Việt Nam "đi trước" nhưng chưa cạnh tranh nổi khi đưa rau quả vào EU

Thứ tư, 31/07/2019, 09:10 AM

Dù đã có Hiệp định thương mại với EU trước nhiều quốc gia xuất khẩu rau quả mạnh như Thái Lan, Trung Quốc. Tuy nhiên vẫn còn nhiều lo lắng cho ngành rau quả Việt khi xuất khẩu vào thị trường châu Âu bởi sự yếu kém về công nghệ chế biến, bảo quản sản phẩm phục vụ xuất khẩu sản phẩm giá trị cao.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (áo xám ở giữa) thông tin về tình hình xuất khẩu rau quả Việt Nam sang EU. Ảnh: Kim Ngọc

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (áo xám ở giữa) thông tin về tình hình xuất khẩu rau quả Việt Nam sang EU. Ảnh: Kim Ngọc

Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm, xuất khẩu hoa quả của Việt Nam sang EU đạt 78 triệu USD. Trong đó các nước nhập nhiều nhất lần lượt là. Hà Lan: 39 triệu, Pháp: 14 triệu USD, Đức: 8 triệu USD

“Những con số trên cho thấy kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang EU còn rất khiêm tốn chưa phản ánh được tiềm năng của nền nông nghiệp Việt Nam, khi EVFTA được ký kết mở ra thuận lợi cho Việt Nam đẩy mạnh kim ngạch xuất khẩu sang EU.”, ông Nguyên nói.

Ngoài ra trước nay xuất khẩu sang châu Âu bị khó ở thuế nhập khẩu dựa trên thuế CF (tiền hàng cộng tiền cước) sau đó nhân lên. Thuế mà EU đánh lên rau quả nhập của Việt Nam là từ 10-17%, khi có EVFTA sẽ giảm theo lộ trình dần về 0 sẽ làm sự cạnh tranh của rau quả Việt tăng lên so với các thị trường lân cận như Thái Lan, Trung Quốc vì các nước này chưa có FTA với châu Âu.

Tuy nhiên, tiêu chuẩn kỹ thuật của EU rất cao, quy định khắt khe về dư lượng hóa chất có trong sản phẩm. Các doanh nghiệp vượt qua nếu muốn xuất nhiều hàng vào châu Âu. Có những nước quy định trong những sản phẩm không được có quá 4 chất hóa chất trong sản phẩm. Vì khi quá 4 chất mà chưa vượt ngưỡng hàm lượng hóa chất vẫn không được chấp nhận. Hiện nay rau quả tươi xuất khẩu vào châu Âu không bằng sản phẩm qua chế biến, bởi đa phần người châu Âu thích sự tiện lợi. Ví dụ xuất bưởi sang châu Âu người ta ít mua vì người châu Âu cần sự tiện lợi. Thái Lan hơn Việt Nam vì những sản phẩm như bưởi, sầu riêng họ tách ra và bảo quản lạnh rồi xuất khẩu. Đòi hỏi vi sinh, công nghệ rất cao nhưng công nghệ chế biến của Việt Nam còn yếu và ít. Cả nước hiện nay cũng chỉ mới có 150 cơ sở chế biến rau quả, thiếu kỹ thuật, công nghệ bảo quản, công nghệ chế biến sâu. 

Vì thế nếu các doanh nghiệp Việt không đáp ứng được thì cũng không thể hưởng ưu đãi và cạnh tranh với các quốc gia khác.

Việt Nam chưa phát huy được các nông sản chế biến sâu để phục vụ xuất khẩu. Ảnh: Kim Ngọc

Việt Nam chưa phát huy được các nông sản chế biến sâu để phục vụ xuất khẩu. Ảnh: Kim Ngọc

Các chuyên gia đầu ngành khuyên, doanh nghiệp cần đảm bảo có nguồn nguyên liệu đảm bảo không vượt ngưỡng quy định của châu Âu. Đồng thời doanh nghiệp cần tạo ra vùng nguyên liệu riêng, ưu thế cho các doanh nghiệp có nông trại, vùng sản xuất riêng có thể kiểm soát được.  Hy vọng EU đầu tư hỗ trợ mạnh vào ngành nông nghiệp nhất là khâu chế biến, công nghệ chế biến, bảo quản.

Kim Ngọc

Theo PLN

largeer