Xài điện mặt trời: Vừa tiết kiệm, vừa được bán điện lại cho EVN

Thứ hai, 20/05/2019, 09:27 AM

Điện mặt trời mái nhà đang được xem là giải pháp tuyệt vời khi giá điện tăng, nhất là trong mùa hè nắng nóng, các sản phẩm làm mát phải chạy hết công suất. Không những không tốn tiền, người dân còn có cơ hội bán lại sản lượng dư cho EVN và thu tiền ngay vào cuối tháng.

Bộ năng lượng mặt trời 3kW ông Thọ lắp trên mái nhà ở Vũng Tàu.

Bộ năng lượng mặt trời 3kW ông Thọ lắp trên mái nhà ở Vũng Tàu.

Tiện lợi đôi đường

Dù gia đình có 3 người nhưng nhà ông Đức Thọ (P.7, TP. Vũng Tàu) phải trả tiền điện mỗi tháng trên dưới 1,4 triệu đồng. Ông Thọ nghĩ đến chuyện lắp bộ điện mặt trời mái nhà vào tháng 5/2018. Đến cuối tháng 6/2018, ông nhìn hóa đơn tiền điện mà thở phào, chỉ còn chưa đến 80.000 đồng. Tính ra, gia đình ông đã tiết kiệm được 95% tiền điện mỗi tháng nhờ điện mặt trời.

Còn ông Ngô Quý Toàn (huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa) khi mua khu đất ở xa đường lớn, đã quyết định xài điện mặt trời cho tiện. Ông Toàn cho biết, nhà trên rẫy nên xài khá nhiều đồ dùng điện. “Tủ lạnh, ti vi thì để suốt ngày đêm. Máy giặt, nồi cơm, bếp điện từ thì dùng thường xuyên. Nhưng tôi chẳng trả đồng tiền điện nào” - ông Toàn chia sẻ.

Nhà ông Toàn lắp điện mặt trời mái nhà đã gần 1 năm nay. Với 4 tấm pin mặt trời (bộ 3kWh) cùng 4 bình ắc quy trữ điện, ông Toàn tốn 78 triệu đồng. Tuy nhiên, đổi lại ông không sợ mất điện mà cũng không tốn tiền điện. Những ngày nắng thì nhà ông xài điện thoải mái, những ngày mưa thì ông Toàn cho biết xài ít lại một chút, để dành cho ban đêm.

Đầu tháng 5/2019, nhiều hộ dân tại TP.HCM ngoài việc đỡ tốn tiền điện, còn được bán lại điện mặt trời cho Tổng công ty Điện lực TP.HCM. Ngày 14/5/2019, gia đình ông Lê Ngọc Trí ở huyện Hóc Môn đã được Công ty Điện lực Hóc Môn trả 3,2 triệu đồng cho 1.500kWh phát lên lưới điện quốc gia từ tháng 6/2018 đến nay.

Việc bán lại điện mặt trời cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã được Bộ Công thương quy định trong Thông tư 16, có hiệu lực từ ngày 26/10/2017. Khi kết thúc năm hoặc khi kết thúc hợp đồng mua bán điện, lượng điện phát dư sẽ được bán cho bên mua điện.

Tuy nhiên, kể từ ngày 25/4/2019, lượng điện dư bán cho EVN sẽ được thanh toán ngay vào cuối tháng (Thông tư 05 của EVN). Ông Phạm Việt Anh - Phó Ban Truyền thông (Tổng công ty Điện lực TP.HCM) cho biết giá điện được tính là 9,35 USDCent/kWh, tính theo tỷ giá hiện tại. Tổng công ty Điện lực TP.HCM đang đề xuất thanh toán cho các hộ có lượng điện bán ít khoảng 3 tháng hoặc 6 tháng một lần. Vì phí chuyển tiền qua tài khoản do chủ đầu tư điện mặt trời chi trả.

