Xuất khẩu sẽ vượt đích sớm

Thứ hai, 27/11/2017, 15:11 PM

Cách đây vài tháng, một số cơ quan chức năng đã đưa ra nhận định tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2017 sẽ đạt 200 tỷ USD, nhưng không lâu sau dự báo này đã trở nên “lạc hậu” bởi con số dự đoán được tăng lên 203 tỷ USD. Nhiều chuyên gia nhận định năm nay hoạt động xuất khẩu sẽ vượt đích sớm.

Dệt may là một trong những lĩnh vực xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Ảnh: Thái Hiền

Dệt may là một trong những lĩnh vực xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Ảnh: Thái Hiền

Hiện tại, con số dự báo trên nhiều khả năng lại tiếp tục trở nên "lạc hậu" bởi tốc độ tăng trưởng xuất khẩu vẫn đang trên đà bứt phá. Tính đến trung tuần tháng 11, kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt hơn 183 tỷ USD, tăng 21,3% (tương đương mức tăng thêm 32,3 tỷ USD) so với cùng kỳ năm ngoái. Nhờ chuyển động tích cực trên, nên nền kinh tế đã xuất siêu hơn 1,2 tỷ USD. Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dệt may, da giày, điện thoại... đang duy trì tốt phong độ. Cá biệt có một vài mặt hàng có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu rất cao, như gạo đạt hơn 2,3 tỷ USD, tăng 21%; rau quả đạt khoảng 3 tỷ USD, tăng hơn 41% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản cả năm sẽ đạt 34 tỷ USD. Nhìn chung, hoạt động sản xuất nông nghiệp, khai thác, đánh bắt và chế biến thủy sản đang có sự chuyển dịch lớn, trên diện rộng và thu được kết quả đáng ghi nhận, sẽ có tác động tích cực, lâu dài đối với việc chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp nói chung thông qua việc nâng cao giá trị và hiệu quả kinh tế của sản phẩm nông nghiệp Việt. Đây là thực tế rất có giá trị, giúp nông dân tham gia, hướng tới lợi nhuận cao hơn, góp phần xóa đói giảm nghèo, tiến tới làm giầu trong tương lai.

Bên cạnh đó, nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo cũng có mức tăng khoảng 22% so với cùng kỳ. Đặc biệt, nhóm hàng chế biến thường xuyên chiếm hơn 70% tổng kim ngạch xuất khẩu, thể hiện rõ nét sự thay đổi về cơ cấu sản xuất trong nước theo hướng công nghiệp hóa, cũng như sự gia tăng về sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo cũng có mức tăng khoảng 22% so với cùng kỳ. Đặc biệt, nhóm hàng chế biến thường xuyên chiếm hơn 70% tổng kim ngạch xuất khẩu, thể hiện rõ nét sự thay đổi về cơ cấu sản xuất trong nước theo hướng công nghiệp hóa, cũng như sự gia tăng về sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Tuy vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu cũng cần nâng cao hiệu quả công tác quản trị, làm chủ tình hình, đồng thời không nên quá “say” đẩy mạnh xuất khẩu dịp cuối năm, mà mất cảnh giác trước một số nguy cơ có thể nảy sinh. Đơn cử, hiện thị trường khu vực Châu Phi, Trung Đông đang có nhu cầu nhập khẩu nhiều gạo, nông sản, hàng thủ công mỹ nghệ... của ta, nhưng đã có trường hợp gặp rủi ro, tranh chấp trong thanh toán; thậm chí có tình trạng hàng của doanh nghiệp Việt đã xuất đi và đối tác tại khu vực này đã nhận hàng, song “quên” không trả tiền.

Ông Ngô Khải Hoàn, Phó vụ trưởng Vụ Châu Phi - Tây Á - Nam Á (Bộ Công Thương) khuyến nghị, các đơn vị nên yêu cầu đối tác thực hiện đầy đủ quy trình giao dịch theo thông lệ, quy định quốc tế. Đặc biệt, để tránh bị động nên yêu cầu nhà nhập khẩu đặt cọc trước và mức đặt cọc bằng 20-30% giá trị hợp đồng là hợp lý.

Bộ Công Thương dự báo, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong năm 2017 có thể sẽ đạt mức tăng trưởng khoảng 18,9% so với năm trước, tức đạt 210 tỷ USD. Đây là mức tăng trưởng hoàn toàn khả thi trong bối cảnh hoạt động thương mại toàn cầu tiếp tục xu hướng cải thiện rõ rệt, là yếu tố tác động tích cực đến sản xuất trong nước cũng như xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.

Theo Hồng Sơn - HNM

largeer