"Xóm gò mả" ngày ấy, bây giờ

Thứ tư, 11/07/2018, 14:10 PM

Đường dẫn vào "Xóm gò mả" (khu phố 4, phường 15, quận 8, TP.HCM) ngoằn ngoèo, gập ghềnh như chính cuộc sống bấp bênh của những người lao động nghèo nơi đây. Những đứa trẻ không được cắp sách đến trường như bao bạn bè đồng trang lứa.

Sự trống trải bất thường...

Đã hơn 3 năm kể từ ngày các ngôi mộ được di dời, thế nhưng cuộc sống của những người lao động nghèo nơi đây vẫn lay lắt, trống trải và sống cuộc sống tạm bợ qua ngày.

Từ nhiều năm nay tại khu vực bến Bình Đông (phường 15, quận 8, TP.HCM) người ta vẫn luôn biết đến một xóm nhà nhỏ của những người lao động nghèo không nơi ăn chốn ở tìm về đây cất nhà, kiếm kế sinh nhai ngay bên cạnh những nấm mồ không quen, không biết.

Sau rất nhiều cuộc chuyển dời, khu vực xóm gò mả ngày nay đã thay thế bằng những ngôi nhà nhỏ được lợp tôn trông vững chãi hơn xưa. Nhưng ký ức về khoảng thời gian ăn ở cùng những nấm mồ ít nhiều vẫn còn lưu giữ trong tâm khảm những người lao động nghèo nơi đây.

Trái với những suy nghĩ của chúng tôi về một khung cảnh hỗn độn, nhà của người sống và mồ của người chết chồng lấn lên nhau, nhưng tại đây giờ không còn bất cứ ngôi mộ nào hiện diện tại đây.

Khung cảnh tại xóm gò mả sau khi được di dời.

Khung cảnh tại xóm gò mả sau khi được di dời.

Một số người dân tại khu vực này cho biết những ngôi mộ đã được di dời cách đây 3 năm. Dấu tích còn lại của một thời âm u giờ đây chỉ còn là những miếng gạch cũ vương vãi khắp nơi hay những cái móng nền vẫn còn bám chặt dưới lòng đáy mộ rỗng tếch hoặc những tấm bia mộ được để ngăn nắp dưới những gốc cây xanh.

Khi nói về những tháng ngày sống chung với những nấm mồ, ông Ngô Văn Hùng (64 tuổi) người dân sống tại khu vực này cho biết: “Cách đây 3 năm, khi mà những nấm mồ tại đây chưa được di dời thì cả 35 hộ dân tại đây đều chung cảnh “mồ đâu ta đó”. Quanh năm suốt tháng kề cạnh những nấm mồ riết cũng thành quen. Rồi sau khi những nấm mồ được di dời thì cảm thấy khó chịu, không quen cảnh trống trải, tôi cảm thấy thiếu thiếu những cái gì đó rất thân quen”.

“Ngay từ khi mới sinh ra, lũ trẻ đã gắn liền với những nấm mồ. Những nấm mồ đã chứng kiến sự lớn lên và trưởng thành và cũng là một trong những ký ức to lớn của lũ trẻ. Thế nên, khi những nấm mồ được di dời, tụi trẻ ở đây rất buồn, giống như mất đi những người tri kỷ của cuộc đời”.

Người dân tại khu vực này vẫn chưa quen với khung cảnh trống trải như thế này.

Người dân tại khu vực này vẫn chưa quen với khung cảnh trống trải như thế này.

Đã hơn 3 năm nhưng những đứa trẻ tại khu vực này vẫn chưa quen được, Em Nguyễn Thanh Uyên (17 tuổi) ngồi võng ngoài bờ sông cho biết mình vẫn chưa thích nghi được với sự trống trải này.  Mấy năm trước đây, cứ vào dịp tháng 7 âm lịch thì những thân nhân của những nấm mồ tìm đến cúng viếng, nhang khói nghi ngút.

Ngoài ra, còn nhiều gia đình giàu có  bỏ tiền ra làm phước, nhờ vậy mà gia đình em cũng như những hộ dân xung quanh cũng được “hưởng ké” với các suất gạo, bánh trái... Còn 3 năm gần đây thì không còn những điều đó, chẳng còn ai ngó ngàng gì đến cái xóm nghèo, nên sự buồn tẻ được nâng lên tới tột độ.

