Ấm áp mùa Vu lan, báo hiếu tại chùa Bình An

Thứ ba, 28/08/2018, 12:32 PM

Tháng 7 Vu Lan - mùa của những đứa con trở về báo hiếu cha mẹ, mùa những người con đất Việt tìm về cội nguồn yêu thương để bày tỏ lòng biết ơn đến đấng sinh thành. Thế nhưng với những mảnh đời hạnh ngộ, không chồng, không con, không nơi nương tựa... liệu mùa Vu lan, báo hiếu có ấm lòng; có sự sẻ chia, bù đắp?

Những người chưa từng làm mẹ

Những ngày Vu lan 2018, chúng tôi tìm đến chùa Bình An (4395/1 Nguyễn Cửu Phú, phường Tân Tạo A, quận Bình Tân, TP.HCM) nơi nuôi dưỡng 60 cụ già và 30 trẻ nhỏ.

Làm mẹ là một thiên chức cao cả, thiêng liêng đối với bất cứ người phụ nữ nào. Thế nhưng, tại ngôi chùa Bình An (số 4395/1 Nguyễn Cửu Phú, phường Tân Tạo A, quận Bình Tân, TP.HCM) nơi nuôi dưỡng 60 cụ già và 30 trẻ nhỏ này, hầu hết các cụ bà ở đây chưa bao giờ được trải qua một lần làm mẹ và làm những gì mà một người mẹ thường làm. Dòng đời xô đẩy đã đưa những con người từ nhiều nơi trên dải đất hình chữ S gặp nhau, cùng tìm đến cửa Phật như một nơi nương tựa.

Với bà Nguyễn Thị Mai (quê Nam Định) hai từ “làm mẹ” là quá xa vời. Còn nỗi mất mát nào hơn lúc nghe tin người yêu mình hy sinh ở Trường Sơn. Sự mất mát đó đã gây ảnh hưởng rất nhiều đến sức khoẻ, nhất là khi cơn tai biến đã khiến bà liệt nửa người, và kể từ đó, hai từ làm mẹ đã xóa hẳn khỏi suy nghĩ của người phụ nữ đáng thương này.

Bà Mai xúc động  chia sẻ về cuộc đời mình

Bà Mai xúc động chia sẻ về cuộc đời mình

Đôi mắt bà ngấn lệ, nỗi nhớ về người đã khuất bỗng trào dâng, bà Mai tâm sự: “Vì bà quá thương ông, khi ông hy sinh, gia đình có khuyên bà lấy chồng nhưng bà nhất quyết không chịu, vậy là bà ở một mình đến tận bây giờ, không con cái và cũng không biết đến cảm giác làm mẹ trong một gia đình. Bà ở đây được các sư cô chăm sóc, hai năm nay bà đã đi đứng được tốt hơn. Có lẽ vì thế nên với bà lễ Vu Lan cũng là một ngày bình thường như mọi ngày”.

Làm công nhân tại một nhà máy may thời Pháp, hai vợ chồng Bà Phạm Thị Hò (95 tuổi) sống với nhau mà không có dù chỉ một mặt con. Khi chồng mất, bà vào chùa Bình An sống đến bây giờ. “Bà mong mỏi có một đứa con đến nỗi bảo ông có vợ khác để có con, rồi xin con nuôi nhưng ông nhất quyết không chịu nghe. Đến khi cuối đời, vào chùa ở bà thấy thanh thản, mấy cô trong đoàn hảo tâm hay đến trò chuyện cũng thấy đỡ cô đơn, buồn tủi” – người phụ nữ tuổi U100 nghẹn ngào.

