Việt Nam đã giúp Campuchia 'thoát nạn diệt chủng' 40 năm trước

Thứ bảy, 05/01/2019, 11:12 AM

Thủ tướng nói phán quyết mới đây về cựu thủ lĩnh tập đoàn Pol Pot, "một lần nữa khẳng định chính nghĩa của quân tình nguyện Việt Nam".

Sáng 4/1, Hội Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và TP Hà Nội tổ chức lễ kỷ niệm 40 năm ngày chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và cùng quân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng (7/1/1979 - 7/1/2019).

Tham dự có Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu; Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng...

Phát biểu tại đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói vào năm 1975, ngay sau khi kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhân dân Campuchia chưa kịp hưởng hoà bình thì lại rơi vào bi kịch lớn của dân tộc. Tập đoàn Pol Pot đặt Campuchia trước thảm hoạ diệt chủng khủng khiếp chưa từng có trong lịch sử loài người, như Trung đoàn trưởng Hun Sen lúc đó đã nói "chúng ta chẳng còn gì ngoài hai bàn tay trắng và ngồi chờ cái chết".

"Hơn thế nữa, tập đoàn phản động Pol Pot còn đưa quân gây chiến tranh biên giới Tây Nam của Việt Nam, giết hàng chục nghìn dân thường, phần lớn là cụ già, phụ nữ, trẻ em, đốt cháy hàng vạn ngôi nhà, tài sản của người dân", Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu sáng 4/1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu sáng 4/1.

Sau khi đập tan chiến tranh xâm chiếm biên giới Tây Nam - Việt Nam của tập đoàn Pol Pot, theo yêu cầu của cách mạng Campuchia, quân tình nguyện Việt Nam đã sang giúp lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia giải phóng dân tộc khỏi nạn diệt chủng, khôi phục và xây dựng đất nước.

Đến ngày 7/1/1979, thủ đô Phnom penh đã được giải phóng, người dân Campuchia hoàn toàn thoát khỏi chế độ diệt chủng. Thủ tướng Hun Sen sau đó đã khẳng định "thắng lợi có được là do lực lượng cách mạng và nhân dân Campuchia kết hợp với sự giúp đỡ của quân tình nguyện Việt Nam".

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói, ngày 8/1/1979, Hội đồng nhân dân cách mạng Campuchia được thành lập và đề nghị quân tình nguyện Việt Nam tiếp tục cùng lực lượng vũ trang Campuchia truy quét tàn quân Pol Pot, củng cố chính quyền cách mạng, xây dựng đất nước. Lúc này, cùng với hoạt động quân sự, Việt Nam đã cử nhiều chuyên gia sang giúp Campuchia xây dựng chính quyền cơ sở, hỗ trợ vật chất giúp phục hồi kinh tế từ đống đổ nát do chế độ diệt chủng để lại. 

Lãnh đạo Chính phủ Việt Nam chia sẻ vinh dự khi "người dân Campuchia đã gọi những chiến sỹ quân tình nguyện Việt Nam là bộ đội nhà Phật". Thời điểm quân tình nguyện Việt Nam về nước, báo Nhân dân Campuchia ngày 29/6/1989 đã ra xã luận, có đoạn Trong những năm cực kỳ bi thảm dưới chế độ diệt chủng Pol Pot, trên thế giới này có không biết bao nhiêu kẻ mạnh, kẻ giàu, nhưng duy nhất chỉ có người bạn láng giềng nghèo Việt Nam đến cứu sống dân tộc ta mà thôi.

Thủ tướng cũng đề cập đến việc sau nhiều năm xét xử với hàng trăm nghìn tài liệu, chứng cứ, ngày 16/11/2018, phiên toà bất thường trong hệ thống toà án của Campuchia dưới sự bảo trợ của Liên Hợp Quốc đã ra phán quyết các cựu thủ lĩnh của tập đoàn diệt chủng Pol Pot phạm tội ác diệt chủng chống lại nhân loại.

"Dù 40 năm đã trôi qua, phán quyết này trả lại công lý cho những nạn nhân vô tội bị tàn sát bởi bè lũ diệt chủng Pol Pot và một lần nữa khẳng định tính chính nghĩa và sự giúp đỡ vô tư, trong sáng của quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia", ông khẳng định.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thăm hỏi sức khoẻ bà mẹ Việt Nam anh hùng - mẹ của chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam đã hi sinh ở Campuchia.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thăm hỏi sức khoẻ bà mẹ Việt Nam anh hùng - mẹ của chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam đã hi sinh ở Campuchia.

Tại buổi lễ, ông Tep Ngorn - Ủy viên Ban Thường vụ Ban chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Campuchia, Phó chủ tịch Thượng viện Vương quốc Campuchia đã thể hiện sự nhất trí với phát biểu của lãnh đạo Chính phủ Việt Nam.

"Trong thực tế, sự ủng hộ và giúp đỡ to lớn, kịp thời và hiệu quả của Việt Nam đã góp phần đưa đất nước Campuchia từ một quốc gia đắm chìm trong chiến tranh, khổ đau, điêu tàn trở thành một quốc gia hoà bình trọn vẹn, thống nhất và phát triển đất nước", ông Tep Ngorn nói.

Đại tá Nguyễn Dĩnh, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam-Campuchia, cựu quân tình nguyện cơ quan chính trị Bộ Tư lệnh 719 chia sẻ, năm tháng đã qua đi nhưng trong ông vẫn vẹn nguyên ký ức về cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia đầy khó khăn, gian khổ. Những hình ảnh về hàng chục nghìn người lính trẻ hăng hái lên đường ra tiền tuyến chiến đấu bảo vệ biên cương tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế; sự chăm sóc, chở che của Đảng, Nhà nước, của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Campuchia đối với người lính tình nguyện Việt Nam... khiến ông không bao giờ quên.

"Nhiều cán bộ, chiến sĩ Việt Nam đã về nước lấy hạt giống cùng nông dân Campuchia gieo trồng. Bộ đội tình nguyện và chuyên gia Việt Nam cùng nuôi dưỡng hàng nghìn trẻ em Campuchia mồ côi sau nạn diệt chủng, giúp bạn xây dựng trường học, bệnh viện, củng cố chính quyền nhân dân", ông nói.

Theo Đại tá Nguyễn Dĩnh, sau 7 đợt rút quân, ngày 27/9/1989, người lính cuối cùng đi qua cửa khẩu Mộc Bài về nước, đánh dấu ngày quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam "hoàn thành nghĩa vụ quốc tế vẻ vang trên đất nước Campuchia".

Hoàng Thùy-Gia Chính

Theo phapluatnet

largeer