VinFast Fadil giá ưu đãi chỉ khoảng 250 triệu đồng?

Thứ ba, 27/11/2018, 08:53 AM

VinFast Fadil có giá ưu đãi 336 triệu đồng/chiếc. Nếu so với các nước trong khu vực Asean, mức giá này không hề rẻ. Một tính toán cho thấy, VinFast Fadil giá ưu đãi chỉ khoảng 250 triệu đồng khi gánh nặng về thuế không còn hoặc phải có những chính sách “ưu đãi” nhất định, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nâng cao tỷ lệ nội địa hóa trong lĩnh vực này.

Giữa bối cảnh giá xe ô tô vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, sự xuất hiện của Vinfast Fadil đang là tâm điểm của thị trường và có rất nhiều lợi thế khi nhận được sự ưu ái lớn của truyền thông. Tuy nhiên, nếu đánh giá kỹ, giá xe của Vinfast vẫn chưa thật sự làm thoả mãn được nỗi lòng của giới mộ điệu - những con người đang khao khát Việt Nam sẽ có những chiếc xe ô tô giá “hời”.

Bởi so sánh với các nước trong khu vực Asean, một sân chơi phẳng không tồn tại thuế nhập khẩu thì phân khúc xe hatback tại VN không hề rẻ. Điển hình, các thương hiệu như Toyota Agya, Daihatsu Ayla, Suzuki Karimun Wagon R và Honda Brio Satya... đều chỉ có giá bán bình quân 7.500 USD - 12.000 USD/chiếc (170 triệu đồng - gần 300 triệu đồng/chiếc) tại Indonesia và Malaysia.

Thương hiệu nội địa Perodua, chiếc hatchback giá rẻ nhất là Perodua Bezza cũng chưa đến 210 triệu đồng/chiếc.

Thiên đường không thuế

Theo góc nhìn của anh Thái Sơn, người có nhiều năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh ô tô thì các loại thuế phí áp trong lĩnh vực lắp ráp, sản xuất ô tô của Việt Nam còn rất lớn khiến cho giá thành xe không thể “thấp” như kỳ vọng của người dân.

Đặc biệt khi linh kiện phụ tùng chủ yếu vẫn phải nhập khẩu thì bài toán giá thành vẫn khiến các nhà sản xuất phải cân đo đong đếm rất nhiều.

Hiện nay, ô tô bán trên thị trường trong nước phải chịu 3 loại thuế bắt buộc, gồm thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng.

Thuế nhập khẩu linh kiện: 5%-25%

Thuế tiêu thụ đặc biệt: 35% -150%

Thuế giá trị gia tăng (VAT) 10%

Empty

Theo tính toán của anh Thái Sơn, thuế đang chiếm tỷ lệ từ 40-60% trong giá bán một chiếc xe con có dung tích xi lanh dưới 3.0L và  với dung tích từ 3.0L trở lên đang phải chịu mức thuế tiêu thụ đặc biệt cao từ 90%-150%.

Với 3 mẫu xe của VinFast giá trị lần lượt là 1,818 tỷ đồng dành cho chiếc Lux SA 2.0 (SUV); 1,366 tỷ đồng Lux A 2.0 (sedan) và 423 triệu đồng cho Fadil 1.4L, chưa có thuế giá trị gia tăng (VAT). Tính toán dựa trên mức thuế nhập khẩu bộ linh kiện và thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định trên thì hai loại thuế này đã chiếm từ 30-35% giá bán xe, tương đương với trên 600 triệu đồng cho mẫu Lux SA 2.0, gần 500 triệu đồng cho mẫu Lux A 2.0 và khoảng 120 triệu đồng cho mẫu Fadil 1.4L.

Tuy nhiên, theo mức giá ưu đãi đang được VinFast của tỷ phú Phạm Nhật Vượng áp dụng trong thời điểm hiện tại, 1,136 tỷ đồng với Lux SA 2.0, 800 triệu đồng với Lux A 2.0 và 336 triệu đồng với Fadil, chỉ tính riêng thuế tiêu thụ đặc biệt chiếc Lux A 2.0 đã phải gánh trên 228 triệu đồng, Fadil gánh 87 triệu đồng, còn Lux SA 2.0 thì nhiều hơn...

Khi đến tay người tiêu dùng, họ còn phải gánh thêm 10% thuế VAT tương đương với 880 triệu Lux A 2.0, xe rẻ nhất là Fadil cũng lên tới 370 triệu đồng/chiếc.

Như vậy, nếu không thuế tiêu thụ đặc biệt, không thuế nhập khẩu, không VAT thì giá 1 chiếu Fadil của VinFast ưu đãi sẽ chỉ còn chưa đến 250 triệu/đồng. Mức giá này là mơ ước của không ít người dân Việt Nam.

… hoặc có cơ chế hỗ trợ

Ở góc nhìn của 1 chuyên gia thuế và hải quan, Tiến sĩ Nguyễn Đình Chiến cho rằng, hiện tại lĩnh vực chế tạo, lắp ráp ô tô của Việt Nam đang cõng nhiều loại thuế song đó là chính sách chung từ trước đến nay. Mỗi loại thuế đều có những mục tiêu riêng nên cũng không thể nói rằng thuế chồng thuế dẫn tới giá xe tại Việt Nam là cao so với các nước trong khu vực.

