Việt Nam đứng số một ASEAN về mức độ hấp dẫn đầu tư

Thứ tư, 18/04/2018, 10:08 AM

Theo Grant Thornton, phần lớn ý kiến khảo sát đều cho rằng, sự gia tăng của tầng lớp trung lưu và thu nhập khả dụng là yếu tố quan trọng nhất thúc đẩy đầu tư ở Việt Nam.

Đại gia bán lẻ Aeon Mall Nhật Bản đang đầu tư lớn tại Việt Nam

Đại gia bán lẻ Aeon Mall Nhật Bản đang đầu tư lớn tại Việt Nam

Theo đánh giá của Grant Thornton Vietnam trong báo cáo "Đầu tư tư nhân ở Việt Nam - Kỳ vọng tăng trưởng", với tăng trưởng kinh tế cao, ổn định, Việt Nam đang trở thành thị trường tiềm năng cho các sản phẩm tiêu dùng, bán lẻ. Tuy nhiên sự thiếu nhất quán về chính sách, quy trình đầu tư lại đang là những rào cản lớn đối với hoạt động đầu tư tư nhân.

Báo cáo cho biết, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 6,81% trong năm 2017. Đây là mức cao nhất trong 10 năm qua và vượt 0,1% so với mục tiêu ban đầu của Chính phủ.

Tốc độ tăng trưởng GDP đạt thấp trong quý I/2017 (5,1%) nhưng tăng trở lại vào quý III (7,46%) và quý IV (7,65%), giúp Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á.

Theo Grant Thornton, mức tăng trưởng kinh tế thần kỳ của mà Việt Nam đạt được là nhờ động lực từ xuất khẩu, đầu tư trực tiếp nước ngoài và tăng trưởng khu vực sản xuất. Tổng vốn FDI đăng ký đạt 35,9 tỷ USD trong năm 2017, mức kỷ lục trong một thập kỷ qua. 

Doanh thu xuất khẩu đạt 214 tỷ USD, tăng 21% so với năm 2016, thặng dư thương mại đạt 2,7 tỷ USD. Sản lượng ngành sản xuất đạt mức tăng trưởng 14,4%1 v Nền kinh tế Việt Nam được kỳ vọng là sẽ tiếp tục tăng trưởng tích cực. 

Năm 2018, tăng trưởng GDP được dự báo đạt 6,5 – 6,7%. Tỷ lệ lạm phát được dự báo ở mức 4%, cao hơn mức lạm phát của năm 2017 (tức 3,5%) do rủi ro tăng giá cả hàng hóa. 

Tuy nhiên, những thách thức đối với nền kinh tế vẫn còn tồn tại, và có nguy cơ đang đe dọa triển vọng kinh tế năm 2018. Những thách thức đó bao gồm vấn đề nợ xấu của các Ngân hàng, thị trường bất động sản tăng trưởng chậm lại, và sự gia tăng của các chính sách bảo vệ thương mại của các nền kinh tế phát triển.

Theo Grant Thornton, năm 2018, mức độ tự tin vào triển vọng đầu tư tại Việt Nam tăng lên đáng kể so với năm 2017. 

Trong khi 86,7% ý kiến khảo sát, tương đương với kết quả khảo sát năm ngoái dự báo mức độ hoạt động đầu tư ở Việt Nam sẽ gia tăng, tỷ lệ số người dự báo ‘tăng đáng kể’ đã tăng từ mức 8,7% lên 28,9% theo kết quả khảo sát năm nay. 

Đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục là động lực chính cho nền kinh tế. Tổng vốn FDI đăng kí đã đạt mức cao kỷ lục 35,9 tỉ USD vào năm 2017, tăng 44,4% so với năm 2016. Trong đó, đầu tư FDI đầu tư FDI trong ngành công nghiệp chế biến và chế tạo đóng góp tỷ trọng cao nhất 44,3%. 

Nhật Bản và Hàn Quốc tiếp tục là nguồn tài trợ FDI lớn nhất, chiếm lần lượt 25,4% và 23,7% tổng vốn FDI đăng ký năm 2017. Đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) cũng đã ghi nhận mức cao nhất trong 10 năm trở lại đây khi giá trị mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam đạt 1,2 tỷ USD. 

Năm 2018, tổng vốn FDI giải ngân được kỳ vọng sẽ tăng trưởng ở mức hai chữ số, nhờ lượng lớn FDI đã đăng ký năm 2017. Việc đàm phán một số hiệp định thương mại bao gồm CPTPP, RCEP và EVFTA dự kiến kết thúc năm 2018 sẽ trở thành động lực tăng FDI. 

Trái lại, việc Hoa Kỳ cắt giảm thuế thu nhập doanh nghiệp có thể sẽ đẩy nguồn vốn ra khỏi các đối tác thương mại của Mỹ, trong đó có Việt Nam. 

Hoạt động đầu tư tiếp tục gia tăng 87% ý kiến khảo sát tin tưởng rằng hoạt động đầu tư tại Việt Nam sẽ tiếp tục gia tăng. Việt Nam tiếp tục trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư khi so sánh với các nước láng giềng. 

