Vụ Công ty Thạnh Mỹ Lợi lấy đất dân: Đoàn ĐBQH TP.HCM yêu cầu Quận 2 báo cáo về dự án đầy tai tiếng

Thứ sáu, 14/09/2018, 21:18 PM

Liên quan đến dự án Thạnh Mỹ Lợi B (Q.2 TP.HCM) mà báo Người Tiêu Dùng đã phanh phui những "khuất tất" xung quanh việc Công ty Thạnh Mỹ Lợi "lấy đất" của người dân ở đây gây nhiều bức xúc, Phó Trưởng đoàn Chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.HCM Phan Nguyễn Như Khuê cho biết Đoàn ĐBQH TP.HCM sẽ yêu cầu UBND Q2 báo cáo chi tiết về dự án treo 14 năm (rộng 120 ha) tại phường Thạnh Mỹ Lợi.

Dự án Thạnh Mỹ Lợi B từ ngay khởi động cho đến nay đã 14 năm nhưng giờ vẫn là một bãi đất trống. Năm 2004, dự án 120 ha này được giao cho Công ty Đầu tư và Xây dựng Thanh niên Xung phong làm chủ đầu tư rồi đến 2011, UBND TP.HCM lại chấp thuận cho Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích Thanh niên Xung phong hợp tác với Công ty Dịch vụ Thương mại Mesa cùng Công ty TNHH TMDV Đại Phước thành lập Công ty Cổ phần Thạnh Mỹ Lợi (Công ty Thạnh Mỹ Lợi) do bà Lưu Thị Tuyết Mai làm Tổng Giám đốc để thực hiện dự án này.

Hai Công ty của Lực lượng Thanh niên Xung phong trên thực chất là một dưới thời ông Lê Tấn Hùng làm Phó rồi Chỉ huy trưởng Lực lượng Thanh niên xung phong TP.HCM. Ông Hùng cũng là người từng bị kỷ luật hồi tháng 5/2008 do những sai phạm khi làm Tổng Giám đốc Công ty Nông nghiệp Sài Gòn. Dù được khá nhiều dưới ưu ái nhưng ông Hùng cùng cấp dưới cũng không thể triển khai dự án này, không hiểu do năng lực tài chính hay vì lý do gì rồi phải “hùn vốn” lập ra Công ty Thạnh Mỹ Lợi cùng "liên minh" với Tổng Giám đốc Lưu Thị Tuyết Mai để tiếp tục … treo cho đến bây giờ!?

14 năm với hàng loạt sai phạm mà báo Người Tiêu dùng đã phanh phui, chủ đầu tư cũ rồi người mới là Công ty Thạnh Mỹ Lợi đã để lại bao hệ lụy xấu cho cả người dân nơi đây.

Trong 14 năm trời đợi đền bù giải tỏa và tái định cư, nhiều hộ dân đang sinh sống trong khu vực dự án 120 ha có đời sống khó khăn, không được xây dựng nhà cửa, không có công ăn việc làm ổn định, ruộng đồng không có người canh tác…

14 năm trôi qua, dự án Thạnh Mỹ Lợi B của Công ty Thạnh Mỹ Lợi vẫn là bãi đất trống.

14 năm trôi qua, dự án Thạnh Mỹ Lợi B của Công ty Thạnh Mỹ Lợi vẫn là bãi đất trống.

Hiện khu tái định cư cũng chưa hình thành và dự án thì chưa biết đến bao giờ thực sự triển khai hay lại tìm chủ mới như thông tin mà chúng tôi đã cung cấp. UBND phường Thạnh Mỹ Lợi cho biết mới có 80% hộ dân tại dự án chấp thuận phương án bồi thường và đồng ý di dời đến khu tái định cư. 20% còn lại vẫn đang vướng mắc, chưa chấp nhận và yêu cầu chủ đầu tư phải thương thảo với dân theo luật định chứ không thể “nhờ” chính quyền Q.2 như vừa qua.

Ông Phan Nguyễn Như Khuê cho biết: “Chúng tôi sẽ yêu cầu UBND Q.2 báo cáo cụ thể, chi tiết về dự án rộng 120 ha tại phường Thạnh Mỹ Lợi và việc đền bù giải phóng mặt bằng cho người dân tại đây !”.

Theo ông Nguyễn Phan Như Khuê thì dù thực hiện dự án vì mục đích gì thì việc chuyển nhượng đất tại chỗ đó phải được thực hiện đúng quy trình, phải lập hồ sơ, được thẩm định, phê duyệt cụ thể.

Chưa đồng ý với cách mà UBND Q.2 thay mặt chủ đầu tư thỏa thuận đền bù giải tỏa với dân, ông Khuê trao đổi với báo chí “Không thể vì nhường chỗ cho người khác tái định cư, mà chủ đất tại đó lại long đong. Không thể làm ào ào được. Những dự án thu hồi đất vì mục đích thương mại, doanh nghiệp phải tự đi thương thảo với người dân, không thể mượn cơ quan Nhà nước làm thay”.

Vị Phó Trưởng đoàn Chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM cũng cho rằng doanh nghiệp chuyển quyền sử dụng đất trong dân thì phải đưa ra mức giá sát với thị trường. Ông Khuê cho rằng: “Anh đưa ra mức giá không sát diễn biến thực tế giao dịch, ví dụ thực tế là 5 triệu/m2, anh đền bù cho dân chỉ khoảng 1,5 triệu/m2, sau khi thực hiện dự án lên, anh kinh doanh, bán với giá 100-200 triệu đồng/m2, là không phù hợp”.

Về việc giá bồi thường cũng như phương án đền bù quá thiệt thòi cho người dân trong dự án thương mại, Đại biểu Quốc hội Như Khuê đưa ra quan điểm: “Cần xem lại đơn giá bồi thường, sao cho người có quyền sử dụng đất thấy hợp lý. Không thể đền bù theo kiểu cho có, sau đó kinh doanh lại. Lợi nhuận, siêu lợi nhuận chỗ này rất lớn. Sau này cần xem xét cả thuế chuyển quyền sử dụng đất, xem thuế của doanh nghiệp đóng góp có đúng mức. Không thể để doanh nghiệp hưởng lãi kinh khủng thế trong khi người dân phải hy sinh”.

Cho đến nay những sai phạm trong dự án này kéo dài 14 năm qua đã quá rõ, Sở TN-MT TP.HCM đã từng đề nghị thu hồi dự án nếu chủ đầu tư không thực hiện đúng cam kết về tiến độ cũng như các thủ tục pháp lý. Tuy nhiên không hiểu vì lý do và “lực cản” nào cho đến nay dự án này, dù đã thay tên đổi họ chủ đầu tư với Công ty Thạnh Mỹ Lợi do bà Lưu Thị Tuyết Mai làm Giám đốc vẫn treo "lơ lửng".

Đã đến lúc cần có một cuộc thanh tra toàn diện dự án tai tiếng này để làm rõ vì sao lại được “dung dưỡng” lạ lùng như vậy. Đó không chỉ là đòi hỏi của dư luận mà còn là trách nhiệm của chính quyền TP.HCM để lập lại trật tự trong quản lý đô thị vốn đã nhiều tai tiếng sau dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm vừa bị TTCP kết luận mắc hàng loạt sai phạm. Xin đừng để những "liên minh ma quỷ" trục lợi, chiếm đất của người dân với giá rẻ mạt, khiến người dân căm phẫn. Và những đại gia "lộng hành" dễ dàng làm giàu trên tài sản người dân.

Phan Nguyễn

Theo NTD

largeer