Vì sao điện ảnh Việt vẫn loay hoay với cơn “khát” kịch bản thuần Việt?

Thứ tư, 26/09/2018, 19:20 PM

Ở Việt Nam, chuyện “khát” kịch bản đối với phim chiếu rạp lẫn phim truyền hình đã trở thành câu chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi…”.

“Bài toán” lớn vẫn chưa tìm ra lời giải

Nhiều năm trở lại đây, bất kỳ hội thảo nào về điện ảnh, vấn đề khan hiếm kịch bản cũng được giới làm nghề đưa ra bàn thảo rất quyết liệt. Tuy nhiên, cho đến nay, “bài toán lớn” vẫn chưa tìm ra lời giải.

Thực tế cho thấy, những bộ phim hút khách của truyền hình Việt Nam thời gian gần đây đa phần dựa trên kịch bản nước ngoài. Nghĩa là từ kịch bản gốc của nước ngoài, các nhà làm phim Việt hóa để gần gũi với thị hiếu của khán giả Việt.

Ở lĩnh vực phim chiếu rạp cũng có không ít phim phải dựa trên kịch bản nước ngoài như: “Yêu” (dựa từ “The Love of Siam” của Thái Lan), “Em là bà nội của anh” (dự trên kịch bản gốc “Miss Granny” của Hàn Quốc), “Bạn gái tôi là sếp” (Việt hóa từ “ATM Er Rak Error” của Thái Lan), “Ngày mai Mai cưới” (dựa trên series hài “Get Married” của Indonesia), “Yêu em bất chấp” (làm lại từ “My Sassy Girl” của Hàn Quốc), “Sắc đẹp ngàn cân” (làm lại từ “200 Pounds Beauty” của Hàn Quốc), “Yêu đi đừng sợ” (làm lại từ “Spellbound” của Hàn Quốc), ... Một số ít trong số những bộ phim trong số này vẫn có lãi dù không nhiều nhưng đủ để nhà sản xuất tiếp tục tái đầu tư.

Tuy nhiên, đối với giới làm nghề, đây không phải là điều họ chờ mong trong việc thúc đẩy sự phát triển điện ảnh nước nhà. Bằng chứng là nhiều năm liền, giải thưởng Cánh diều của Hội Điện ảnh Việt Nam đã không trao giải cho những phim được làm từ kịch bản có yếu tố ngoại lai.

"Song Lang" một trong những phim hiếm hoi có kịch bản thuần Việt mà vẫn đảm bảo các yếu tố nghệ thuật.

Ông Đỗ Duy Anh - nguyên Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh Việt Nam từng cho biết rằng, trung bình một năm có khoảng 35 phim Việt Nam ra rạp. Tuy nhiên, chất lượng nội dung phim vẫn chưa đạt như mong muốn vì thiếu kịch bản hay và đây có thể là nguyên nhân khiến phim Việt mới chỉ chiếm 25% thị trường phim ảnh.

Điều đáng nói là vì sao thị trường điện ảnh Việt bao năm qua vẫn loay hoay hoặc luẩn quẩn với cơn “khát” kịch bản thuần Việt có đủ các yếu tố để kéo người xem đến rạp.

Đạo diễn Đặng Thái Huyền cho rằng, đội ngũ biên kịch của Việt hiện nay khá ít ỏi và những người đủ tầm sáng tạo kịch bản tốt lại càng đếm trên đầu ngón tay. Mỗi năm, các nhà sản xuất vẫn “đốt đuốc” đi tìm người viết kịch bản có nghề nhưng vô cùng khó. Thậm chí, nhiều nhà đầu tư sẵn sàng bỏ ra một khoản tiền không nhỏ để “mua chuộc” các nhà biên kịch danh tiếng nhưng số lượng kịch bản có thể làm phim kéo khách đến rạp không nhiều.

Thậm chí, vào năm ngoái, một “ông lớn” trong lĩnh vực phát hành và sản xuất phim còn tổ chức hẳn một cuộc thi “Tìm kiếm nhà biên kịch tài năng” để tìm ra những nhân tài mới trong lĩnh vực sáng tác kịch bản nhưng kết quả cũng không đáng kể. Gần 4000 bài dự thi gửi về trong vòng 3 tháng nhưng chỉ chọn được 6 kịch bản vào vòng chung kết. Và đến nay, trong 6 kịch bản đó vẫn chưa có kịch bản nào có thể triển khai thành phim.

Theo tìm hiểu, một kịch bản điện ảnh thuần Việt 90 phút hiện nay có giá 200-300 triệu đồng. Các nhà biên kịch danh có tên tuổi thậm chí có thể ra giá 300-400 triệu đồng. Giá khá cao nhưng chất lượng lại chưa đồng đều và xứng tầm.

Theo nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã, nếu trước đây khán giả có thể dễ dãi chấp nhận những bộ phim có kết cấu lỏng lẻo, nội dung nghèo nàn, tiếng cười “nhảm - nhạt”… thì bây giờ mọi thứ đã khác. Một bộ phim có thể kéo được khán giả đến rạp trước hết phải có một kịch bản tốt với câu chuyện mới lạ, kết cấu chặt chẽ, xử lý tình huống văn minh… Để làm được điều này trước hết đòi hỏi đội ngũ viết kịch bản phải là những người thực sự tâm huyết, có tài năng thực sự, luôn tạo ra sự mới mẻ trong sáng tạo và bắt kịp với xu thế thời đại.