Anh Trần Văn Thanh (56 tuổi) hành nghề bán vé số dạo cư ngụ tại đây cho biết: “Lúc trước những hộ dân tại đây thường xuyên nhận được sự giúp đỡ của các gia đình giàu có là những thân nhân của các nấm mồ này. Chẳng hạn như em thấy những ngôi nhà tại đây được lợp tôn là do những người đó giúp đỡ, chứ trước kia chỉ lợp giấy dầu hoặc nilong, đôi khi thì vài ký gạo, hoặc đường muối... đủ để sử dụng được vài ngày”.

Những tấm bia mộ còn sót lại sau khi được di dời.

Những tấm bia mộ còn sót lại sau khi được di dời.

“Trước kia khi còn những ngôi mộ này thì tôi lâu lâu cũng có được việc làm lai rai. Khi đến dịp lễ thanh minh thì người ta có nhờ tôi quét vôi lại các nấm mồ, hoặc đổ thêm đất để cho ngôi mộ của gia đình họ được đầy đặn hơn. Lúc đó tôi cũng có thêm thu nhập để trang trải, còn nay thì chắc chẳng ai còn nhớ đến “xóm nghèo” này”. Anh Thanh chia sẻ thêm.

Dù hơi lạc lõng, có cảm giác bị bỏ rơi nhưng những người dân nơi đây vẫn thừa nhận rằng việc di dời những ngôi mộ đi nơi khác ít nhiều đã giúp cho cuộc sống của họ cảm thấy thỏa mái hơn. Xe cộ có đường đi đàng hoàng chứ không còn lách léo, chen chúc như trước nữa.

Cuộc sống bấp bênh, những đứa trẻ không được đến trường

Nhưng đó chỉ là sự bình yên tạm bợ. Theo những người dân nơi đây, mồ mả được di dời hết đồng nghĩa với việc ngày họ bị di dời đi nơi khác cũng không còn xa. Ai cũng hiểu được rằng, họ chỉ sống tạm bợ trên mảnh đất công. Mặc dù họ đã sinh sống ở đây mấy chục năm nhưng họ luôn trong tâm lý “tới đâu hay tới đó”.

Những căn nhà lợp tôn lụp xụp tại xóm gò mả.

Những căn nhà lợp tôn lụp xụp tại xóm gò mả.

Trong căn nhà tôn xập xệ chừng 7m2, ông Ngô Văn Hùng cho biết: “Mặc dù căn nhà của tôi rất nhỏ, lụp xụp như vậy chứ nó là nơi che mưa, che nắng cho 13 thành viên trong gia đình tôi. Trước đây nhà tôi được lợp tạm bợ bằng giấy dầu, nilong. Nhưng sau này, khi người thân của những ngôi mộ này đến di dời và họ đã mua tặng cho gia đình tôi cũng như những người dân xung quanh một ít tôn để làm nên một căn nhà tôn được coi là vững chắc như bây giờ. Tôi thường nói với các con và cháu của mình, cuộc sống  của gia đình tôi như “con chuột ở trong hang” thế nên phải cố gắng để thoát khỏi cảnh cơ cực này”.

Căn nhà chật chội của ông Ngô Văn Hùng.

Căn nhà chật chội của ông Ngô Văn Hùng.

Kế bên nhà ông Hùng là nhà của chị Phan Thị Thanh Thanh (48 tuổi) cũng cùng chung hoàn cảnh với ông Hùng, cuộc sống khó khăn chỉ làm công nhân với đồng lương ít ỏi đủ sống qua ngày. Cả gia đình đều sinh sống trong căn nhà chật hẹp đủ chỉ để ngả lưng.

Căn nhà lụp xụp, nơi mà 13 thành viên trong gia đình ông Hùng sinh sống.

Căn nhà lụp xụp, nơi mà 13 thành viên trong gia đình ông Hùng sinh sống.

Vì cuộc sống làm lụng vất vả của những bậc cha mẹ. Nên những em nhỏ tại đây không một em nào có thể ăn học đến nơi đến chốn. Cả xóm chỉ được một vài em được cha mẹ cho đi học đến khoảng lớp 6, lớp 7 là dừng vì cha mẹ không đủ điều kiện để tiếp tục cho các em đến trường.

IMG_4863
IMG_4822
IMG_4801
Những căn nhà lụp xụp của những hộ dân tại xóm gò mả.

Những căn nhà lụp xụp của những hộ dân tại xóm gò mả.

Cuộc sống thành phố vẫn đang theo chiều hướng tiến triễn, mọi thứ đều đang có sự thay đổi theo hướng tích cực. Riêng chỉ có những người dân nghèo tại "Xóm gò mả" vẫn đang lay lắt, sống cuộc sống tạm bợ qua ngày.

Huy Hoàng

Ảnh: Mỹ Triều

Theo NTD

largeer