Xăng E5, dưa hấu phơi đồng và sữa đổ ngoài đường

Thứ ba, 15/05/2018, 11:33 AM

Mới nghe thì đề xuất bỏ xăng RON 95 và chỉ dùng xăng E5, dưa leo rồi dưa hấu phơi đầy đồng không ai mua và 1 nông dân đổ sữa ở Nghệ An có vẻ như chẳng liên quan gì nhau nhưng không phải vậy. Cả 3 đều phi thị trường và về lâu dài sẽ để lại thiệt hại cho người tiêu dùng.

Empty

Lạ đời đề xuất bỏ xăng RON 95

Mặc dầu đề xuất bỏ xăng RON 95 để chỉ bán E5 và E5RON95 chỉ xuất phát từ một vài doanh nghiệp và cực kỳ khó để cơ quan quản lý chấp thuận nhưng vẫn gây xôn xao kèm bức xúc của dư luận cho đến tận hôm nay.

Hàng loạt ý kiến đã phân tích vì bán E5 không được, muốn giải cứu các dự án Ethanol đắp chiếu và muốn tạo độc quyền… nên mới có một đề xuất lạ đời như thế. Đề xuất ấy không chỉ đi ngược với quy luật thị trường mà tước bỏ những lựa chọn của người tiêu dùng.

Ngược ngạo như thế nhưng vẫn có quan chức ủng hộ và ông ta chỉ im lặng khi dư luận phản đối dữ dội. Dùng xăng gì mình cảm thấy tin tưởng, tốt cho xe và phù hợp với túi tiền là quyền của người tiêu dùng, quyền ấy không những được tôn trọng mà còn được pháp luật bảo vệ.

Khi nào doanh nghiệp (DN) hay cơ quan quản lý chứng minh được E5 ưu điểm nhiều hơn RON95 thì ngoài các trụ xăng, khách hàng sẽ tự khắc rời bỏ cột bơm RON95 chứ chẳng chờ những đề xuất hay quy định chẳng giống ai như vậy.

Làm ăn thì phải tính lợi cho cả khách hàng lẫn mình chứ chỉ chăm chăm vì món hời riêng thì trước sau gì không bị tẩy chay cũng lụn bại. Bài học ấy rất kinh điển nhưng có vẻ như không phải DN nào cũng nhớ, quan chức quản lý nào cũng thuộc.

Empty

Sớm chấm dứt giải cứu dưa hấu

Gần chục năm nay, mỗi năm ít nhất cũng 3, 4 cuộc giải cứu nông sản. Từ dưa hấu, bí đỏ cho đến dưa leo rồi chuối, thịt heo… Riêng dưa hấu thì 3 năm nay, chưa năm nào nông dân Quảng Ngãi không kêu cứu!

Giang tay giúp đỡ đồng bào lúc khó khăn hoạn nạn là điều tốt cần khuyến khích và nhân rộng. Tuy nhiên, sản xuất trồng trọt mà không tính đến đầu ra rồi quẳng gánh nặng thua lỗ cho xã hội hay kêu cứu người khác giúp đỡ cho thói quen nuôi trồng vô tội vạ thì nên dừng lại.

Không thể cứ đua nhau trồng đại trà, chẳng màng đầu ra hay giao phó hết việc tiêu thụ cho thương lái xuất tiểu ngạch đi Trung Quốc rồi được mất tính sau. Đâu có phải ồ ạt trồng không suy tính những giống dưa không ngon, chỉ chăm chăm vào số lượng bỏ qua chất lượng sau đó kêu gào Nhà nước, bà con khắp nơi cứu mình khi không bán được.

Nếu cứ giải cứu mãi thì tư duy và thói quen này sẽ khiến nông dân nhiều nơi rơi vào vòng lẩn quẩn triền miên không lối thoát. Từ thiện mua giúp hay thương kiểu này không chỉ hại bà con nông dân về lâu dài mà người tiêu dùng rồi cũng đều ngại ngần.

Có lẽ “đau một lần rồi thôi”, bà con phải chấp nhận không có chuyện trồng bán không được rồi giải cứu vì chính tương lai của mình. Từ đó mới tập dần thói quen trồng hay nuôi gì đều ngó trước nhìn sau, nghiên cứu thị trường, bảo đảm đầu ra và vừa sức của mình.

Phía sau câu chuyện đổ sữa

Chuyện anh nông dân Nguyễn Văn Đức ở Nghệ An đổ 40 lít sữa vì đinh ninh rằng mình bị Vinamilk ép giá để quay clip post lên facebook, dẫn đến một cơn gạch đá trút lên đầu DN. Nếu chỉ xem clip, nghe anh Đức phân trần và biết thông tin một chiều thì có lẽ DN sẽ hứng đủ giận dữ hay tẩy chay của khách hàng.

Hãy tỉnh táo đọc một phân tích để có thể tiêu dùng sáng suốt hơn “Những hôm trước, sữa anh Đức đạt mức chất lượng tương đương giá 14.000 đồng/lít thì doanh nghiệp mua 14.000 đồng. Nay anh Đức chăm bò không khéo, thức ăn cho bò không tốt, chất lượng sữa giảm xuống mức tương đương giá 8.000 đồng thì đương nhiên anh chỉ có thể bán giá như vậy mà thôi.

Tuy nhiên, sữa 8.000 đồng ấy không phải “sữa đểu”. Nó vẫn đáp ứng được quy chuẩn quốc gia về sữa. Hợp đồng thu mua đã ký từ năm 2015. Đáng lẽ, anh Đức phải nắm rõ nguyên tắc giá bán theo từng nhóm phân loại chất lượng A, B, C…

Từ đó, tuân thủ nghiêm ngặt kỹ thuật chăm sóc con bò để sữa đạt chất lượng mức cao nhất, giá bán tốt nhất, chứ không phải chỉ là đạt quy chuẩn.

Không một nền kinh tế nào vững vàng được nếu lấy nước mắt thương xót che mờ lý trí làm yếu tố chi phối giao dịch. Phê phán cái sai của nông dân trong trường hợp này cũng để họ thấy, chỉ có cách làm tốt hơn, chất lượng cao hơn thì họ mới tồn tại được. Lòng trắc ẩn của con người mà cứ xài phung phí nhiều khi có hại cho xã hội”.

Riêng tôi lại muốn thêm rằng để bảo đảm quyền lợi của chúng ta dù ngắn hạn hay lâu dài thì không nên cổ vũ hay đồng tình hoặc xót xa cho những việc làm như nông dân Đức. Hàng nào tiêu chuẩn đó, chất lượng nào giá tiền ấy, sòng phẳng rõ ràng và minh bạch thì người tiêu dùng mới là “thượng đế”.

Dài dòng một chút về ba câu chuyện đậm tính thời sự trên để góp tiếng nói rằng, dù là ai cũng đừng vì lợi riêng mà gây thiệt hại chung cho xã hội, bất lợi cho đông đảo người tiêu dùng.

 Phan Nguyễn

Theo NTD

largeer