Xuất khẩu nông sản tăng trưởng ấn tượng từ đầu năm

Thứ ba, 20/02/2018, 09:27 AM

Xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản ngay trong tháng đầu năm 2018 đã mang về cho Việt Nam 3 tỷ USD, tăng gần 26% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó, các mặt hàng nông sản chủ lực đều tăng trưởng khá ấn tượng.

Mặt hàng gạo phục hồi

Hết tháng 1, lượng gạo xuất khẩu trong tháng đạt khoảng 524.000 tấn, với giá trị 249 triệu USD, tăng 56,5% về khối lượng và tăng 74,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.

Việc Cơ quan Lương thực quốc gia Indonesia (Bulog) tổ chức mở thầu nhập khẩu 500.000 tấn gạo vào tháng đầu năm 2018 là sự kiện đáng chú ý, khi mà nhiều năm qua đất nước này gần như tự túc lương thực.

Do thời gian giao hàng gấp (ngay trong tháng 2), cần phải có lượng gạo tồn kho nhất định, nên Việt Nam chỉ có 2 doanh nghiệp (Tổng công ty Lương thực miền Bắc - Vinafood 1, Tổng công ty Lương thực miền Nam - Vinafood 2) tham gia và trúng thầu 141.000 tấn.

Chế biến rau VietGAP xuất khẩu tại Hợp tác xã Phước An, TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

Chế biến rau VietGAP xuất khẩu tại Hợp tác xã Phước An, TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

Theo ông Nguyễn Ngọc Nam, quyền Tổng Giám đốc Vinafood 2, kết quả mở thầu có 8/11 doanh nghiệp của Thái Lan, Ấn Độ, Paskistan và Việt Nam trúng thầu, nhưng với số lượng bỏ thầu khá ít, tổng cộng 346.000 tấn. Điều này cho thấy, cũng như Việt Nam, lượng gạo tồn kho gối đầu của các nước xuất khẩu gạo hiện không có nhiều.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), lượng hợp đồng đăng ký xuất khẩu từ năm 2017 chuyển sang của các doanh nghiệp còn khá nhiều, khoảng 760.000 tấn gạo, nguồn cung gạo trong nước khá hạn chế do chưa vào vụ thu hoạch đông xuân. Đây là những tín hiệu lạc quan, kỳ vọng sẽ thúc đẩy xuất khẩu gạo trong năm 2018 khởi sắc, nhất là trong quý 1-2018.

Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), nhu cầu tiêu thụ gạo thế giới được dự báo sẽ tăng trở lại trong năm nay. Các thị trường nhập khẩu gạo chính của Việt Nam như Philippines, Malaysia, Indonesia, Bờ Biển Ngà… sẽ tăng nhập khẩu gạo trong năm nay.

Trung Quốc vẫn là quốc gia có nhu cầu nhập khẩu gạo lớn; Philippines cũng dự báo sẽ tăng số lượng nhập khẩu gạo trong năm nay do thiên tai đã ảnh hưởng nhiều đến việc trồng lúa. Đặc biệt, Indonesia sau 2 năm tạm ngưng nhập khẩu gạo, nay cũng phải nhập khẩu trở lại… Theo đó, lượng gạo xuất khẩu năm 2018 của Việt Nam có thể tăng thêm 400.000 tấn so với năm 2017, đạt trên 6 triệu tấn.

Thủy sản và lâm sản dẫn đầu giá trị xuất khẩu

Hết tháng 1, giá trị xuất khẩu thủy sản đạt 560 triệu USD - tăng 15,6% so với cùng kỳ; các mặt hàng lâm sản xuất khẩu đạt 745 triệu USD - tăng 18,5%. Đây là 2 ngành hàng ở vị trí dẫn đầu giá trị xuất khẩu trong lĩnh vực nông nghiệp.

