Vì sao nhiều quốc gia thuê công ty Trung Quốc in tiền?

Thứ ba, 14/08/2018, 18:00 PM

Một doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc liên tục thắng thầu sản xuất ngoại tệ, trong khi Bắc Kinh đang nỗ lực mở rộng phạm vi ảnh hưởng về kinh tế và địa chính trị trên toàn cầu.

Nhu cầu sử dụng tờ tiền nhân dân tệ đang ngày càng giảm, nhưng các xưởng sản xuất tiền tệ ở Trung Quốc vẫn bận rộn với nhiều đơn đặt hàng từ nước ngoài. Ảnh: Bloomberg.

Nhu cầu sử dụng tờ tiền nhân dân tệ đang ngày càng giảm, nhưng các xưởng sản xuất tiền tệ ở Trung Quốc vẫn bận rộn với nhiều đơn đặt hàng từ nước ngoài. Ảnh: Bloomberg.

South China Morning Post dẫn nhiều nguồn tin từ Tập đoàn In và Đúc tiền Trung Quốc xác nhận các xưởng sản xuất của công ty này đang hoạt động hết công suất nhằm đáp ứng hạn mức cao bất ngờ được chính phủ cho phép trong năm nay.

Hầu hết hợp đồng in tiền đến từ các quốc gia tham gia chiến lược "Sáng kiến Vành đai, Con đường". Một nguồn tin giấu tên khẳng định đồng nhân dân tệ chỉ chiếm "tỷ lệ nhỏ trong số các đơn đặt hàng".

Trong phần giới thiệu, công ty thuộc sở hữu của nhà nước Trung Quốc cho biết họ là nhà sản xuất tiền lớn nhất thế giới về số lượng. Với hơn 18.000 công nhân, doanh nghiệp này có hơn 10 xưởng in, đúc tiền giấy và tiền xu được bảo mật nghiêm ngặt.

Trong khi đó, số công nhân làm việc tại Cục Chạm khắc và In ấn Mỹ chỉ bằng 1 phần 10 số công nhân của công ty trên. Tập đoàn De La Rue của Anh, công ty in ấn tiền lớn thứ 2 thế giới, chỉ có hơn 3.100 nhân viên tính đến cuối năm 2017.

Tiếp nhận đơn đặt hàng "khủng"

Trong vài năm gần đây, thanh toán di động tại Trung Quốc phát triển mạnh mẽ, làm giảm nhu cầu sử dụng tiền giấy. Từ thành phố lớn đến vùng nông thôn, điện thoại thông minh dần trở thành ví tiền, với việc ngày càng có nhiều người ưa chuộng thanh toán giao dịch tại các cửa hàng tạp hóa với phương pháp kỹ thuật số. Nhiều xưởng sản xuất tiền giấy và tiền xu bị "cho ra rìa".

Tuy nhiên, tình hình nhanh chóng thay đổi từ đầu năm nay.

Nhà máy 604, xưởng in ấn và đúc tiền lớn nhất Trung Quốc nằm tại Bảo Định, tỉnh Hà Bắc, bất ngờ hồi sinh sau khi nhận loạt đơn đặt hàng "khủng", theo một nhân viên làm việc tại đây. Nhà máy này là công ty con của Tập đoàn In và Đúc tiền Trung Quốc.

"Máy móc của chúng tôi hoạt động hết công suất trong nhiều tháng nay", một nhân viên khác nói. Lượng đơn đặt hàng tăng đột ngột cũng khiến công ty gặp nhiều khó khăn trong việc hoàn thành tiến độ.

Quy trình sản xuất tiền giấy bắt đầu bằng công đoạn chế biến sợi bông và vải lanh mịn thành bột giấy, sau đó gia công nguyên liệu này thành tiền và in dấu hiệu chống hàng giả. Quá trình này sử dụng rất nhiều hơi nước do các nhà máy địa phương cung ứng. Và với việc các xưởng in, đúc tiền hoạt động hết công suất, cả thành phố cũng phải chạy theo tốc độ sản xuất.

"Sự thiếu hụt hơi nước thực sự là một cơn đau đầu. Chúng tôi đã gửi đơn kiến nghị lên chính quyền và họ đang tìm giải pháp. Đến bây giờ thì sự thiếu hụt này không còn gây nhiều cản trở nữa", nhân viên thuộc Tập đoàn In và Đúc tiền Trung Quốc nói.

