WB: Tài xế phải trả một khoản 'chi phí ngầm' khi ra đường

Thứ sáu, 07/12/2018, 09:01 AM

Ngân hàng Thế giới (WB) vừa có nghiên cứu về tăng cường ngành vận tải đường bộ Việt Nam nhằm giảm chi phí logistics và phát thải khí nhà kính.

Theo đó, ngành dịch vụ logistics ở Việt Nam còn non trẻ nhưng có tốc độ tăng trưởng cao (khoảng 14 - 16% với quy mô khoảng 40 - 42 tỉ USD/năm). Chủ yếu tập trung vào các hoạt động truyền thống như vận tải, lưu kho bãi và đang phát triển các dịch vụ tổng hợp có giá trị gia tăng cao.

Tuy nhiên, chi phí logistics của Việt Nam vẫn còn cao, chiếm 21% GDP gây tác động tiêu cực đến năng lực cạnh tranh của hoạt động xuất khẩu và làm gia tăng chi phí của hàng hóa tiêu dùng.

Chi phí ngầm cũng khiến chi phí vận tải tăng. Ảnh: VIẾT LONG

Chi phí ngầm cũng khiến chi phí vận tải tăng. Ảnh: VIẾT LONG

Trong đó, chi phí vận tải chiếm tỷ lệ lớn trong chi phí logistics. Ở Việt Nam, chi phí này chiếm tới 60% tổng chi phí logistics. Các chi phí cấu thành chi phí vận tải gồm chi phí nhiên liệu, chi phí cầu đường, lương, bảo hiểm… Đặc biệt là chi phí không chính thức.

“Đây là thuật ngữ dùng để chỉ các loại chi phí ngầm mà doanh nghiệp/ lái xe tải trả cho cơ quan quản lý như cảnh sát giao thông để tránh bị giam xe hoặc chậm chuyến; không tuân thủ các quy định về giao thông. Ví dụ chở quá tải, vi phạm luật giao thông… là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng xe bị cảnh sát giao thông giam giữ.

Tuy nhiên, các cuộc phỏng vấn đơn vị vận chuyển hàng hóa bằng xe tải cũng cho thấy đôi khi lái xe phải trả các khoản này ngay cả khi không phạm lỗi. Chi phí này phụ thuộc vào tải trọng của xe và thường được trả khi xe đi vào địa phận của tỉnh thành khác (thường là ở khu vực giáp ranh). Do vậy, vận tải hàng hóa đường dài phải trả chi phí này nhiều hơn so với tuyến ngắn….”, báo cáo nêu rõ.

Theo đó, WB cho rằng thời gian tới cần giảm chi phí trên để giúp các đơn vị kinh doanh dịch vụ vận tải đầu tư vào hoạt động kinh doanh và phát triển thêm các dịch vụ khác như kho bãi, đóng gói, thông quan, giao nhận…

Cụ thể, sát nhập các công ty kinh doanh dịch vụ vận tải quy mô nhỏ thành doanh nghiệp lớn hơn. Sử dụng xe có trọng tải phù hợp cho các tuyến vận chuyển cụ thể (ví dụ xe tải trọng lớn cho tuyến đường dài)…. “Chúng ta cũng cần chuyên nghiệp hóa toàn bộ lĩnh vực vận chuyển bằng xe tải để có quy mô lớn hơn và do vậy có khả năng sinh lời tốt hơn….”, nghiên cứu WB nêu.

VIẾT LONG

Theo PLTP

largeer