Xuất khẩu gạo Việt Nam và câu chuyện tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm

Thứ ba, 23/10/2018, 16:00 PM

Xuất khẩu gạo Việt Nam đang có những bước phát triển tích cực trong năm 2018. Tính đến hết tháng 9 năm nay, giá gạo xuất khẩu bình quân đạt 504 USD/tấn, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Uy tín gạo Việt Nam tăng cao

Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, thị trường lúa gạo Việt Nam sẽ khởi sắc trong quý IV năm 2018 nhờ nhu cầu nhập khẩu gạo tăng của các nước Indonesia, Philippines, Hàn Quốc, Nigeria, Ai Cập… Lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2018 dự kiến đạt 6,1 - 6,4 triệu tấn, kim ngạch sẽ lên khoảng 3,3 tỷ USD. Không chỉ đạt được những con số ấn tượng, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ sản xuất gạo theo quy trình sạch, gạo hữu cơ và đa dạng hóa các sản phẩm chế biến từ lúa gạo.

Cách đây 6 năm, trong cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam, gạo trắng chất lượng trung bình và thấp chiếm đến 40%, hiện nay đã giảm xuống chỉ còn khoảng 15%. Gạo thơm từ chỗ chiếm 33,6% năm 2012, nay tăng vọt lên 37,4%. Thậm chí, trong 9 tháng đầu năm nay, gạo trắng chất lượng thấp chỉ còn chiếm 2,07% trong tổng lượng gạo xuất khẩu. Ngược lại, gạo trắng chất lượng cao và trung bình chiếm gần 43%, gạo thơm chiếm tới 33,24% tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam.

Xuất khẩu gạo Việt Nam đang có những bước phát triển tích cực trong năm 2018

Xuất khẩu gạo Việt Nam đang có những bước phát triển tích cực trong năm 2018

Trong một thống kê mới đây của tạp chí The Rice Trader (Mỹ), hiện tại, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã cao hơn các đối thủ khác như Thái Lan, Pakistan, Ấn Độ từ 50 đến 100 USD/tấn. Sự chuyển đổi của các nhà sản xuất gạo trong nước cũng như việc chính phủ vừa sửa đổi nghị định, nới lỏng các điều kiện kinh doanh, xuất khẩu gạo về thủ tục hải quan đã giúp uy tín gạo Việt Nam được nâng cao, thu hút được nhiều khách hàng trên thế giới hơn.

Vì sao phải thay đổi?

Có rất nhiều nguyên nhân khiến xuất khẩu gạo Việt Nam phải tập trung cho việc nâng cao chất lượng. Đầu tiên, có thể kể đến nguyên nhân diện tích trồng lúa của Việt Nam giảm mạnh bởi chịu sự tác động rất lớn do biến đổi khí hậu và môi trường (hạn hán, xâm mặn), công nghiệp hóa, đô thị hóa. Tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, vụ lúa thu đông hiện nay do lũ lớn chỉ sản xuất 534.000 ha, giảm hơn 200.000 ha so với kế hoạch. Diện tích trồng lúa giảm, doanh nghiệp, nông dân cần tập trung vào các giống lúa có phẩm chất tốt. Với khẩu phần ít, nhưng năng lượng cao, gạo dinh dưỡng sẽ giúp họ tăng giá trị xuất khẩu.

Xuất khẩu gạo Việt Nam phải tập trung cho việc nâng cao chất lượng

Xuất khẩu gạo Việt Nam phải tập trung cho việc nâng cao chất lượng

Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đang diễn ra hết sức khốc liệt. Một trong những hệ lụy của cuộc chiến này là chính sách nhập khẩu vào các nước này ngày càng chặt chẽ với nhiều tiêu chuẩn và khắt khe hơn. Các nhà xuất khẩu gạo Việt Nam ý thức được vấn đề này và buộc phải thay đổi để thích ứng. Trung Quốc vốn được coi là thị trường khá dễ tính nhưng cũng siết chặt một số tiêu chí về chất lượng hàng nhập khẩu như kiểm soát về hạt cỏ, gạo tấm không được lẫn các hạt đen, hạt cỏ… Vì vậy, để bán được hàng, các doanh nghiệp, nông dân Việt Nam phải nâng cao chất lượng sản phẩm của mình.

Hiện tại, gạo Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang thị trường châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc và nhiều quốc gia đông dân số, nhưng chưa tiếp cận được thị trường Mỹ. Đây là thị trường cực kỳ khó tính với những tiêu chuẩn rất cao về kỹ thuật và chất lượng, trong đó có việc đòi hỏi doanh nghiệp phải có chứng nhận của Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) mới đủ điều kiện xuất khẩu gạo sang thị trường này. Trong tương lai, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam phải đáp ứng được những tiêu chuẩn khắt khe này thì mới chinh phục được thị trường Mỹ. Đó không phải là nhiệm vụ dễ dàng nhưng để phát triển, chúng ta buộc phải làm.

Thế Anh

Theo NTD

largeer