Một nhà hàng ở đường Tản Đà (quận 5, TP.HCM) lắp bộ điện mặt trời 10kW trên sân thượng từ đầu năm 2019 để tiết kiệm điện.

Một nhà hàng ở đường Tản Đà (quận 5, TP.HCM) lắp bộ điện mặt trời 10kW trên sân thượng từ đầu năm 2019 để tiết kiệm điện.

Đầu tư vài chục triệu, xài 25 năm

Mỗi bộ điện mặt trời mái nhà bao gồm các tấm pin mặt trời, bộ chuyển đổi dòng điện (inverter) và đồng hồ điện hai chiều. Đồng hồ hai chiều do công ty điện lực địa phương lắp miễn phí nếu người dân có nhu cầu sử dụng điện mặt trời.

Theo ông Mai Thanh Hải - Giám đốc Kinh doanh CTCP Năng lượng Mặt Trời Đỏ (RedSun), nếu nhà nào sử dụng điện mỗi tháng khoảng 1 triệu đồng trở lại thì nên lắp bộ 3kW. Mỗi ngày, bộ này sẽ cho ra 12kWh điện và mỗi tháng 360-400kWh. Nếu tiền điện mỗi tháng trong khoảng 1-2 triệu đồng thì sử dụng bộ 5kWh là hợp lý. Xài bộ 10kWh nếu chi phí cho điện mỗi tháng từ 2-3 triệu đồng.

Giá mỗi bộ điện mặt trời mái nhà hiện nay dao động trong khoảng 60-70 triệu đồng gồm cả chi phí lắp đặt. RedSun cung cấp bộ 3kW với giá 70 triệu đồng, trong khi Công ty Vietnam Eco-Solution (VES) chỉ bán với 60 triệu đồng. Thời gian lắp đặt khá nhanh, chỉ 1-2 ngày. Trên địa bàn TP.HCM hiện nay có hàng chục công ty cung cấp dịch vụ này.

Empty

Người tiêu dùng cũng cần chú ý đến tấm pin khi lắp đặt. Do giá pin đã giảm mạnh trong vòng 10 năm qua, một số công ty Việt Nam cũng sản xuất được pin này bên cạnh việc nhập khẩu. Ngoài RedSun, Solar Bách Khoa cũng là đơn vị tiên phong nghiên cứu và sản xuất pin năng lượng mặt trời thành công. Hiện có 2 loại pin là Mono và Poly. Pin Mono có hiệu suất cao nên chỉ cần diện tích 5,5m2 cho mỗi kW điện, pin Poly rẻ hơn khoảng 25% giá bán nhưng cần đến 8m2.

Các tấm pin thường được bảo hành 10-12 năm về chất lượng và đến 25 năm về hiệu suất (đạt ít nhất 80% hiệu suất tấm pin). Với chi phí đầu tư ban đầu vài chục triệu đồng, nếu tính trên lượng điện sử dụng, người dân có thể hoàn vốn trong khoảng 5 năm. Trong khi đó, vẫn được xài tiếp hệ thống này miễn phí trong ít nhất 20 năm nữa.

Tuy nhiên, để yên tâm sử dụng lâu dài, ông Nguyễn Đức Anh - Giám đốc VES, khuyên người dân nên dựa theo tiêu chí TIER 1 để đánh giá đơn vị lắp đặt. TIER 1 là bộ tiêu chí đánh giá năng lực các công ty sản xuất tấm pin mặt trời của Tập đoàn Bloomberg (Mỹ). Chỉ những công ty có sản phẩm chất lượng, năng lực tài chính mạnh, chế độ bảo hành chu đáo mới được xếp vào đây. Nếu không tiếp cận được danh sách này thì người dân có thể dựa vào danh sách đối tác uy tín của Tổng công ty Điện lực TP.HCM công bố trên website.

Cách thức hoạt động bộ năng lượng mặt trời hòa lưới.

Cách thức hoạt động bộ năng lượng mặt trời hòa lưới.

 Dương Nguyễn

Theo NTD

largeer