Song, rõ ràng 1 khi chính sách thuế còn hiện hữu thì giá xe chỉ có thể giảm thấp khi VinFast sản xuất cả động cơ trong nước. Theo 1 tính toán cho thấy, khi tỷ lệ nội địa hóa khoảng 70%, giá xe sẽ giảm khoảng 30%

   

Một chiếc xe nội địa do Vinaxuki thiết kế nằm trước cửa văn phòng tại Đông Anh, Hà Nội, tháng 8/2018 (Vietnamnet)

Một chiếc xe nội địa do Vinaxuki thiết kế nằm trước cửa văn phòng tại Đông Anh, Hà Nội, tháng 8/2018 (Vietnamnet)

Nhớ lại câu chuyện của Xuân Kiên – Vinaxuki, 1 doanh nghiệp chuyên sản xuất xe tải, xe bán tải do ông Bùi Ngọc Huyên làm Chủ tịch.

Với ông Huyên, mục tiêu của Vinaxuki ngay từ đầu là làm được cái xe nội địa hóa cho đất nước, giảm giá cho người dân. Không sản xuất được mà phải đi nhập khẩu về lắp ráp thì không bao giờ có xe giá rẻ.

Thế nhưng, đúng vào giai đoạn khủng khoảng, công ty thua lỗ lại là thời điểm Vinaxuki đạt tỷ lệ nội địa hóa 40%, làm ra một mẫu xe 8 chỗ và 2 mẫu xe 5 chỗ và chuẩn bị đưa vào sản xuất, cũng là lúc ngân hàng đồng loạt cắt vốn lưu động đối với doanh nghiệp.

Khó khăn ập đến, ông Huyên đi hết ngân hàng này đến ngân hàng khác để vay nhưng chỉ nhận được những cái “lắc đầu”. Thậm chí, theo vị Chủ tịch này ngân hàng không cho vay còn không giải thích cho doanh nghiệp biết lý do.

Chủ tịch Vinaxuki Bùi Ngọc Huyên trong văn phòng công ty tại Đông Anh, Hà Nội tháng 8/2018. Ở tuổi 76 ông vẫn mơ về ôtô nội địa hóa (Vietnamnet)

Chủ tịch Vinaxuki Bùi Ngọc Huyên trong văn phòng công ty tại Đông Anh, Hà Nội tháng 8/2018. Ở tuổi 76 ông vẫn mơ về ôtô nội địa hóa (Vietnamnet)

Cũng phải nói thêm rằng, dòng vốn dành cho các công ty sản xuất, nội địa hoá lĩnh vực ô tô tối thiểu thường là 10 năm đến 20 năm, nhất là ngành sản xuất ô tô phải đầu tư công nghệ cao, máy móc tự động. Thế nhưng thời đó ngân hàng chỉ cho vay từ một năm đến 3 năm.

Kể ra như vậy để thấy rằng, giấc mơ nội địa hóa để có những chiếc xe giá rẻ không hề đơn giản đối với DN trong lĩnh vực này, kể cả VinFast của tỷ phú Phạm Nhật Vượng nếu không có cơ chế phù hợp từ phía cơ quan quản lý Nhà nước.

Trong một buổi thảo luận tổ tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cũng từng nêu quan điểm cho rằng, cơ quan quản lý Nhà nước trong thời gian tới cần có thể chế, chính sách để hỗ trợ Vingroup trong ngành lắp ráp, chế tạo ô tô với tư cách họ là một doanh nghiệp Việt Nam, thương hiệu Việt Nam?

"Nếu chúng ta không xác định được, Chính phủ không báo cáo được Quốc hội để định ra chính sách thì VinFast sẽ gặp khó khăn. Chúng ta có cần đề xuất Chính phủ ngay trong tháng 5/2019 làm Luật về công nghiệp hỗ trợ không? Chúng ta vẫn thiếu vắng thể chế để hỗ trợ cho chính sách phát triển như vậy”, TS. Nguyễn Đức Kiên băn khoăn.

Còn trong quá trình góp ý dự thảo Luật chứng khoán (sửa đổi), TS. Cấn Văn Lực cũng bày tỏ sự băn khoăn khi nhắc tới trường hợp VinFast của tỷ phú Phạm Nhật Vượng.

“Chúng ta yêu cầu doanh nghiệp hoạt động phải có lãi. Nhưng nhiều doanh nghiệp startup có thể sẽ lỗ trong 2, 3 năm đầu hoạt động, nhưng tiềm năng cực kỳ lớn. Ví dụ VinFast, trong 5 - 10 năm đầu họ có thể chịu lỗ, nhưng về lâu dài, với tiềm năng lớn, họ có thể có lãi. Không cho phép họ huy động vốn, chào bán ra công chúng thì làm như thế nào?”, ông Lực đặt câu hỏi.

Không làm được những điều trên, thì người Việt Nam đừng bao giờ “mơ” tới những chiếc xe giá rẻ mang thương hiệu Việt?

Huyền Anh

Theo Dân Việt

largeer