Vụ 1.709 “bộ não” nồi cơm điện nhập lậu: Thêm một thương hiệu lừa dối khách hàng?

Thứ sáu, 23/03/2018, 09:33 AM

1.709 mâm nồi cơm điện do Công ty Minh Khoa nhập từ Trung Quốc đang khiến dư luận đặt câu hỏi: Liệu đây là dấu hiệu của tội “buôn lậu” nhằm trốn thuế hay là dấu hiệu “lừa dối khách hàng”?

Biên bản của Đội QLTT huyện Củ Chi.

Biên bản của Đội QLTT huyện Củ Chi.

Như Báo Người Tiêu Dùng phản ánh, 1.709 mâm điện (“bộ não” nồi cơm điện) của Công ty TNHH Cơ điện Minh Khoa nhập từ Trung Quốc, không hóa đơn chứng từ đã bị Đội Quản lý thị trường (QLTT) huyện Củ Chi, TP.HCM tạm giữ và đại diện công ty này thừa nhận, đã mua hơn 1.700 mâm điện trôi nổi trên trên thị trường về sản xuất nên không có hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định.

Sau thông tin trên, rất nhiều người tỏ ra hoang mang và hoài nghi về chất lượng sản phẩm “nồi cơm điện Kim Cương” do Công ty Minh Khoa sản xuất, trong khi thương hiệu này đang được bình chọn là “hàng Việt Nam chất lượng cao”?

Luật sư Trần Minh Hùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Gia Đình (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng, Minh Khoa đã lừa dối khách hàng và cần có hình thức xử lý nghiêm minh. “Công ty thừa nhận đã sử dụng hàng hóa không hóa đơn, chứng từ thì tạm thời đánh giá mức độ hậu quả là nghiêm trọng. Nếu hành vi diễn ra trong thời gian dài, bán sản phẩm tại nhiều cửa hàng với số lượng và thu lợi lớn thì ảnh hưởng đặc biệt đến uy tín ngành này. Do vậy, hành vi của họ có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự. Cụ thể là tội “Lừa dối khách hàng”! Tuy nhiên, để khẳng định có cấu thành tội phạm hay không, cần chờ kết luận của cơ quan điều tra có thẩm quyền. Theo tôi, việc Minh Khoa thừa nhận việc có nhập mâm điện Trung Quốc trôi nổi, không hóa đơn, chứng từ về để gắn mác sản phẩm của mình là không đúng quy định của pháp luật” - luật sư Hùng nói.

Luật sư Hùng cho biết thêm, khi vận chuyển hàng hóa mà nhân viên Minh Khoa không xuất được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc thì có thể bị coi là hàng hóa nhập lậu và sẽ bị xử phạt theo Điều 17, Nghị định 185/2013/NĐ-CP và Điều 44, Nghị định 109/2013/NĐ-CP.

Cũng cần nói rõ, khoản 5 Điều 44 Nghị định 109/2013/NĐ-CP nêu: “Hàng hóa vận chuyển trên đường không có hóa đơn, chứng từ hợp pháp khi cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, phát hiện hành vi vi phạm thì ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn theo quy định tại nghị định này, người nộp thuế còn bị xử phạt về hành vi trốn thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành”.

Tương tự, về vấn đề này, luật sư Nguyễn Đình Hải, Giám đốc Công ty Luật Hải Châu (Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai) cho rằng: Việc Công ty Minh Khoa thừa nhận số hàng hóa trên có xuất xứ từ Trung Quốc; là hàng trôi nổi, không hóa đơn, chứng từ thì cần phải làm rõ, Minh Khoa có phải là người trực tiếp mua các hàng hóa này tại Trung Quốc sau đó vận chuyển (hoặc thuê người vận chuyển) về Việt Nam hay mua gom của các đối tượng trong nước? Còn trường hợp, doanh nghiệp này nhập các linh kiện về để lắp ráp thành sản phẩm, sau đó bán ra thị trường vẫn có thể bị truy cứu về tội buôn lậu. Vấn đề chỉ khác nhau ở chỗ, thay vì bán linh kiện lẻ thì ở đây lắp ráp với một số linh kiện khác để thành một sản phẩm hoàn chỉnh rồi đem bán và mục đích phạm tội vẫn là vì lợi nhuận.

Theo luật sư Hải, lãnh đạo Công ty Minh Khoa cũng có thể bị xử lý về tội “Vận chuyển hàng hóa, tiền tệ qua biên giới” quy định tại Điều 189 của Bộ luật Hình sự 2015. Cụ thể, tùy vào mức độ vi phạm sẽ bị phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc bị phạt tù theo từng khung hình phạt...

 Cao Tuấn - Thùy Trang

Theo NTD

largeer