Nhiều quốc gia như Thái Lan, Bangladesh, Sri Lanka, Malaysia, Ấn Độ, Brazil và Ba Lan ký hợp đồng in tiền với công ty Trung Quốc. Ảnh: IANS.

Nhiều quốc gia như Thái Lan, Bangladesh, Sri Lanka, Malaysia, Ấn Độ, Brazil và Ba Lan ký hợp đồng in tiền với công ty Trung Quốc. Ảnh: IANS.

Một xưởng chế tác tiền giấy khác ở tỉnh Giang Tô cũng gặp phải tình trạng tương tự.

"Tình hình làm ăn năm ngoái thực sự khó khăn, chúng tôi gần như không có gì để làm và không còn lựa chọn nào khác ngoài việc in giấy chứng nhận kết hôn hoặc bằng lái xe để giữ máy móc không bị rỉ sét. Còn năm nay thì lượng công việc nhiều vô kể", một công nhân nói. Theo người này, hầu hết tiền giấy do công ty sản xuất không phải là đồng nhân dân tệ.

"Quy trình sản xuất mỗi đồng tiền khác nhau vì khách hàng không ai yêu cầu giống ai cả", nhân viên này nói.

Tham vọng mở cửa

Ông Liu Guisheng, chủ tịch Tập đoàn In và Đúc tiền Trung Quốc, cho biết trước đây, các doanh nghiệp Trung Quốc không sản xuất ngoại tệ. Nhưng điều này bắt đầu thay đổi vào năm 2013, khi Bắc Kinh công bố chính sách Vành đai, Con đường. Đây là kế hoạch phát triển toàn cầu nhằm mục tiêu kích thích tăng trưởng kinh tế, có liên quan đến hơn 60 quốc gia châu Á, châu Âu và châu Phi với nhiều dự án đầu tư và xây dựng cơ sở hạ tầng quy mô lớn.

Hai năm sau, Trung Quốc bắt đầu in ngoại tệ bằng việc sản xuất đồng 100 rupee cho Nepal. Từ đó, Tập đoàn In và Đúc tiền Trung Quốc tìm cách "nắm bắt cơ hội được sáng kiến BRI mang đến" và "đã thành công trong việc ký hợp đồng sản xuất tiền cho các quốc gia như Thái Lan, Bangladesh, Sri Lanka, Malaysia, Ấn Độ, Brazil và Ba Lan", ông Liu cho biết.

Nhưng đó có thể chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, số các nước thực sự đã thuê hoặc đang lên kế hoạch thuê Trung Quốc sản xuất tiền tệ có thể cao hơn nhiều, dựa vào một nguồn tin trong tập đoàn.

Một số quốc gia yêu cầu Bắc Kinh không công khai hợp đồng vì lo lắng những thông tin này có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia hoặc gây ra "những cuộc tranh luận không cần thiết trong nội bộ", nguồn tin cho biết.

Ông Hu Xingdou, giáo sư kinh tế tại Viện Bắc Kinh về Công nghệ, cho rằng bất cứ quốc gia nào ký hợp đồng in tiền với công ty Trung Quốc cũng có sự tin tưởng nhất định đối với chính phủ Trung Quốc.

"Bức tranh kinh tế toàn cầu đang trải qua nhiều sự thay đổi sâu sắc. Khi Trung Quốc trở nên lớn mạnh hơn, quốc gia này sẽ thách thức hệ thống giá trị do phương Tây thiết lập. Và việc in ngoại tệ là một bước tiến quan trọng", ông nói. "Tiền tệ là biểu tượng của chủ quyền quốc gia. Công việc này (in, đúc tiền) giúp (Trung Quốc) xây dựng lòng tin và thậm chí thiết lập các liên minh tiền tệ".

Empty

Theo SCMP, Bắc Kinh xem khả năng in ấn tiền tệ quan trọng đối với an ninh quốc gia tương tự chương trình phát triển bom nguyên tử, trong bối cảnh Trung Quốc lo sợ kẻ thù có thể sử dụng tiền giả nhằm phá hoại nền kinh tế đất nước.