Thiếu môi trường cho nhân tài phát triển?

Đạo diễn, NSND Nhuệ Giang cho rằng, nếu vì yếu tố doanh thu hoặc vì tình trạng khan hiếm kịch bản mà các nhà làm phim Việt cứ chạy theo trào lưu “Việt hóa kịch bản” sẽ khiến cho thị trường điện ảnh đi xuống. Việc tạo ra những giá trị mang tính giáo dục thông qua tác phẩm điện ảnh sẽ mất dần trong nay mai.

“Các nhà sản xuất hiện nay chỉ đáp ứng được cho khán giả một “món ăn” thôi đó là cười hoặc đấm đá hoặc liêu trai... Dần dần nó tạo ra một thế hệ khán giả rất thụ động vì họ không chịu suy nghĩ gì cả. Họ bỏ tiền vào rạp mua vé chỉ để giải trí”, đạo diễn Nhuệ Giang nhấn mạnh.

Theo NSND Nhuệ Giang, từ khi nhà nước chủ trương thúc đẩy điện ảnh tư nhân phát triển thì số lượng tác phẩm mỗi năm tăng lên nhưng chất lượng lại không đồng đều. Chỉ một số ít phim của nhà làm phim độc lập hoặc một vài phim của tư nhân đảm bảo giá trị nghệ thuật còn đa phần bị thương mại hoá. Trong đó, kịch bản được xem là “xương cốt” của phim lại thường không đủ các yếu tố để làm nên một bộ phim chất lượng.

“Rõ ràng sáng tác kịch bản đòi hỏi phải có tài năng nhưng bên cạnh đó cũng phải có môi trường. Môi trường dành cho những người sáng tác kịch bản điện ảnh hiện nay gần như không có.

Tôi nghĩ là một đất nước không thể không có tài năng, có chăng là ít hay nhiều thôi. Các bạn trẻ học tốt nghiệp các trường điện ảnh hàng năm vẫn có những nhân tố tài năng nhưng với môi trường như bây giờ thì không ai đủ kiên nhẫn để làm ra một tác phẩm điện ảnh nghệ thuật.

Tôi dạy sinh viên trong trường nên tôi biết các bạn trẻ bây giờ khá hoang mang. Các em biết làm phim nghệ thuật sẽ góp phần phát triển điện ảnh và mang lại nhiều giá trị cho đời sống nhưng lại không xin được tiền để làm phim. Làm phim nghệ thuật khó khăn muôn phần nên lâu dần các em thoái chuyển.

Đặc biệt, đời sống ngày nay mang đến một tâm lý rất vội vã. Ai cũng muốn chóng thành công và ai cũng muốn khẳng định tên tuổi nhưng lại không ai đủ kiên nhẫn xây dựng một kịch bản cho đúng tầm.

Đa phần các nhà sản xuất Việt Nam đều lắc đầu với phim nghệ thuật vì phim nghệ thuật không kéo được khán giả. Thời buổi bây giờ mà làm những được phim đầy tính nghệ thuật “Song Lang”, “Đảo của dân ngụ cư” là vô cùng hiếm hoi. Chắc Ngô Thanh Vân cũng hối hận vì phim “Song Lang” không có lãi. Kịch bản “Đảo của dân ngụ cư” của Hồng Ánh cũng thế. Nếu có quỹ của nhà nước hỗ trợ chắc chắn một số nhà làm phim sẽ đỡ khó khăn hơn để thúc đẩy dòng phim nghệ thuật phát triển.

Các phim bây giờ rất bình thường, chỉ đáp ứng được những thứ hấp dẫn bề ngoài thôi, nó không phải là cái nhìn sâu vào bên trong con người Việt. Đặc biệt nếu cứ nhìn vào mấy phim thương mại sẽ không ai biết văn hóa – lịch sử - đất và người Việt Nam như thế nào cả. Có những phim xem không hề có bóng dáng người Việt trong đó. Chẳng hạn phim “Em chưa 18”, những cô gái đó chỉ trong trí tưởng tượng thôi”, NSND Nhuệ Giang nói thêm.

Đạo diễn Lương Đình Dũng lại cho rằng, cần phải có môi trường thật sự chuyên nghiệp cho những người sáng tạo kịch bản. Trong môi trường đó, họ sẽ chuyên tâm vào sáng tạo mà không bị chi phối bởi “cơm áo gạo tiền”. Ngoài ra, cũng cần phải có sự bắt tay với các cơ sở đào tạo để thúc đẩy những nhân tố có tài năng, giúp họ phát huy được thế mạnh của mình khi còn ngồi trên ghế giảng đường.

Bên cạnh đó, các nhà sản xuất cũng không nên quá đặt nặng yếu tố doanh thu hoặc lấy doanh thu làm thước đo thành công của mỗi một bộ phim. Doanh thu cao chưa hẳn phim đã hay và doanh thu thấp chưa hẳn phim dở. Ở một khía cạnh khác, muốn có được một kịch bản tốt cũng cần phải có thời gian nghiền ngẫm, sáng tạo… nếu cứ sản xuất hàng loạt sẽ không bao giờ có thể tạo ra được những kịch bản có chiều sâu.

Hà Tùng Long

Theo Dantri

largeer