Vì sao khối ngoại ồ ạt đổ vốn vào BĐS Việt Nam?

Thứ bảy, 02/06/2018, 09:42 AM

5 tháng đầu năm nay, nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 17 ngành lĩnh vực, trong đó kinh doanh bất động sản là lĩnh vực đứng thứ hai về thu hút đầu tư.

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), 5 tháng đầu năm nay, nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 17 ngành lĩnh vực, trong đó kinh doanh bất động sản là lĩnh vực đứng thứ hai về thu hút đầu tư với tổng vốn đầu tư 1,07 tỷ USD, chiếm 10,8% tổng vốn đầu tư đăng ký. Điều gì đã làm nên sức hút của thị trường bất động sản Việt Nam đối với khối ngoại?

Ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội cho rằng sức hút của thị trường bất động sản Việt Nam được cấu thành từ cơ sở nền tảng vững chắc là tình hình kinh tế vĩ mô khả quan, cơ sở hạ tầng phát triển, sự cải thiện của các chính sách liên quan cũng như tiềm năng về lợi suất và giá trị vốn cao của các phân khúc.

Nền kinh tế vĩ mô Việt Nam đã quay lại đà hồi phục kể từ khi chạm đáy vào năm 2012. GDP liên tục tăng trưởng với tốc độ cao, khoảng 6%/năm trong 4 năm qua. Năm 2017, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 6,81%, vượt mục tiêu 6,7% đề ra trước đó. Điều này giúp Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng tốt nhất trong khu vực và trên thế giới.

Điều gì đã làm nên sức hút của thị trường bất động sản Việt Nam đối với khối ngoại?

Điều gì đã làm nên sức hút của thị trường bất động sản Việt Nam đối với khối ngoại?

Cùng với đó, việc chính phủ thực thi nhiều biện pháp nhằm kiểm soát lạm phát khiến lạm phát không còn là một nguy cơ với nền kinh tế như trước đây. Hiện tại, chính phủ đã đề ra những mục tiêu lạm phát chặt chẽ, dưới 5%/năm. Nhờ nỗ lực này, CPI đã tăng 3.53% trong năm 2017, nằm dưới mục tiêu 4%. Lạm phát ổn định như hiện nay là một điều kiện tốt cho nguồn vốn đầu tư cả trong và ngoài nước.

Những chủ trương về quy hoạch cơ sở hạ tầng cũng tạo ra một lực hút đáng kể cho thị trường bất động sản. Các dự án cải thiện cơ sở hạ tầng quan trọng vẫn tiếp tục được phát triển. Ví dụ như TP HCM đã tiến hành lên kế hoạch và xây dựng nhiều cây cầu kết nối với Thủ Thiêm từ các quận lân cận; tuyến đầu tiên của 6 tuyến tàu điện ngầm Hà Nội được lên kế hoạch vận hành vào năm 2018… Việc hoàn thiện dần các cơ sở hạ tầng và kết nối đường bộ tại các khu đô thị lớn cùng các thành phố vệ tinh sẽ giúp quá trình di chuyển vào nội thành được rút ngắn, là tiền đề cho sự hình thành của các dự án bất động sản trong những năm tới.

Bên cạnh đó, nỗ lực của chính phủ Việt Nam trong việc cải thiện khung pháp lý, các chính sách khuyến khích đầu tư đã tạo lối cho luồng vốn ngoại vào thị trường bất động sản. Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi cùng Luật Nhà ở sửa đổi năm 2014 đã cải thiện đáng kể triển vọng đầu tư của thị trường. Các điều luật này cho phép các doanh nghiệp nước ngoài tự do đầu tư, phát triển, vận hành và kinh doanh bất động sản trên tất cả các phân khúc. Khung pháp lý rõ ràng và nhất quán hơn đã khuyến khích các nhà đầu tư tìm kiếm cho mình vị trí trên thị trường Việt Nam.

Đặc biệt, bản thân các phân khúc của thị trường bất động sản Việt Nam cũng hứa hẹn nhiều tiềm năng đối với khối ngoại. Cơ cấu dân số trẻ, tầng lớp trung lưu tăng trưởng nhanh tạo ra một nguồn cầu lớn cho thị trường nhà ở. Các chủ đầu tư quốc tế từ nhiều năm trở lại đây đã tham gia vào phân khúc nhà ở, đem đến cho thị trường nhiều sản phẩm chất lượng và được khách hàng chào đón tích cực.

Thị trường văn phòng Hà Nội và TP HCM cũng là một phân khúc hấp dẫn với lợi suất cao nhất so với các thị trường văn phòng khác trên thế giới, tương ứng là 8,65% và 7,86%. Phân khúc bán lẻ cũng là một sản phẩm đầu tư hấp dẫn bởi Việt Nam vừa giành lại vị trí top 10 về chỉ số phát triển bán lẻ năm 2017 của AT Kearney. Mật độ bán lẻ tại Hà Nội và TP HCM hiện vẫn còn khá thấp so với các thành phố khác trong khu vực Châu Á, khiêm tốn ở mức 0,26 và 0,12m2 bán lẻ/người, hứa hẹn nhiều dư địa cho sự phát triển. Phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng bao gồm khách sạn, căn hộ khách sạn và biệt thự nghỉ dưỡng cũng đón nhận nhiều cơ hội từ sự tăng trưởng mạnh của ngành du lịch Việt Nam trong những năm qua.

Đại diện Saivlls cho rằng, trong tương lai, sức hút của thị trường bất động sản sẽ tiếp tục duy trì, thể hiện ở tăng trưởng FDI, tăng số lượng giao dịch M&A và tăng trưởng số lượng doanh nghiệp mới. Những nỗ lực của chính phủ Việt Nam trong việc đề xuất, ban hành và áp dụng những chính sách khuyến khích đầu tư cũng như cải thiện khung pháp lý tiếp tục là "đòn bẩy" để thị trường bất động sản Việt Nam trở thành địa chỉ hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài.

Thúy An

Theo Diễn đàn doanh nghiệp

largeer