Chiếc đài radio cũ kĩ như một người bạn, và nơi đây, trên mỗi chiếc giường là một mảnh đời hiu quạnh với những nỗi niềm riêng, sâu kín

Chiếc đài radio cũ kĩ như một người bạn, và nơi đây, trên mỗi chiếc giường là một mảnh đời hiu quạnh với những nỗi niềm riêng, sâu kín

Còn với người phụ nữ 94 tuổi không thể nhớ nổi tên mình, chỉ biết mọi người hay gọi là bà Năm gõ chuông. Bà Năm tâm sự, bà ở đây từ những ngày đầu chùa mới xây xong, đến nay cũng được 35 năm. Do không có con cháu nuôi dưỡng nên bà "chỉ biết nương nhờ cửa Phật”. “Lúc trước cũng buồn lắm chứ, nhưng chả nhẽ cứ buồn mãi? Mình không có con cháu thì đành phải chịu vậy thôi. Cũng may là có mấy cô bên nhà hảo tâm đến thăm hỏi cho bà vài ba chục ngàn, mấy gói cà phê. Vậy là đủ thấy ấm lòng” - trả lời câu hỏi, có chạnh lòng với những cụ có người thân đến thăm nom hay không, bà Năm cho biết. 

Do cuộc sống quá cô đơn nên khi có người đến thăm hỏi, trò chuyện các cụ coi luôn đó là niềm vui, hạnh phúc

Do cuộc sống quá cô đơn nên khi có người đến thăm hỏi, trò chuyện các cụ coi luôn đó là niềm vui, hạnh phúc

Những “người lạ” lấp đầy khoảng trống

Cứ đến mùa Vu Lan, tại chùa Bình An lại nhộn nhịp hơn những ngày thường bởi sự xuất hiện của những đoàn hảo tâm đến thăm, tặng quà cho các cụ. Nụ cười của sự chia sẻ, những vòng tay yêu thương của mọi người dành cho nhau khiến sân chùa trở nên ấm áp lạ thường.

Anh Minh Hiếu (thành viên một đoàn từ thiện) chia sẻ: “Năm nào sắp đến lễ Vu Lan thì gia đình tôi cũng đến chùa. Cuộc sống mình không phải quá đầy đủ nhưng vẫn hơn các cụ và em bé ở đây. Mấy phần quà này chỉ phần nào... mong các cụ, các bé có mùa Vu Lan vui vẻ”.

Theo các cụ bà ở đây, chỉ cần nghe mấy câu hỏi: “Bà có khỏe không?”, “Mấy nay bà bớt đau chân chưa?”… là cũng đã cảm thấy ấm lòng. "Dù chỉ là những người xa lạ, nhưng họ rất giàu tình thương, chỉ cần bấy nhiêu đó thôi cũng đủ làm chúng tôi vui và thấy bù đắp được những khoảng trống trong đời" - giọng một cụ không giấu nổi xúc động, rưng rưng!

Trụ trì chùa, Ni sư Thích Nữ Tùng Tín chia sẻ: “Chùa xây dựng đã được 35 năm. Hiện trong chùa nuôi dưỡng gần 100 cụ già và em nhỏ. Các cụ không chồng, không con cháu, không nhà cửa đều được chùa nhận. Cũng may chùa luôn được các nhà hảo tâm tới thăm hỏi, chăm sóc các cụ”.

Tạm biệt chùa Bình An, chúng tôi thầm nghĩ, những mảnh đời nơi đây, dù không trọn vẹn như bao người khác nhưng đã được bù đắp bằng sự sẻ chia của cộng đồng, của lòng hảo tâm từ những con người “xa lạ” ngoài xã hội. Bởi thế, những người phụ nữ không chồng con, những đứa trẻ không cha mẹ tại Bình An luôn cảm thấy ấm áp, không cô đơn và trở thành một đại gia đình quấn quýt, yêu thương...

Chùa Bình An không chỉ là nơi nương tựa của các cụ già neo đơn mà còn là nơi nuôi dưỡng 30 em nhỏ cơ nhỡ, bị cha mẹ bỏ rơi hoặc cha mẹ đã mất. Em H, một trẻ mồ côi xúc động: “Tụi em chỉ biết mình lớn lên ở chùa. Vì không có cha mẹ nên mỗi dịp Vu Lan đều tụng kinh niệm Phật để báo hiếu trả ơn các sư cô đã nuôi nấng, cho chúng em đến trường…”!

Hoàng Uyên - Liên Nguyễn - Mỹ Triều

NTD

largeer