Thị trường in, đúc tiền tệ đã bị các công ty phương Tây chiếm giữ độc quyền trong hơn một thế kỷ. Tập đoàn De La Rue của Anh có hơn 140 khách hàng là các quốc gia trên toàn thế giới, theo thông tin được ghi trên trang điện tử chính thức.

Một trong số những "người chơi" lớn khác là công ty Giesecke & Devrient của Đức, với khoảng 60 khách hàng, và công ty Crane Currency có trụ sở tại Mỹ đã có hơn 200 năm kinh nghiệm.Tham vọng của công ty Trung Quốc chính là chiếm lĩnh thị trường từ các công ty này, và họ đã dần làm được.

Giải quyết bài toán an ninh

Một trong những yếu tố các quốc gia phải cân nhắc khi quyết định sản xuất tiền ở nước ngoài chính là vấn đề an ninh. 7 năm trước, khi cựu tổng thống Libya Muammar Gaddafi bị lật đổ, chính phủ Anh tịch thu gần 1,5 tỷ USD trị giá đồng dinar của Libya, gây sự thiếu hụt tiền tệ tạo áp lực lên chính quyền.

Khi đó, số tiền này đang được công ty De La Rue sản xuất. Các cơ sở in tiền hiện đại có quy trình vô cùng phức tạp, đắt đỏ và thường áp dụng công nghệ cao nhằm giảm thiểu nguy cơ bị ăn cắp thông tin mật. Một số biện pháp đảm bảo an toàn gồm nhúng chỉ và băng kim loại vào tiền để ký hiệu giá trị hoặc sử dụng mực thay đổi màu sắc đòi hỏi mức phí khá cao. Nhiều nước không đủ khả năng chi trả cho toàn bộ số tiền họ cần.

Các nguồn tin tại Tập đoàn In và Đúc tiền Trung Quốc cho biết họ chiếm nhiều lợi thế hơn so với các đối thủ phương Tây nhờ tính năng bảo mật hiệu quả, đi kèm với giá cả cạnh tranh. Công ty Công nghệ An ninh Đặc biệt, công ty con của Tập đoàn In và Đúc tiền Trung Quốc, hiện là nhà cung ứng tính năng bảo mật tiền tệ lớn nhất thế giới, theo báo cáo thường niên của tập đoàn De La Rue.

Báo cáo này cho biết công ty Trung Quốc hiện sở hữu 1/3 thị trường bảo mật tiền tệ quốc tế, gấp 4 lần De La Rue.

Quầy thực phẩm cho phép thanh toán điện tử tại một khu chợ ở Trung Quốc. Ảnh: Simon Song.

Quầy thực phẩm cho phép thanh toán điện tử tại một khu chợ ở Trung Quốc. Ảnh: Simon Song.

Hiện nay, Trung Quốc là quốc gia duy nhất có khả năng thực hiện nghệ thuật chạm khắc Intaglio, tức in họa tiết chìm lên cả 2 mặt của tờ tiền. Năm 2015, các nhà nghiên cứu của Trung Quốc cũng chiến thắng giải thưởng phát minh quốc tế cho tính năng ColorDance, họa tiết 3D có khả năng tăng mức bảo mật của tiền giấy lên gấp bội với chi phí rẻ.

 Tuy nhiên, không phải ai cũng lạc quan với tương lai của ngành công nghiệp in và đúc tiền, trong bối cảnh dịch vụ thanh toán bằng thẻ tín dụng và điện thoại di động đang ngày càng phổ biến trên thế giới. Theo Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, chỉ có khoảng 10% lượt mua bán ở các cửa hàng bán lẻ được thực hiện bằng tiền mặt vào năm 2016.

Hiện nay, con số này có thể đã giảm. Số công nhân làm việc trong ngành công nghiệp in và đúc tiền cũng giảm hơn 2.500 người từ giữa năm 2013 đến cuối năm 2017. "Tôi sẽ không để con mình làm việc tại những nhà máy sản xuất tiền vì kỷ nguyên của tiền giấy và tiền xu sắp đến hồi kết thúc", một công nhân làm việc ở xưởng chế tác tại tỉnh Giang Tô cho biết. 

Chi Mai

Zing News/bizlive

largeer