gạo cội ở trên, Mạnh Trường là một trong số không nhiều diễn viên trẻ thành công với vai bác Hồ. Nam diễn viên thuộc thế hệ 8X này gần đây đã  thể hiện vai Bác Hồ trong bộ phim Thầu Chín ở Xiêm - tác phẩm điện ảnh kể về quãng thời gian Bác Hồ hoạt động ở Thái Lan với bí danh Thầu Chín.

Khi đang đóng bộ phim Đường lên Điện Biên, Mạnh Trường nhận được lời mời của đạo diễn phim Bùi Tuấn Dũng cho vai Chủ tịch Hồ Chí Minh thời trẻ. Mạnh Trường bảo, lúc đó, anh rất ngỡ ngàng, cảm giác sung sướng xen lẫn chút hồi hộp, lo lắng. Được tái hiện hình ảnh Bác Hồ là cả một niềm vinh dự, tự hào lớn của người diễn viên trong nghiệp diễn. Tuy nhiên, áp lực luôn hiện hữu khi anh sợ, mình không thể hiện hết được thần thái của Bác.

“Bác Hồ là một lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, một con người rất đặc biệt, vừa cương quyết, mạnh mẽ vừa bao dung, ân cần, đôi khi lại khá dí dỏm, Thêm vào đó, trước đây có rất nhiều diễn viên gạo cội từng đảm nhận vai Bác Hồ. Vì thế, tái hiện hình ảnh chân thực về Bác và tạo nên dấu ấn riêng của bản thân mình trong vai diễn là một thách thức lớn đối với tôi" - Mạnh Trường chia sẻ

Ngoài việc tìm hiểu các tư liệu về Bác Hồ để chuẩn bị cho vai diễn, Mạnh Trường còn phải giảm 6 kg để có ngoại hình giống Người hơn. Tuy nhiên, điểm khó nhất đối với nam diễn viên khi tái hiện lại hình ảnh Bác Hồ trên màn ảnh là phải diễn sao cho đạt đến thần thái của Người. Sau khi phim ra mắt, vai Bác Hồ  của Mạnh Trường nhận được nhiều lời khen ngợi, đánh giá cao từ khán giả.

CHÂU GIANG

Theo Baodansinh

largeer