Yến Việt cần được chắp cánh

Thứ hai, 01/04/2019, 10:29 AM

Nghề nuôi và khai thác tổ yến (yến sào) tự nhiên xuất phát từ tỉnh Khánh Hòa khoảng 40 năm trước. Tuy nhiên, 10 năm trở lại đây nghề này đã phát triển khá mạnh, lan qua nhiều vùng miền khác. Việc tăng cả về số lượng lẫn chất lượng đã đưa yến sào nước ta thành ngành hàng xuất khẩu tỷ USD. Tuy nhiên, chất lượng cung ứng thực sự của sản phẩm này vẫn còn nhiều trăn trở.

Giá yến thô ở Việt Nam thấp hơn khoảng 5 lần bán ở thị trường Trung Quốc.

Giá yến thô ở Việt Nam thấp hơn khoảng 5 lần bán ở thị trường Trung Quốc.

Triển vọng tỷ USD

Trong hai năm 2017 và 2018, sản lượng xuất khẩu theo đường tiểu ngạch của tổ yến thô Việt chỉ khoảng 10 tấn, kim ngạch đạt khoảng 10 triệu USD. Trong khi đó, theo ước tính của Hiệp hội nhà Yến Việt Nam, mỗi năm nước ta thu hoạch khoảng 100 tấn tổ yến thô. Nếu xuất khẩu theo đường chính ngạch, giá mỗi tấn cao gấp 5 lần, ước tính tổng giá trị ngành này hơn 2 tỷ USD. Nếu giữa 2 nước Việt Nam và Trung Quốc (thị trường tiêu thụ yến lớn nhất của Việt Nam) đạt được thỏa thuận hợp tác trong ngành này, sẽ mở ra một triển vọng lớn cho yến sào Việt Nam.

Phát biểu tại Diễn đàn nâng cao chất lượng yến sào Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển thị trường diễn ra vào ngày 26/3 tại TP.HCM, đại diện Cục Thú y cho biết, việc xuất khẩu chính ngạch là rất cần thiết, nhưng để thị trường Trung Quốc chấp nhận sản phẩm từ tổ yến của Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn. Theo thống kê của Cục Thú y hiện tại có 42/63 tỉnh thành có nhà nuôi chim yến với tổng cộng 8.304 nhà yến. Tuy nhiên hầu hết trong số này là của những hộ nuôi tự phát, không báo cáo với chính quyền địa phương, dẫn đến việc sản phẩm không có truy xuất nguồn gốc. Ngoài rào cản pháp lý, nước ta vẫn chưa có những quy chuẩn, quy trình về nuôi yến, sơ chế, bảo quản, tinh chế sản phẩm tổ yến. Trong khi đó, rào cản kỹ thuật từ Trung Quốc ngày càng khắt khe hơn về chất lượng, truy xuất nguồn gốc, bao bì đóng gói theo quy định và tiêu chuẩn của thị trường này. Bên cạnh đó, sản phẩm yến sào của Việt Nam chịu sự cạnh tranh gay gắt về chất lượng, giá cả và thương hiệu từ các nước khác như Indonesia, Malaysia..

Theo các chuyên gia, đến năm 2020, tổng đàn yến Việt Nam khoảng 13,2 triệu con và sản lượng tổ có thể ở mức 250 tấn; đến năm 2030 sản lượng tổ yến có thể lên đến  khoảng 1.000 tấn/năm, giá trị xuất khẩu ước đạt nhiều tỷ USD; tạo việc làm cho khoảng 20 ngàn lao động chăm sóc và 120 triệu công lao động chế biến. Hiệu quả dây chuyền là rất lớn. Việc tạo cơ chế để ngành yến Việt Nam phát triển là vấn đề cần thiết hiện nay.

Phần lớn sản phẩm từ yến đều xuất khẩu theo đường tiểu ngạch.

Phần lớn sản phẩm từ yến đều xuất khẩu theo đường tiểu ngạch.

Chú trọng chất lượng

Đại diện cho những doanh nghiệp ngành yến Việt Nam, bà Đỗ Tú Quân, Giám đốc Công ty Yến Quân nói: “Để yến Việt bay xa thì trước hết phải chú trọng đến chất lượng”.

Trên thực tế, tại thị trường nội địa hiện nay chất lượng các sản phẩm yến như: Yến sào, nước yến ngân nhĩ đóng lon... chất lượng vẫn còn đặt ra nhiều dấu hỏi.

Các hãng ghi thành phần lon nước yến với nhiều kiểu khác nhau nhưng thường chung chung như: Nước tinh khiết, đường phèn, yến sào, ngân nhĩ mà tỷ lệ của chúng là bao nhiêu thì không rõ. Một số loại cụ thể hơn thì: Nước 80%, đường phèn 10%, nấm tuyết 8%, yến sào 0,01%, mật ong. Trong khi đó, lọ nước yến của một hãng Thái Lan ghi, yến sào: 12,2% (lọ 70g và 42g/trọng lượng tịnh), có nghĩa là trong lọ có tương ứng 8,54g và 4,9g yến sào.

Ngoài ra, một số nhà sản xuất vì muốn lon nước yến có độ sền sệt giả yến đã sử dụng chất tạo nhớt, tạo đặc công nghiệp vào sản phẩm. Một số khác dùng nguyên liệu thạch trắng, rau câu (agar) để tạo thành hạt có độ dai. Như vậy, lượng yến sào thực có trong những lon nước yến đó là bao nhiêu?

Đặc biệt, trên thị trường hiện nay còn có tổ yến giả. Tổ yến loại này được xác định chủ yếu là tinh bột, có thể còn có agar, lòng trắng trứng, ít nước mắm để có mùi và độ đạm. Chỉ có người trong nghề may ra mới biết tổ yến thật - giả.

Chia sẻ về vấn đề nan giải này, ông Phạm Thế Ruân, Chủ tịch Hiệp hội Yến Sào Việt Nam cho hay thực tế đây là vấn đề đau đầu đối với những người làm nghề chân chính. Hiện nay ở Việt Nam chưa có một trung tâm nào chuyên kiểm định chất lượng yến và các sản phẩm yến khi tung ra thị trường. Chưa kể, các quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng như: ISO 9001, HACCP, ISO 14001 hay tiêu chuẩn nước ngoài: FDA, HALAL... Đây cũng là những tiêu chuẩn chung chưa mấy doanh nghiệp yến đạt được.

Yến sào qua chế biến có trị cao về thương mại.

Yến sào qua chế biến có trị cao về thương mại.

Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam cho hay, từ năm 2017 hiệp hội đã thành lập trung tâm triển lãm yến sào Việt Nam nhằm quảng bá và giới thiệu hình ảnh yến sào nước ta cho khách du lịch. Cũng trong năm này, hiệp hội đã đến Trung Quốc khảo sát cơ sở nhập khẩu yến sào Đông Nam Yến Đô tại Hạ Môn. Trong lần gặp này đôi bên đã có những hoạt động xúc tiến xuất khẩu sản phẩm yến sào của Việt Nam vào Trung Quốc. Gần đây nhất, ngày 5/3/2019, hiệp hội đã thành lập đoàn quảng bá và phát triển thị trường yến sào Việt Nam để giúp các doanh nghiệp ngành yến hợp tác liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Đồng thời phối hợp quản lý chất lượng yến sào từ nhà yến để cơ sở chế biến và tiêu thụ sản phẩm yến sào đảm bảo hợp vệ sinh và an toàn thực phẩm.

Kim Ngọc - Trần Hùng

Theo NTD

largeer