Xây dựng thương hiệu bán lẻ: Cơ hội nào cho doanh nghiệp Việt?

Chủ nhật, 22/04/2018, 06:40 AM

Trước sự đổ bộ và chiếm lĩnh thị trường Việt của các đại gia bán lẻ hàng đầu thế giới, liệu còn cơ hội nào cho doanh nghiệp Việt có thể xây dựng được thương hiệu bán lẻ mạnh để cạnh tranh ngay trên sân nhà?

VinMart – một trong hai “ông lớn” thương hiệu Việt được ghi nhận

VinMart – một trong hai “ông lớn” thương hiệu Việt được ghi nhận

Trông chờ hai “ông lớn” 

Mô hình thương mại hiện đại thâm nhập vào Việt Nam từ hơn 20 năm nay và đang có tiềm lực rất lớn để thống lĩnh thị trường. Do đó, những mô hình bán lẻ hiện đại của Việt Nam cần phải xây dựng những thương hiệu lớn và phát triển một cách bền vững để từng bước níu chân “thượng đế” Việt, những người vẫn đang chuộng hàng ngoại mỗi ngày. 

Theo nhiều chuyên gia, Việt Nam hiện chỉ có 2 nhà bán lẻ có thương hiệu tương đối vững chắc và có triển vọng phát triển trong thời gian tới, đó là Co.opmart của Saigon Co-op và Vinmart của Tập đoàn Vingroup. Hai đơn vị này có lịch sử phát triển khác nhau nhưng đều có điểm chung là tạo ra được tên tuổi nhất định đối với người tiêu dùng. 

Saigon Co-op đã có 25 năm lịch sử phát triển và chứng minh được vị trí “anh cả” thương hiệu bán lẻ Việt với chuỗi siêu thị Co.opmart hiện diện trên toàn quốc. Tính đến nay, đã có 82 Co.opmart với 32 siêu thị ở TP HCM, 6 siêu thị ở miền Bắc, 9 siêu thị ở miền Đông Nam bộ, miền Tây Nam bộ có 16 siêu thị, miền Trung có 15 siêu thị và Tây Nguyên 4 siêu thị.

Ngoài các siêu thị này, Saigon Co-op còn xây dựng chuỗi cửa hàng thực phẩm an toàn, tiện lợi Co.op Food và đại siêu thị Co.opXtra, chuỗi các cửa hàng tiện lợi Co.op. Saigon Co-op cũng liên doanh với nhiều nhà đầu tư quốc tế xây dựng các trung tâm thương mại đáp ứng đa dạng nhu cầu khách hàng từ tầng lớp có thu nhập trung bình khá đến giới trung lưu. 

Trong khi đó, Vinmart tuy là tên tuổi khá mới mẻ trên thị trường bán lẻ với lịch sử phát triển chỉ được khoảng 4-5 năm nay; Nhưng bù lại những nhà điều hành Vinmart lại có phương thức phát triển hết sức bài bản và nhanh chóng với 65 siêu thị VinMart và hơn 1.000 cửa hàng tiện lợi VinMart+ tại 26 tỉnh, thành trên cả nước. Theo kế hoạch, mục tiêu tăng trưởng của Vinmart sẽ đạt con số 200 siêu thị và 4.000 cửa hàng VinMart+ trong năm 2020. 

Chọn lối đi nào?

Theo thống kê về tình hình thương mại trong nước của Bộ Công Thương, mặc dù số lượng các siêu thị, chuỗi cửa hàng bán lẻ không đáng kể so với DN nội nhưng các DN đầu tư nước ngoài hiện đang chiếm 70% thị phần bán lẻ qua cửa hàng tiện lợi; khoảng 17% thị phần qua trung tâm thương mại, siêu thị; 15% thị phần qua siêu thị mini và khoảng 50% thị phần qua các hình thức bán hàng trực tuyến, qua truyền hình…

Thống kê này cho thấy, thị phần bán lẻ vẫn còn cơ hội lớn cho các DN Việt ở các kênh trung tâm thương mại và siêu thị, siêu thị mini. Bài toán đặt ra, liệu các doanh nghiệp Việt sẽ tận dụng được cơ hội để vươn lên, khẳng định thương hiệu bán lẻ Việt với tầm vóc và quy mô không thua kém các đại gia nước ngoài? 

Chuyên gia tư vấn thương hiệu Đặng Thanh Vân cho rằng, việc xây dựng các thương hiệu bán lẻ Việt Nam trong điều kiện hiện nay gặp rất nhiều khó khăn từ sự cạnh tranh quyết liệt về xây dựng thương hiệu với các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài, giữa hình thức bán lẻ trực tiếp và bán hàng trên mạng, giữa kênh bán lẻ hiện đại và các kênh bán lẻ khác trên thị trường. Tuy nhiên, khó nhưng không phải không có cách để xây dựng nên những thương hiệu Việt biết cách tận dụng, chiếm chỗ đứng và ghi dấu ấn trên thị trường bán lẻ. 

Thực tế thị trường bán lẻ Việt Nam đã chứng kiến nhiều cuộc thoái lui lịch sử và hệ thống cửa hàng tiện lợi G7 mart đã mất dấu khoảng 10 năm nay là một ví dụ điển hình. Thời điểm mới ra mắt thị trường, ông chủ của G7 mart chưa định vị được phân khúc của mình trong “hằng hà sa số” những đại lý len lỏi đến tận ngóc ngách từng khu dân cư. Hay mới đây, chuỗi siêu thị Hapro mart cũng đã “tự bứng” nhiều địa điểm bán hàng ở các khu tập thể khác nhau. 

Lý giải nguyên nhân này, bà Vân cho rằng lý do chính ở các doanh nghiệp khi không chịu nghiên cứu thị trường một cách bài bản và không quan tâm đúng mức đến việc xây dựng phát triển thương hiệu. Vì vậy, các DN bán lẻ Việt Nam đều na ná như nhau về mặt hàng, phong cách bán hàng, phục vụ. Những dấu ấn đậm nét, mang lại sự hài lòng về mọi mặt đối với người tiêu dùng chưa được chăm chút một cách thỏa đáng. 

Tuy nhiên, trong lúc chưa thể “làm đại thể” để phục vụ người tiêu dùng thì các thương hiệu Việt nên có cách khác để “tấn công” khách hàng. Bà Vân khẳng định: “Thương hiệu bán lẻ không chỉ thể hiện ở giá cả cạnh tranh nhất hay chất lượng hàng hóa ổn định mà còn ở những mối quan hệ nhân văn giữa các ông chủ siêu thị và người tiêu dùng hoặc giữa ông chủ với các nhà cung ứng hàng hóa”.

Đây hoàn toàn có thể là điểm mạnh để những DN Việt dựa vào và xây dựng nên một hệ thống đoàn kết, khép kín từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng, qua đó “đứng” được ở tâm trí khách hàng, từng bước khẳng định sức mạnh của thương hiệu bán lẻ Việt trong tổng hòa thị trường toàn các đại gia bán lẻ thế giới. 

Hoàng Tú

Theo PLO

largeer