Vingroup liên tục thâu tóm chuỗi siêu thị, thị trường bán lẻ Việt sẽ thế nào?

Thứ hai, 08/04/2019, 15:29 PM

Đã qua rồi thời kỳ chỉ các tập đoàn nước ngoài mới đủ tiềm năng thâu tóm doanh nghiệp. Vingroup làm mọi người ngạc nhiên khi liên tục mua lại các chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện lợi. Trước động thái này của Vingroup, nhiều người đặt ra câu hỏi thị trường bán lẻ Việt sẽ như thế nào?

Vinmart và Vinmart+ đang là chuỗi siêu thị lớn nhất ngành bán lẻ Việt Nam.

Vinmart và Vinmart+ đang là chuỗi siêu thị lớn nhất ngành bán lẻ Việt Nam.

Vingroup mua lại Shop&Go với giá 1 USD!

Ngày 2/4, thị trường bán lẻ xôn xao trước thông tin Công ty VinCommerce - công ty con của Tập đoàn Vingroup đang quản lý hệ thống bán lẻ VinMart và VinMart+ sẽ nhận chuyển nhượng chuỗi 87 cửa hàng Shop&Go với giá tượng trưng... 1 USD.

CTCP Cửa hiệu và Sức sống là chủ sở hữu chuỗi cửa hàng tiện lợi được thành lập năm 2005 và hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh bán lẻ hàng tiêu dùng này. Không ồn ào như nhiều chuỗi bán lẻ khác nhưng sau 14 năm hoạt động, Shop&Go đã có 87 cửa hàng hoạt động, trong đó 70 cửa hàng ở TP.HCM và chỉ có 17 địa điểm ở Hà Nội.

Shop&Go - hoạt động theo mô hình tiện lợi mở cửa 24/24h cung cấp hàng tiêu dùng, đồ ăn nhanh. Shop&Go còn có dịch vụ như máy rút tiền tự động ATM, bán thẻ nạp điện thoại... Dù có mô hình hiện đại, hợp xu hướng nhưng Shop&Go vẫn chưa ghi được dấu ấn rõ nét với người tiêu dùng.

Sau 11 năm hoạt động, đến cuối năm 2016, Công ty Cửa hiệu và Sức sống gánh lỗ lũy kế lên đến 38,6 tỷ đồng. Ngoài ra, để vận hành được chuỗi Shop&Go, công ty này chủ yếu dựa vào vốn vay.

Thị trường bán lẻ Việt Nam được đánh giá là còn rất nhiều tiềm năng, tuy nhiên có lẽ do nhận thấy sức cạnh tranh của mình là không cao, Công ty Cửa hiệu và Sức sống đã hạn chế thiệt hại của mình bằng cách bán lại chuỗi Shop&Go cho VinCommerce với mức giá tượng trưng.

Đây không phải lần đầu tiên Vingroup thực hiện các thương vụ M&A (mua bán và sáp nhập). Năm ngoái, Vingroup đã thâu tóm thành công CTCP Đầu tư Nhất Nam, đơn vị sở hữu hệ thống siêu thị Fivimart và chuỗi bán điện thoại Viễn Thông A. Fivimart được chuyển giao cho VinCommerce, còn Viễn Thông A được quản lý bởi VinPro.

Shop&Go vừa về tay Vingroup với giá... 1 USD.

Shop&Go vừa về tay Vingroup với giá... 1 USD.

“So găng” đối thủ ngoại

Khoảng 10 năm trước đây, thị trường bán lẻ Việt Nam được “mặc định” thuộc về các ông lớn nước ngoài như Big C, Metro... Ở các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội, khái niệm “đi siêu thị” đồng nghĩa với việc đi mua sắm tại Metro hoặc Big C. Những đơn vị nhỏ như Fivimart, Citimart có vị trí rất khiêm tốn.

Khi “cuộc chiến” bán lẻ trở nên khốc liệt, khi Metro và Big C được “rao bán”, doanh nghiệp nội cũng “chen chân” thâu tóm nhưng bất thành. “Đai gia” Thái Lan mới là người làm chủ “cuộc chiến”.

Đầu năm 2016, Tập đoàn TCC Holdings của Thái Lan đã trở thành chủ mới của Metro Việt Nam sau khi chi 655 triệu euro. Cũng trong năm 2016, Central Group vượt qua nhiều đối thủ khác để thâu tóm Big C Việt Nam với mức giá 920 triệu euro. Saigon Co.op, một doanh nghiệp Việt đã thua cuộc trong “cuộc chiến” thâu tóm Big C. Trước đó, Central Group đã mua 2 thương hiệu bán lẻ đình đám khác là Nguyễn Kim và Zalora.

Liên tục thâu tóm chuỗi bán lẻ “khủng” tại Việt Nam, đại gia Thái Lan được tin rằng sẽ làm chủ thị trường bán lẻ Việt. Thế nhưng, Vingroup đã “cân bằng” lại thị trường. Vừa tự mình phát triển chuỗi VinMart và VinMart+, Vingroup vừa thực hiện nhiều thương vụ M&A trong ngành bán lẻ để giảm sức ảnh hưởng của đại gia ngoại.

Bình luận về việc Vingroup thực hiện hàng loạt thương vụ M&A, TS. Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế khẳng định: “Đây là hoạt động kinh doanh bình thường. Các doanh nghiệp có thể thực hiện các hoạt động M&A trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là bán lẻ, lĩnh vực được đánh giá là rất có tiềm năng. Thị trường bán lẻ Việt Nam đứng thứ 5 trên thế giới” về tăng trưởng.

Bên cạnh đó, theo ông Phong, động thái thâu tóm của Vingroup còn là cách khẳng định thương hiệu Việt. Doanh nghiệp nước ngoài đã mua nhiều chuỗi bán lẻ rồi, bây giờ thương hiệu Việt cũng mua như một lời khẳng định thương hiệu Việt đủ năng lực cạnh tranh. Thêm vào đó, chuỗi siêu thị của Vingroup được mở rộng, các thương hiệu tiêu dùng của Việt  Nam cũng thêm nhiều cơ hội bước chân vào chuỗi bán lẻ rộng khắp.

Hiên VinCommerce là hệ thống bán lẻ nhiều nhất Việt Nam với 108 siêu thị VinMart, khoảng 1.900 cửa hàng tiện lợi VinMart+ trên toàn quốc.

Vy Vy

Theo NTD

largeer