Vực dậy du lịch ĐBSCL

Thứ năm, 26/10/2017, 09:01 AM

Tại hội thảo về giải pháp thu hút khách tới Phú Quốc do Tổng cục Du lịch và UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức ngày 25-10, các đại biểu đã đưa ra nhiều giải pháp thiết thực để vực dậy ngành công nghiệp không khói ở đảo ngọc này.

Cơ sở lưu trú cho du khách thiếu trầm trọng, khu vui chơi giải trí lớn chỉ có Vinpearl Phú Quốc và Nhà Mát Bạc Liêu, chưa có trung tâm ẩm thực kết hợp giải trí tổng hợp và trung tâm mua sắm tầm cỡ

Phú Quốc có nhiều bãi tắm đẹp thu hút du khách Ảnh: NGỌC TRINH

Nhờ bao quanh là biển, khí hậu Phú Quốc ôn hòa, thuận lợi cho du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng quanh năm. Theo báo cáo của Tổng cục Du lịch, trong 9 tháng đầu năm 2017, Phú Quốc đã đón hơn 2,2 triệu lượt khách, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, so với cùng kỳ năm trước, khách quốc tế đạt 243.000 lượt, tăng 25,1%; doanh thu đạt gần 2.900 tỉ đồng, tăng 24,9%.

Trong những năm gần đây, số khách sạn, khu nghỉ dưỡng, khu vui chơi giải trí ở Phú Quốc tăng mạnh. Đặc biệt, sự đầu tư của các tập đoàn kinh tế lớn vào Phú Quốc ngày càng tăng. Dự kiến cuối năm 2017, cáp treo An Thới - Hòn Thơm (dài nhất thế giới) sẽ đi vào hoạt động.

Đại diện tỉnh Kiên Giang và huyện Phú Quốc cho biết trong thời gian tới, "đảo ngọc" này sẽ có thêm nhiều chuyến bay quốc tế để thu hút khách du lịch nước ngoài. Ngày 29-10, hãng hàng không Bangkok Airway sẽ khai trương đường bay Bangkok - Phú Quốc vào các ngày thứ ba, năm, sáu và chủ nhật hằng tuần. Ngày 1-11, hãng hàng không TUI IK sẽ khai thác đường bay charter (thuê từng chuyến) từ Anh sang Phú Quốc. Từ ngày 19-12 đến cuối tháng 4-2018, hãng hàng không Neos sẽ mở các chuyến bay charter từ Milan (Ý) tới Phú Quốc vào thứ ba và từ Phú Quốc đi Milan vào thứ tư hằng tuần.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng cho rằng nên mở thêm nhiều đường bay thẳng từ các nước châu Âu đến Phú Quốc. Bên cạnh đó, cần phải có giải pháp và cơ chế đặc thù như giảm thuế sân bay cho du khách…

Cùng ngày, hội nghị thường niên đầu tư vào ĐBSCL lần thứ 5-2017 đã được tổ chức tại TP Cần Thơ với chủ đề "Thu hút đầu tư hạ tầng - nền tảng phát triển du lịch ĐBSCL". ĐBSCL có tài nguyên và vị trí địa lý thuận lợi với những sản phẩm du lịch thu hút du khách như sinh thái, nghỉ dưỡng, tâm linh, cộng đồng nông thôn… Năm 2016, ĐBSCL đón 28 triệu lượt khách, trong đó 2,5 triệu lượt khách quốc tế, doanh thu đạt 15.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, hiện ĐBSCL chỉ có khoảng 60 khách sạn từ 3-5 sao (30.000 phòng), tập trung chủ yếu ở Phú Quốc và TP Cần Thơ.

Ông Trương Quang Hoài Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, nhìn nhận hệ thống phục vụ du lịch như cơ sở lưu trú, nơi giải trí, chơi thể thao trong vùng vẫn còn yếu.

Ông Phạm Thế Triều, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, đánh giá: "So với quy hoạch, cơ sở lưu trú thiếu trầm trọng, khu vui chơi giải trí lớn chỉ có 2 nơi là Vinpearl Phú Quốc và Nhà Mát Bạc Liêu, thiếu các điểm dừng chân lớn, chưa có trung tâm ẩm thực kết hợp giải trí tổng hợp và trung tâm mua sắm tầm cỡ thu hút khách".

Năm 2020, đón 34 triệu lượt khách

Theo quy hoạch phát triển du lịch ĐBSCL đã được Chính phủ phê duyệt, đến năm 2020, ĐBSCL đón 34 triệu lượt khách, trong đó có 3,5 triệu lượt khách quốc tế, doanh thu đạt 25.000 tỉ đồng. Đến năm 2030, đón 52 triệu lượt khách, trong đó 6,5 triệu lượt khách quốc tế, doanh thu 111.000 tỉ đồng.

Theo Hoàng Tuấn - Lê Khánh (NLĐ)

Tiến Huy
Từ khóa:

largeer