Theo nhận định, năm 2018 việc xuất khẩu thủy sản sẽ gặp không ít thách thức, bên cạnh sự bất thường của thiên tai, còn là việc tổ chức lại nghề khai thác hải sản (chống khai thác IUU) và phải đảm bảo các yêu cầu: sản xuất sạch hơn, truy xuất được nguồn gốc, vấn đề dư lượng kháng sinh, tiêm chích tạp chất…

Sản xuất gỗ xuất khẩu tại nhà máy MDF VRG Dongwha. Ảnh: CAO THĂNG

Sản xuất gỗ xuất khẩu tại nhà máy MDF VRG Dongwha. Ảnh: CAO THĂNG

Tuy nhiên, qua nhiều năm chịu áp lực cạnh tranh, ngành thủy sản đã có nhiều kinh nghiệm trong việc tổ chức lại sản xuất, nâng cao lợi thế cạnh tranh.

Vì vậy, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng chỉ cần tháo gỡ các nút thắt, sẽ phát huy cao nhất lợi thế sẵn có để đạt 9 tỷ USD ở năm 2018 và hướng đến kim ngạch 10 tỷ USD vào năm 2020. Trong đó, con tôm được xác định là sản phẩm chủ lực của thủy sản.

Trong khi đó, năm 2017 với việc kim ngạch xuất khẩu chạm ngưỡng 8 tỷ USD, ngành lâm sản đã về đích trước 3 năm so với chỉ tiêu đề ra.

Theo ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM (HAWA), nhu cầu thị trường đồ nội thất trên thế giới vẫn tăng đều với doanh số giao dịch vài trăm tỷ USD/năm, Việt Nam chỉ mới chiếm 6% thị phần. Những năm qua, các khu vực sản xuất đồ gỗ đều không tăng trừ châu Á - Thái Bình Dương, nên áp lực cạnh tranh toàn cầu không tăng, trong khi tiềm năng doanh nghiệp Việt Nam còn nhiều, khả năng tăng thị phần cao, lao động phù hợp, năng lực cạnh tranh toàn ngành tốt, là những điều kiện để ngành hàng này tiếp tục tăng trưởng.

Dự báo mức tăng trưởng xuất khẩu gỗ, sản phẩm gỗ và lâm sản ngoài gỗ của năm 2018 là 13%, năm 2019 tăng 13,7% và năm 2020 tăng 14,5%. Vì vậy, dự báo kim ngạch xuất khẩu năm 2018 sẽ khoảng 8,9 tỷ USD, năm 2019 là 10,1 tỷ USD và năm 2020 sẽ là 11,2 tỷ USD. Dự báo này được đưa ra dựa vào năng lực và các hợp đồng đã ký kết.

Theo HAWA, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư nâng cao giá trị hàng xuất khẩu bằng cách đầu tư thiết kế mới, đa dạng nguyên vật liệu; cải tiến hệ thống quản trị để hiệu quả, tiết kiệm hơn, ứng dụng công nghệ thông tin vào các quy trình hoạt động và quản lý của doanh nghiệp… Nhờ vậy, nhiều đơn vị đã nâng cao năng lực cạnh tranh và thâm nhập vào các phân khúc thị trường có giá trị cao hơn.

Rau quả - “ngôi sao” đang lên

Giá trị xuất khẩu mặt hàng rau quả tháng 1 đạt gần 384 triệu USD, tăng 63% so với cùng kỳ năm trước; cao hơn cả xuất khẩu gạo. Tính ra bình quân mỗi ngày, các doanh nghiệp xuất khẩu rau quả thu về gần 13 triệu USD. Vài năm qua, rau quả là mặt hàng nông sản có tỷ lệ tăng trưởng ấn tượng như “ngôi sao” đang lên, khi tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu từ 800 triệu USD năm 2012 lên 3,5 tỷ USD năm 2017, trên 30%/năm (tương tự như ngành gỗ chế biến trước đây), đứng đầu trong tất cả các mặt hàng nông sản xuất khẩu và đã vượt lúa gạo, dầu khí.Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ và Hàn Quốc vẫn là 4 thị trường nhập khẩu rau quả hàng đầu của Việt Nam. Tiến sĩ Nguyễn Hữu Đạt, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit), cho biết từ năm 2018 trở đi, để duy trì đà tăng trưởng, ngoài tiếp tục nâng chất lượng rau quả, an toàn thực phẩm, các doanh nghiệp còn chuyển đổi đầu tư vào chế biến. Đây là giải pháp giúp ổn định hàng hóa, bảo đảm hàng có quanh năm và xuất khẩu được giá trị cao hơn.

Công Phiên

Theo SGGP

largeer