Việt Nam được lựa chọn là điểm đến hấp dẫn nhất, với 28% ý kiến khảo sát, tiếp theo sau là Myanmar và Indonesia cùng với 15% ý kiến lựa chọn. Theo Báo cáo Cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) 2017 - 2018, Việt Nam xếp thứ 55 trong số 138 nền kinh tế được xếp hạng về năng lực cạnh tranh, tăng 5 bậc so với năm 2016-2017.

Thị trường tiềm năng cho các sản phẩm tiêu dùng, bán lẻ

Theo báo cáo của Grant Thornton, phần lớn ý kiến khảo sát chọn “sự gia tăng của tầng lớp trung lưu và thu nhập khả dụng” là yếu tố quan trọng nhất thúc đẩy đầu tư ở Việt Nam. 

Một nghiên cứu từ nhóm tư vấn Boston dự báo rằng, số lượng người tiêu dùng trung lưu và khá giả ở Việt Nam sẽ tăng gấp đôi từ 12 triệu người vào năm 2012 lên 33 triệu người vào năm 2020. 

Trong giai đoạn từ 2010 đến 2016, GDP bình quân đầu người Việt Nam đã tăng 64%, trong khi thu nhập khả dụng bình quân hộ gia đình đã tăng khoảng 46% từ 2.613 USD lên 3.822 USD.

Tăng trưởng thu nhập khả dụng, cùng với triển vọng kinh tế sáng sủa của Việt Nam và mức lạm phát ổn định trong nhiều năm qua đã góp phần tăng sự tự tin của người tiêu dùng. Nhờ đó, tăng mức độ chi tiêu của họ. Tổng chi tiêu của người tiêu dùng tăng hơn 80% từ mức 80 tỷ USD năm 2010 lên mức 146 tỷ USD trong năm 2016.

Với tốc độ tăng trưởng này, Việt Nam đã trở thành một thị trường tiềm năng cho các sản phẩm tiêu dùng và các ngành thúc đẩy bởi tiêu dùng như thực phẩm và đồ uống, bán lẻ, dịch vụ, các sản phẩm công nghệ cao. 

Ngoài ra, tăng trưởng kinh tế cao và ổn định cùng với mức lạm phát ổn định là hai yếu tố được đánh giá có ảnh hưởng lớn tới quyết định đầu tư vào Việt Nam theo kết quả khảo sát. Những yếu tố tích cực này góp phần giảm đáng kể đánh giá rủi ro đối với các khoản đầu tư vào Việt Nam.

Thiếu minh bạch là rào cản lớn đối với hoạt động đầu tư tại Việt Nam

Theo Grant Thornton, trong năm 2017, Chính phủ đã có những nỗ lực đáng kể để cải thiện môi trường kinh doanh và thu hút đầu tư. Tháng 9/2017, Bộ Công thương đã ban hành Quyết định số 3610a/QĐ-BCT nhằm đơn giản hóa quy trình, thủ tục đầu tư bằng việc cắt giảm 675 điều kiện đầu tư, chiếm 55% tổng số điều kiện hiện hành. Chính phủ cũng mở một số ngành để thu hút đầu tư thông qua hình thức M&A và liên doanh. 

Tuy nhiên, các rào cản đối với hoạt động đầu tư vẫn còn tồn tại, đáng kể nhất là sự thiếu nhất quán và minh bạch của các chính sách, quy trình và quy định đầu tư.

Mặc dù quy định không có phân biệt đối xử đối với các nhà đầu tư nước ngoài, nhưng cơ hội đầu tư vào Việt Nam vẫn bị hạn chế bởi sự thiếu minh bạch trong quy trình làm việc với các cơ quan quản lý. 

Nhiều khi các thủ tục cấp phép phức tạp đòi hỏi các nhà đầu tư phải được sự chấp thuận của nhiều bộ, cơ quan và chính quyền địa phương khác nhau, cũng như cách xử lý khác biệt của các cơ quan này trong cách diễn giải các luật và quy định đầu tư.

Liên quan đến vấn đề tham nhũng, theo Tổ chức Minh bạch Quốc tế, chỉ số nhận thức tham nhũng (CPI) của Việt Nam đã tăng từ 33 điểm (năm 2016) lên 35 điểm (năm 2017) và xếp hạng 107 trong số 180 nước - tăng 6 bậc so với năm 2016. Điều này đã cho thấy những bước đi tích cực trong quá trình chống tham nhũng. 

Tuy nhiên, xếp hạng 107 trên 180 trong một chỉ số toàn cầu cho thấy tham nhũng vẫn là một trong những thách thức đáng kể. 

Giới hạn đầu tư nước ngoài cũng là vẫn còn một vấn đề trở ngại. Mặc dù Chính phủ đã có những nỗ lực để tháo bỏ hoặc nâng giới hạn sở hữu nước ngoài nhằm thúc đẩy quá trình cổ phần hóa và bán vốn doanh nghiệp nhà nước, giới hạn sở hữu nước ngoài vẫn còn tồn tại đối với một số công ty niêm yết và ngành dịch vụ được coi là hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài.

Minh Anh

Theo theleader

largeer